Dư luận Việt Nam đang bức xúc về vụ việc bé trai bị đàn chó tấn công dẫn đến tử vong vừa xảy ra gần đây, vậy luật pháp tại Anh Quốc xử lý như thế nào về các vụ việc chó tấn công người?
Theo báo Thanh Niên, hôm 3/4, ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, bé trai Đào Đức Nguyên, 7 tuổi, đang đi về nhà sau khi chơi cùng bạn thì bất ngờ bị một đàn chó khoảng 6 con của bà Lê Thị An cắn xé, tấn công.
Bé Nguyên bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi và tử vong sau khi nhập viện.
Trong khi dư luận Việt Nam đang tranh cãi nên truy xét trách nhiệm như thế nào trong vụ việc thương tâm này, hãy tham khảo cách luật pháp Anh Quốc xử lý các trường hợp chó cắn.
Anh: Bị chó cắn chết, chủ có thể bị phạt 6-14 năm
Năm 2016, Anh Quốc đã nâng mức hình phạt tối đa từ 2 năm đến 14 năm đối với người nuôi chó nếu thú nuôi "khiến người khác có nguy cơ bị thương hoặc thậm chí là tử vong".
Luật này bao gồm các vụ tấn công trong khuôn viên tư gia, thậm chí nếu chó nuôi tấn công chó dẫn đường (guide dog) thì chủ cũng sẽ bị xử phạt.
Một số giống chó còn bị cấm ở Anh như: chó săn Pitbull, chó ngao Tosa của Nhật, chó ngao Argentino và chó ngao Braziliero.
Thẩm phán Richard Williams nói lý do có khung hình phạt rộng là để tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mỗi vụ tấn công. Trong trường hợp có người thiệt mạng vì bị chó cắn chết, chủ nuôi chó có thể phải chịu các bản án từ sáu đến 14 năm.
Luật Việt Nam quy định thế nào?
Theo báo Thanh Niên, chiều 4/4, công an Huyện Kim Động đã tiến hành bắt giữ đàn chó của bà Lê Thị An để điều tra. Trong khi đó Cục phó Cục Thú ý ông Đàm Xuân Thành nói bà An, chủ đàn chó phải chịu trách nhiệm.
Theo Nghị định 90/2017, thì người nuôi chó phải đăng ký với địa phương, thực hiện tiêm phòng, ra đường phải rọ mõm nế thả rông, hoặc đi cùng chủ. Nếu không thực hiện đầy đủ thì chủ chó sẽ bị phạt hành chính.
Nếu chó gây ra hậu quả nghiêm trọng thì chủ chó có thể bị xem xét hình sự.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, trong trường hợp tử vong do bị chó cắn, thì cần xem xét xử lý trách nhiệm hình sự chủ nuôi chó với tội danh "vô ý làm chết người" theo điều 128 BLHS 2015.
"Khi chủ vật nuôi cẩu thả, không có biện pháp rào chắn súc vật, dẫn đến hậu quả chết người đối với người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự với hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm," luật sư Tuấn nói với báo Thanh Niên.
Được biết đàn chó của bà An rất hung dữ, từng tấn công nhiều trẻ em và người dân trong khu vực, đặc biệt là tấn công cả bò, gia cầm của hàng xóm.
Nhiều người đã nhắc nhở bà An nhốt chó, đeo rõ mõm nhưng bà An không làm, vẫn để thả rông thú nuôi.
Nguồn: BBC