Bộ Quốc phòng Mỹ mua dịch vụ Starlink cho Ukraine

Lầu Năm Góc sẽ mua các dịch vụ và thiết bị đầu cuối cung cấp Internet từ vệ tinh Starlink của Công ty SpaceX để quân đội Ukraine sử dụng.

1 Bo Quoc Phong My Mua Dich Vu Starlink Cho Ukraine

Một ăng ten Starlink được đặt ở thành phố Izyum, khu vực Kharkov, Ukraine - Ảnh: AFP

Ngày 1-6, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đã ký hợp đồng với Starlink - dự án phủ sóng Internet bằng vệ tinh của Công ty SpaceX do tỉ phú Mỹ Elon Musk sáng lập - để mua các dịch vụ vệ tinh này cho Ukraine, theo Hãng tin Reuters.

"Chúng tôi tiếp tục hợp tác với nhiều đối tác toàn cầu để đảm bảo Ukraine duy trì các năng lực liên lạc và vệ tinh linh hoạt mà họ cần. Liên lạc vệ tinh tạo thành một lớp quan trọng trong mạng lưới liên lạc tổng thể của Ukraine, và Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký hợp đồng với Starlink để cung cấp các dịch vụ thuộc loại này" - Bộ Quốc phòng Mỹ thông tin.

Theo Hãng tin Bloomberg, thời gian qua các quan chức quân sự Mỹ ca ngợi các thiết bị đầu cuối Starlink di động đã đóng vai trò quan trọng ở Ukraine trong việc giữ cho dân thường được kết nối và phục vụ cho quân đội Ukraine, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022.

Starlink đã chứng tỏ tầm quan trọng đối với quân đội Ukraine khi họ dựa vào các thiết bị đầu cuối di động kích thước nhỏ để liên lạc trên chiến trường và chuyển thông tin tình báo.

Các lực lượng Nga đã thành công trong việc vô hiệu hóa khả năng Ukraine sử dụng các thiết bị liên lạc khác, bao gồm cả radio và điện thoại di động, nhưng các tín hiệu vệ tinh khó bị phá vỡ hơn, theo báo Washington Post.

Về hợp đồng nói trên, Lầu Năm Góc lưu ý: "Vì các lý do an ninh và do tính chất quan trọng của các hệ thống này, chúng tôi không chia sẻ thêm thông tin liên quan đến năng lực, hợp đồng hoặc đối tác cụ thể vào thời điểm này".

Starlink là tập hợp các vệ tinh được SpaceX xây dựng để cung cấp truy cập Internet vệ tinh, bao gồm hàng ngàn vệ tinh nhỏ trên quỹ đạo thấp của Trái đất, hoạt động kết hợp với các máy thu phát mặt đất.

Tính đến tháng 5-2023, Starlink có hơn 4.000 vệ tinh nhỏ trên quỹ đạo thấp của Trái đất.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan