Quy định cách ly xã hội của Anh có thể được nới lỏng sau vài tuần

Các biện pháp cách ly xã hội ở Anh có thể được nới lỏng trong vòng vài tuần nếu có dấu hiệu cho thấy dịch coronavirus đang chậm lại, một nhà khoa học và cố vấn chính phủ hàng đầu cho biết.

Giáo sư Neil Ferguson - thuộc Đại học Hoàng gia London, nơi đang tư vấn phương pháp đối phó coronavirus cho chính phủ - cho biết dịch bệnh ở Anh dự kiến ​​sẽ đi vào giai đoạn ổn định trong tuần tới hoặc 10 ngày tới, nhưng cho biết hành vi của người dân đóng vai trò rất quan trọng để xác định điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Ông nói với BBC Radio 4: "Điều quan trọng trước tiên là giảm số lượng ca nhiễm, và sau đó tôi hy vọng ... trong một vài tuần nữa chúng ta sẽ có thể chuyển sang một giai đoạn, không phải quay trở lại cuộc sống bình thường, tôi xin nhấn mạnh điều đó, nhưng sẽ thoải mái hơn một chút về phương diện xã hội và kinh tế."

Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đã kêu gọi mọi người "tuân thủ hướng dẫn" ở nhà và chống lại các cám dỗ phá vỡ quy tắc cách ly xã hội trong dịp cuối tuần đầy vừa qua.

Khi được hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu mọi người bỏ qua các quy tắc cách ly, Giáo sư Ferguson trả lời: "Điều đó sẽ chuyển chúng ta sang một kịch bản bi quan hơn một chút.

"Chúng tôi vẫn nghĩ con số sẽ ổn định nhưng vẫn có mức lây nhiễm khá cao trong nhiều tuần thay vì đạt được ​​mức giảm khá nhanh như ở Trung Quốc."

132 1 Quy Dinh Cach Ly Xa Hoi Cua Anh Co The Duoc Noi Long Sau Vai Tuan

Chính phủ đã tăng cường các biện pháp chống lại coronavirus vào tháng trước sau khi một báo cáo từ nhóm của Giáo sư Ferguson dự đoán Vương quốc Anh có thể đã đón nhận 250.000 ca tử vong.

Ông cũng tự tin rằng xét nghiệm kháng thể thành công có thể sẵn sàng trong vài ngày tới, thêm vào đó ông "hy vọng" trong một vài tuần tới, một số quy định khoảng cách xã hội chặt chẽ có thể được thay thế bằng việc tiếp cận xét nghiệm nhanh và truy tìm người liên quan đến ca nhiễm nhanh chóng.

 

Nếu có sự suy giảm nhanh chóng về số lượng ca mắc, các bộ trưởng sẽ xem xét liệu họ có thể nới lỏng một số biện pháp nhất định theo "cách an toàn mà vẫn đảm bảo dịch bệnh đi xuống" hay không.

Giáo sư Ferguson nói thêm: "Chúng tôi hy vọng chậm nhất là vào cuối tháng 5, chúng tôi có thể thay thế một số biện pháp chuyên sâu bằng công nghệ và xét nghiệm, để chấm dứt việc cách ly hoàn toàn."

Bình luận của ông được đưa ra sau khi một cố vấn chính phủ quan trọng cảnh báo Vương quốc Anh đã đẩy bản thân vào tình cảnh không có chiến lược rõ ràng để thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Giáo sư Graham Medley, chuyên gia lên mô hình đại dịch, cũng tư vấn cho chính phủ về sự bùng phát COVID-19, cảnh báo các biện pháp cách ly chỉ có tác dụng tạm thời.

Theo một báo cáo trên The Times, mô hình của ông cho thấy rằng cho phép mọi người quay trở lại làm việc hoặc mở lại trường học sẽ khiến đại dịch bùng phát trở lại và không có cách nào có thể vừa nới lỏng vừa kiểm soát virus.

Ông cho rằng phải xem xét cho phép mọi người nhiễm virus theo cách ít nguy hiểm nhất có thể thay vì để mặc các tác động về kinh tế, sức khỏe tâm thần của người dân và tác hại của bạo lực gia đình, lạm dụng trẻ em và nghèo đói lương thực kéo dài mãi.

Giáo sư Medley nói: "Căn bệnh này khó chịu đến nỗi chúng ta cần phải đè bẹp nó hoàn toàn. Nhưng dường như chúng ta đã tự dồn mình vào chân tường, bởi vì sau đó câu hỏi sẽ là, chúng ta phải làm gì bây giờ?

"Chúng ta sẽ thực hiện ba tuần cách ly này, vì vậy sẽ có một quyết định lớn vào ngày 13 tháng 4''.

Giáo sư Medley nói thêm: "Nếu chúng ta tiếp tục cách ly, nó sẽ cho chúng ta nhiều thời gian hơn, chúng ta có thể suy nghĩ nhiều hơn nhưng lại không giải quyết được gì, đó chỉ là biện pháp giữ chân tạm thời."

Xét nghiệm được coi là quan trọng trong công cuộc theo dõi virus và mang lại cho Vương quốc Anh hy vọng chấm dứt giai đoạn cách ly xã hội.

Hiện tại, khoảng 10.000 xét nghiệm đang được thực hiện mỗi ngày.

Bộ trưởng y tế đã cam kết thực hiện 100.000 xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày tại Anh vào cuối tháng Tư.

Các chuyên gia y tế cho biết họ hiện đang "thử nghiệm hết công suất các vật tư y tế hiện có", đồng thời bổ sung rằng họ sẵn sàng tăng công suất, nhưng chỉ khi có được "nguồn cung cấp thiết bị đáng tin cậy".

Viện Khoa học Y sinh (IBMS) cảnh báo có một "rủi ro rất thực" rằng các bệnh viện có thể hết thuốc thử, khiến bệnh nhân không thể được xét nghiệm.

Thuốc thử là một hóa chất cần thiết để xác định xem xét nghiệm coronavirus là dương tính hay âm tính.

"Vương quốc Anh có nhiều phòng thí nghiệm được công nhận chất lượng cao với thiết bị phù hợp, với khả năng xử lý hơn 100.000 xét nghiệm mỗi ngày, được thiết lập và sẵn sàng đáp ứng các mục tiêu xét nghiệm", người phát ngôn của IBMS cho biết.

"Hiện tại, Anh có thể xử lý tới 25.000 xét nghiệm mỗi ngày, đến tháng 5 có thể tăng lên 100.000, đáp ứng mục tiêu đầy tham vọng mà ông Matt Hancock đặt ra, tất cả trong NHS. Tuy nhiên, có một vấn đề về nguồn cung vật tư y tế trong tình cảnh thiếu hụt trên toàn thế giới .

"Việc cung cấp lọ nhựa để đựng thuốc thử sẽ không có sẵn cho đến giữa tháng Năm."

 

Nguồn: Sky News

Bài liên quan