Nghỉ lễ là dịp để mọi người gặp gỡ vui chơi, đi du lịch. Một trong những việc cần chuẩn bị kỹ lưỡng nhất trong hành trình là ăn uống. Để chuyến đi khỏe mạnh, an toàn mọi người cần lưu ý tránh hoặc thận trọng khi lựa chọn các món ăn.
1. Bánh mì kẹp thịt không đảm bảo vệ sinh dễ gây ngộ độc
Bánh mì kẹp thịt là món ăn đường phố ngon miệng và tiện lợi nên thường được các gia đình chuẩn bị mang theo hoặc ăn lót dạ trên đường đường đi. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ ngộ độc lớn do ăn bánh mì, trong đó có cả những cơ sở bán bánh mì lâu năm tại địa điểm du lịch nổi tiếng.
Các loại bánh mì làm sẵn trên thị trường thường có nhân bao gồm các loại thịt như thịt lợn, thịt gà, patê, xúc xích, thịt bò xay… kèm rau thơm và nước sốt.
Tuy nhiên, nếu quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản không đúng cách khiến bánh mì bị nhiễm khuẩn gây ngộ độc cho người ăn. Các trường hợp ngộ độc do vi khuẩn thường chiếm tỷ lệ cao do thực phẩm nhiễm các vi khuẩn như: Salmonella , Campylobacter, E.coli, Escherichiacoli, Listeria, Bacillus cereus, Clostridium botulinum…
Trong thịt gà sống thường chứa vi khuẩn Campylobacter và Salmonella. Mọi người có thể bị ngộ độc nếu ăn thịt gà bị nhiễm vi khuẩn mà không được nấu chín kỹ hoặc do quá trình chế biến.
Vi khuẩn E.coli sống trong ruột gia súc và có thể nhiễm vào thịt bò trong quá trình giết mổ. Vi khuẩn cũng có thể lây nhiễm trong quá trình xay thịt bò. Vi khuẩn khi xâm nhập vào thịt sẽ sinh sôi nhanh chóng và gây ngộ độc cho người ăn.
Vì vậy, nếu mua bánh mì, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm được sản xuất tại cơ sở uy tín, được kiểm tra chứng nhận, giám sát về an toàn thực phẩm .
Bánh mì kẹp thịt không đảm bảo vệ sinh dễ gây ngộ độc.
2. Lẩu đường phố
Không thể phủ nhận các món lẩu rất ngon và hấp dẫn nhưng nó chỉ đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi được chế biến đúng cách và lựa chọn nguyên liệu an toàn, rõ nguồn gốc. Tuy nhiên trên thực tế, các món lẩu vỉa hè, đường phố chưa được kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thông thường nguyên liệu dùng làm món lẩu rất đa dạng, từ thịt, cá, hải sản, các loại nấm, rau củ… Nếu quá trình chế biến hoặc bảo quản không đúng cách khiến vi khuẩn xâm nhập làm hỏng thực phẩm gây ngộ độc. Một số chủ kinh doanh mặt hàng ăn uống vì lợi nhuận nhập nguyên liệu rẻ, không rõ nguồn gốc hay thực phẩm đông lạnh quá hạn. Ngoài nguy cơ gây ngộ độc cấp tính còn ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh sẽ gây hại cho cơ thể. Tác động tức thời có thể gây ra ngộ độc thực phẩm từ nhẹ cho đến nặng như: đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa... Sự tích lũy lâu dài của các độc tố trong thực phẩm bẩn gây ra những hậu quả mạn tính mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, nguy hiểm nhất là ung thư.
3. Sữa chưa tiệt trùng chứa nhiều vi khuẩn
Có rất nhiều loại vi khuẩn được tìm thấy trong sữa tươi và các sản phẩm từ sữa tươi sống như: Salmonella, E.coli, Listeria, Campylobacter, Cryptosporidium…
Triệu chứng khi ngộ độc của mỗi người có thể khác nhau tùy thuộc vào loại vi khuẩn, số lượng thức ăn và khả năng phòng vệ miễn dịch của từng người như: tiêu chảy, đau quặn bụng và nôn mửa. Một số trường hợp có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Do đó chúng ta không nên sử dụng các loại sữa chưa được tiệt trùng, không mua sữa và các sản phẩm từ sữa tại các cơ sở sản xuất tự phát chưa đảm bảo đúng tiêu chuẩn sản xuất và bảo quản; không có giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan chức năng.
4. Ăn hải sản sống không an toàn
Ăn hải sản sống, tái, bị ô nhiễm hoặc ăn các món gỏi, sushi, sashimi chứa cá hồi sống, cá ngừ sống, hàu sống… tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe vì chúng có thể chứa ký sinh trùng hoặc vi khuẩn gây ngộ độc nguy hiểm.
Hầu hết các trường hợp nhiễm vi khuẩn Vibrio từ hàu sống có biểu hiện tiêu chảy và nôn mửa. Tuy nhiên, có những trường hợp bị rất nặng có thể dẫn đến tử vong.
Vi khuẩn Salmonella có thể được tìm thấy trong thịt, trứng, một số loại rau và cá sống bao gồm cá hồi và cá ngừ… Nhiễm khuẩn Salmonella gây ra các triệu chứng tiêu chảy, sốt và co thắt dạ dày. Đối với trẻ nhỏ, người có chức năng miễn dịch kém và những người trên 65 tuổi có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng cần nhập viện.
Ăn hàu sống có thể bị nhiễm vi khuẩn Vibrio nguy hiểm.
5. Tất cả các loại tiết canh
Tiết canh là tên gọi chung của món được làm từ tiết gia súc (lợn, ngựa, dê…) hoặc gia cầm (ngan, ngỗng, vịt…). Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Ninh, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, tất cả các loại tiết canh thực chất là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Nếu ăn tiết canh của lợn đang mắc bệnh thì người ăn có nguy cơ mắc liên cầu lợn, giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu, trường hợp nặng có thể tử vong. Ăn tiết canh vịt, ngan cũng khiến người ăn mắc các dịch bệnh cúm A/H5N1, A/H6N1, bệnh về tụ cầu…
6. Các món ăn lạ dễ gây dị ứng
Các món ăn phổ biến dễ gây dị ứng khi đi du lịch biển là dị ứng với một số loại hải sản như: tôm, cua, ngao, trai, sò, mực, bạch tuộc, ốc, giá bể…
Dị ứng thực phẩm như hải sản xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng chống lại các protein có trong những động vật này. Phản ứng dị ứng thường xảy ra nhanh chóng, biểu hiện ở da, đường tiêu hóa, hệ hô hấp hoặc tim mạch, đặc biệt nguy hiểm là sốc phản vệ có thể đe dọa tính mạng.
Do đó, nếu có tiền sử dị ứng cần phải loại trừ các thực phẩm đã từng gây dị ứng và không nên thử các món hải sản lạ để để phòng ngừa dị ứng.
Theo Gia đình & xã hội