Vợ chồng tôi đang định cư ở nước ngoài và đã có 2 con trai. Nay tôi muốn nhận cháu gái là con của chị ruột tôi làm con nuôi có được không? Tôi cần những điều kiện nào để được nhận nuôi?
Vợ chồng tôi đang định cư ở Nga và đã có 2 con trai. Nay tôi muốn nhận cháu gái là con của chị ruột tôi làm con nuôi có được không? Tôi cần những điều kiện nào để được nhận nuôi?
Ảnh minh họa
Trả lời:
Pháp luật về nuôi con nuôi không cấm một người đã có con mà vẫn có nguyện vọng nhận con nuôi. Tuy nhiên, tại Khoản 4 (Điều 13, Luật Nuôi con nuôi) nghiêm cấm: Cấm lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân sự. Như vậy, trong trường hợp không vi phạm điều cấm này, vợ chồng bạn có thể nhận con nuôi.
Mặt khác, trường hợp bạn hỏi về điều kiện xin nhận con nuôi thuộc trường hợp xin nhận con nuôi đích danh.
Theo Khoản 2 (Điều 28, Luật Nuôi con nuôi) quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngòai thường trú ở nước ngoài chỉ được phép xin nhận con nuôi đích danh trong các trường hợp sau:
“Là cha dượng, mẹ kế của người được nhận làm con nuôi; Là cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi; Có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được nhận làm con nuôi;
Nhận trẻ em khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác làm con nuôi;
Là người nước ngoài đang làm việc, học tập ở Việt Nam trong thời gian ít nhất là 1 năm; Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi; Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam”.
Theo như bạn trình bày, bạn định nhận cháu ruột làm con nuôi (tức là dì nhận cháu ruột làm con nuôi). Trường hợp này đáp ứng điều kiện tại Khoản 2 (Điều 28, Luật Nuôi con nuôi): “Là cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi”. Như vậy, bạn hoàn toàn đủ điều kiện nhận cháu ruột của mình làm con nuôi.
Về thủ tục nhận con nuôi, theo quy định tại Điều 21 (Luật Nuôi con nuôi):
Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; Nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại;
Nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.
Trường hợp nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.
Người được nhận làm con nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi muốn được nhận làm con nuôi phải là cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; Cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi; Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng; Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.
Nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên, bạn liên hệ với Sở Tư pháp trực thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố thuộc tỉnh nơi thường trú của trẻ em để làm thủ tục xin nhận con nuôi tại Việt Nam.
Thủ tục gồm:
Đơn xin nhận con nuôi; Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; Phiếu lý lịch tư pháp; Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã/phường nơi người nhận con nuôi thường trú cấp (nếu nhận trẻ em là cháu ruột thì không cần giấy tờ này).
Nguồn: Giadinh.net.vn