Đeo hơn 3 lạng vàng trang sức sẽ phải khai báo khi nhập cảnh?

Nếu vượt quá 300 gram, hoặc dưới 300 gram nhưng giá trị trên 300 triệu đồng mà không có giấy tờ, bạn có thể bị tịch thu hoặc phạt hành chính.

Việc mang trang sức đá quý vào nhập cảnh Việt Nam được quy định tại Điều 15 Nghị định 116/2013/NĐ-CP:

"Cá nhân khi nhập cảnh, xuất cảnh mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng (hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc và các công cụ chuyển nhượng khác) trên mức quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải khai báo hải quan".

Theo Điều 2 và Điều 3 Thông tư 11/2014/TT-NHNN: Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ có tổng khối lượng 300g trở lên phải khai báo với cơ quan hải quan.

Như vậy, người Việt Nam hay nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới được đeo trên người vàng trang sức, mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trang sức như các loại: nhẫn, dây, vòng, hoa tai, kim cài và các loại trang sức khác.

Nếu tổng khối lượng trang sức, vàng bạc, đá quý mang theo từ 300 gram (tương đương khoảng 8 lượng vàng) trở lên, bạn phải khai báo với cơ quan hải quan và xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

1 Deo Hon 3 Lang Vang Trang Suc Se Phai Khai Bao Khi Nhap Canh

Cơ quan hải quan kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu hữu nghị. Ảnh: Giang Huy

Khi được yêu cầu khai báo và xác minh mà bạn không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, hải quan có quyền tạm giữ số trang sức để làm rõ nguồn gốc.

Điều 9 Thông tư 35/2013/TT-NHNN (được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Thông tư 20/2019/TT-NHNN) có quy định về mức giá trị của ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, kim loại quý, đá quý, công cụ chuyển nhượng phải khai báo hải quan và giấy tờ xuất trình cho hải quan cửa khẩu khi cá nhân xuất cảnh, nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, kim loại quý, đá quý phải khai báo hải quan:

1. Mức giá trị của kim loại quý, đá quý (trừ vàng): 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng, trong đó:

a) Kim loại quý (trừ vàng) gồm: bạc, bạch kim, đồ mỹ nghệ và đồ trang sức bằng bạc, bạch kim; các loại hợp kim có bạc, bạch kim.

b) Đá quý gồm: kim cương, ruby, saphia và ê-mơ-rốt.

2. Mức giá trị các công cụ chuyển nhượng: 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng.

3. Mức giá trị của ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, mức giá trị của vàng phải khai báo hải quan thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo quy định này, khi cá nhân nhập cảnh Việt Nam mang kim loại quý, đá quý gồm các loại như kim cương, đá quý dù dưới 300 gr nhưng có mức giá trị từ 300 triệu đồng trở lên cũng sẽ phải thực hiện khai báo với cơ quan hải quan hoặc mang theo vàng thì phải khai báo hải quan về mức giá trị của vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nếu không thực hiện hoặc khai sai, bạn có thể bị xử phạt hành chính theo Khoản 5, Điều 10 Nghị định 128/2020/NĐ-CP. Mức phạt sẽ phụ thuộc vào giá trị số trang sức vượt quá giới hạn và tính chất của vi phạm. 

Tóm lại, nếu bạn mang trang sức dưới 300 g mà giá trị không vượt quá 300 triệu đồng thì không cần khai báo và xuất trình giấy tờ.

Luật sư Phạm Thanh Bình

Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội

Bài liên quan