'Chữa lành' đang trở thành một từ khóa phổ biến trên mạng xã hội, gắn liền với những trào lưu từ du lịch, ẩm thực đến các hoạt động giải trí. Nhưng liệu ý nghĩa thực sự của 'chữa lành' có bị hiểu sai?

1 Du Lich An Uong Co Chua Lanh Duoc Cho Nguoi Tre

Những người tham gia chương trình cùng nhau chia sẻ cảm xúc của mình - Ảnh: T.T.

Câu chuyện từ nỗi đau cá nhân

Ngày 23-11, khoảng 120 bạn trẻ tại Hà Nội đang gặp khó khăn về mặt tinh thần như căng thẳng, lo âu hay trầm cảm được hỗ trợ tâm lý miễn phí.

Đây là chương trình tư vấn tâm lý cho giới trẻ với tên gọi Ngày hội an lạc, do TS Lê Nguyên Phương, chuyên gia tâm lý tại Viện Tâm lý Việt - Pháp, khởi xướng.

Chương trình không chỉ là dịp để các chuyên gia chia sẻ về tâm lý. Đây còn là nơi nhiều bạn trẻ bộc bạch những câu chuyện đau lòng từ sâu thẳm ký ức.

Chị N.T.A. (27 tuổi, Hà Nội) bật khóc khi nhớ lại lần bị cô giáo THCS bắt vào phòng vệ sinh kiểm tra đồ dùng cá nhân vì nghi ngờ gian lận.

Cảm giác tổn thương từ hành động đó không chỉ khắc sâu vào tâm trí, mà còn khiến chị tự ti vì hoàn cảnh nghèo khó. Từ việc học hành, tìm việc làm cho đến tình yêu, chị luôn cảm thấy như mình bị cuộc đời từ chối, mặc dù đã cố gắng vượt qua.

Không ít câu chuyện khác cũng được kể tại ngày hội. Một cô gái trẻ thừa nhận việc khó khăn khi muốn nối lại tình cảm với mẹ sau những mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con. Hay một bạn trẻ khác chỉ biết giải tỏa cảm xúc dồn nén bằng cách hét lên trên sân thượng.

Những nỗi đau đó không chỉ là trải nghiệm riêng, mà còn là minh chứng rõ ràng cho sự phức tạp trong cảm xúc và những tổn thương tâm lý.

Tại ngày hội, các chuyên gia đã hướng dẫn người tham gia cách nhìn nhận cội rễ của cảm xúc tiêu cực, làm quen với các kỹ thuật tự chăm sóc và điều chỉnh cảm xúc, từ đó xây dựng khả năng phục hồi tâm lý.

Chữa lành không chỉ là ăn uống, du lịch

Chia sẻ về trào lưu chữa lành của các bạn trẻ hiện nay, TS Lê Nguyên Phương khẳng định không phải cứ cảm giác bất an, buồn bã thoáng qua đều cần đến sự chữa lành. "Chữa lành" trong tiếng Việt dịch từ "healing" - vốn gắn với các vết thương thể chất hơn là tinh thần.

2 Du Lich An Uong Co Chua Lanh Duoc Cho Nguoi Tre

TS Lê Nguyên Phương hướng dẫn người tham gia ngày hội cân bằng cảm xúc bên trong mỗi người - Ảnh: T.T.

"Những trạng thái bất an, khổ đau thoáng qua là một phần tự nhiên của cuộc sống. Tuy nhiên, khi cảm xúc đó bắt nguồn từ những chấn thương tâm lý sâu sắc, lặp đi lặp lại và đi kèm các triệu chứng như nhức đầu, đau bụng hay mệt mỏi, đó là lúc cần đến sự chữa lành thực sự", TS Phương chia sẻ.

Ông cũng cảnh báo rằng việc xem nhẹ khái niệm này qua những cụm từ như "du lịch chữa lành" hay "ẩm thực chữa lành" có thể khiến nhiều người hiểu sai về bản chất của nó. Chữa lành là một quá trình khoa học và đòi hỏi sự đồng hành từ chuyên gia, không phải là một hoạt động tự phát hay giải trí nhất thời.

Bản thân ông cũng nhận thấy nhiều bạn trẻ gặp khó khăn về tâm lý, xuất phát từ mối quan hệ gia đình, tình cảm. Nhưng các bạn không đủ thời gian, tài chính để tìm kiếm hỗ trợ tâm lý phù hợp.

Vấn đề khó khăn nhất mà các bạn gặp phải là cảm xúc bất an, khổ đau, ám ảnh thường xuyên đẩy họ vào những cơn giận dữ, đau khổ, trầm cảm. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố cả trong quá khứ và hiện tại.

Đặc biệt, kỳ vọng quá lớn của những người xung quanh đôi khi trở thành gánh nặng với nhiều bạn trẻ. Và khi không giải quyết được, tình trạng càng ngày càng tăng lên và khi cảm thấy bế tắc hoàn toàn thì dẫn đến trầm cảm.

Đáng buồn hơn nữa là trong tâm trạng đó, các bạn bị cản trở sự thành công trong học tập, trong quan hệ, công việc. Đôi khi dẫn đến hành vi tự hại như nghiện ngập, cắt tay, cắt chân, hay thậm chí tự sát

"Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ chuyển hóa nhận thức, cảm xúc, hành vi chấn thương, khổ đau, gốc rễ sâu xa của bất an hiện tại. Mọi người đều có tiềm năng và bổn phận để tự chữa lành cho bản thân và người xung quanh. Đó là hành trình mà ai cũng có thể bắt đầu nếu có sự kiên nhẫn và phương pháp đúng đắn", TS Phương nói.

Chương trình mong muốn giúp mọi người hiểu đúng về các phương pháp trị liệu tâm lý, thần kinh học và những trải nghiệm thực tiễn để tìm lại sự cân bằng cảm xúc.

DƯƠNG LIỄU

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online