Cô gái Việt "sốc" dự đám cưới ở Trung Quốc: Cỗ 30 món, đọc to tiền mừng

Lần đầu tới dự một đám cưới tổ chức kiểu truyền thống ở Trung Quốc, Hạnh Thư bất ngờ khi thấy MC đọc to số tiền mừng của khách mời để mọi người cùng biết dù ở Việt Nam chuyện này khá nhạy cảm.

Cô gái Hà Nội có tên Nguyễn Hạnh Thư hiện đang sinh sống và làm việc ở Thượng Hải, Trung Quốc. Dù làm việc chủ yếu ở Trung Quốc nhưng nếu có công việc phù hợp ở Hà Nội hay TPHCM, cô vẫn bay về thường xuyên.

Lần đầu đặt chân tới Thượng Hải vào năm 2016, Thư nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới. Tuy vậy, dù gần chục năm sống nơi xa xứ, điều duy nhất đến tận bây giờ khiến cô chưa thể quen được đó là đồ ăn quá nhiều dầu mỡ.

1 Co Gai Viet Soc Du Dam Cuoi O Trung Quoc Co 30 Mon Doc To Tien MungHạnh Thư hiện đang sinh sống và làm việc ở Thượng Hải.

"Tùy từng vùng miền nhưng đa phần đồ ăn ở Trung Quốc đều nhiều dầu mỡ. Các món ăn thường ngập trong dầu chứ không có đồ luộc thanh đạm như ở Việt Nam. Bởi vậy, đến nay tôi chưa thể thích nghi được", cô tâm sự.

Suốt những năm tháng xa nhà, cô gái Hà Nội được trải nghiệm nhiều điều mới lạ, các phong tục tập quán khác biệt ở vùng đất mới. Và mới đây, khi tham dự một đám cưới tổ chức theo nghi thức truyền thống ở tỉnh Sơn Đông, có những chuyện lần đầu được "mắt thấy, tai nghe", khiến Thư thực sự sửng sốt.

2 Co Gai Viet Soc Du Dam Cuoi O Trung Quoc Co 30 Mon Doc To Tien MungCô dâu đội khăn đỏ được đưa về nhà chồng.

"Đám cưới ở đây giữ được nét truyền thống rất riêng. Tới lúc rước dâu, đôi tân lang tân nương đều mặc trang phục cổ truyền. Cô dâu trùm khăn đỏ lên đầu nhìn không khác gì phim Trung Quốc cổ xưa.

Về đến nhà trai, cô dâu chú rể lại bái lạy thiên địa (trời đất) ở bên ngoài. Tiếp đó, cô dâu phải bước qua lửa than mới được vào cửa. Và chỉ chú rể mới mở khăn trùm đầu màu đỏ của cô dâu", Thư nhớ lại.

Với các đám cưới ở Sơn Đông, cặp đôi sẽ tới bái lạy ông bà, cha mẹ, anh em họ hàng rồi khách mời trong ngày cưới. Bởi vậy, chỉ tính riêng thủ tục bái lạy có thể tốn từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ.

3 Co Gai Viet Soc Du Dam Cuoi O Trung Quoc Co 30 Mon Doc To Tien MungĐôi tân lang tân nương cúi lạy các khách mời.

Nhưng điều khiến Thư "sốc" hơn cả là màn công khai tiền cưới của từng khách mời. MC đám cưới cùng 3-4 người nhà cùng nhau kiểm đếm tiền mừng và ghi chép lại đề phòng nhầm lẫn.

Sau đó, MC sẽ đọc to số tiền mừng cưới kèm theo tên của quan khách cho tất cả hội trường cùng nghe.

"Nếu như ở Việt Nam, chuyện khách mời mừng cưới bao nhiêu là vấn đề khá tế nhị, chỉ bố mẹ và hai vợ chồng mới biết rõ, thì ở Trung Quốc, tất cả mọi người đều nắm được con số cụ thể ra sao", Thư nhận xét.

Về chuyện mừng cưới, nếu là hàng xóm có mối quan hệ bình thường sẽ để khoảng 200 tệ (gần 700.000 đồng) vào phong bì. Bạn bè đồng nghiệp hoặc bạn thân sẽ mừng khoảng 500 tệ (1,7 triệu đồng).

Trong khi người thân trong gia đình như cô dì chú bác có thể mừng rất nhiều, tùy thuộc theo điều kiện kinh tế từng gia đình nhưng thông thường sẽ từ 1.000 tệ đến 10.000 tệ (3,4 triệu đồng-34 triệu đồng).

4 Co Gai Viet Soc Du Dam Cuoi O Trung Quoc Co 30 Mon Doc To Tien MungMâm cỗ cưới hàng chục món ở Trung Quốc khiến cô gái Việt choáng váng.

"Minh thấy người Trung Quốc không còn quá coi trọng mừng tiền theo số đẹp như 6 hay 8 như trước kia. Thay vào đó, họ sẽ căn cứ theo mối quan hệ xã hội, tình thân, để đưa ra tiền mừng cho phù hợp. Phong tục này cũng tương tự như Việt Nam", cô nói.

Chưa hết bất ngờ này đã tới ngạc nhiên khác. Ngồi vào bàn thưởng thức mâm cỗ cưới cùng khách mời, Thư chỉ biết "lặng người vì kinh ngạc".

"Mâm cỗ dành cho 10 người nhưng phải ít nhất từ 20 đến 35 món. Dù các món ăn không được bày trí tinh tế, đẹp mắt như ở Việt Nam, nhưng đồ ăn thực sự quá nhiều.

Hầu như các mâm chỉ ăn hết từ một phần hai đến một phần ba lượng thức ăn được bày ra là cùng. Tôi từng hỏi bạn tại sao phải chuẩn bị nhiều và lãng phí như vậy, thì nhận được câu trả lời rằng, người Trung Quốc quan niệm, nếu gia chủ mời đồ quá ít sẽ bị chê cười là kém rộng rãi", Thư kể.

5 Co Gai Viet Soc Du Dam Cuoi O Trung Quoc Co 30 Mon Doc To Tien MungThư thú nhận bị "ám ảnh" sau bữa cỗ la liệt đồ ăn.

Ban đầu, thực khách sẽ khai vị bằng món hạt điều rang đường. Tiếp đó, nhà bếp sẽ liên tiếp phục vụ các món đạm như gà vịt, bò hầm, cá sốt ớt, tôm xào, sứa trộn, cá sốt chua ngọt, ba ba xào, lươn xào...

Thư thú nhận mình bị "ám ảnh" sau bữa cỗ và sợ đồ ăn mất mấy hôm. Nhưng khi biết giá mâm cỗ cưới, cô còn "sốc" hơn nữa.

"Giá đồ ăn bên Trung Quốc khá rẻ. Với mâm cỗ cưới ở quê hơn 20 món chỉ tầm 700-800 tệ (2,4 triệu đồng-2,7 triệu đồng). Có lần, tôi từng đi dự một đám cưới tổ chức ở khách sạn với mâm cỗ 25 món, giá khoảng 1.000 tệ (3,4 triệu đồng). Mâm cỗ này đã bao gồm cả canh ba ba, súp bào ngư hay tôm sú", cô mô tả.

Cuối buổi tiệc, đồ ăn trên bàn còn thừa rất nhiều nên các khách mời sẽ đóng gói vào trong túi nilong và mang về.

"Có vẻ phong tục này khá giống với một số địa phương ở Việt Nam", Thư nhận xét.

Ảnh: Nguyễn Hạnh Thư

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Bài liên quan