Theo truyền thông quốc tế ngày 28-11, lạm phát hằng tháng của Nga trong tháng 11 đã đạt mức cao kỷ lục, tăng hơn 1,5 lần so với tháng 10.
Tính từ đầu năm đến nay, giá khoai tây tại Nga tăng 78,4%. Ảnh: TASS
Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang (RosStat) cho biết, trong tuần từ ngày 19 đến ngày 25-11, chỉ số giá tiêu dùng của Nga tăng 0,36%, tăng 1,15% so với đầu tháng và tăng hơn 8% so với đầu năm.
Nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với thách thức do tình hình thu hoạch kém cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây ngày càng thắt chặt trong 3 năm qua do nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Những hạn chế khác còn xuất phát từ chi phí đáng kể để Nga hỗ trợ chiến tranh, bao gồm ngân sách quân sự tăng và sản xuất quân sự trong nước.
Theo RosStat, tác động lớn nhất của lạm phát là đối với hàng tạp hóa, khi giá cả đã tăng ở mức hai con số và tiếp tục tăng. Kể từ đầu năm, giá khoai tây tăng 78,4%, bắp cải tăng 30,7% và củ cải đường tăng 27%. Giá bơ tăng 31,6%, bất chấp Chính phủ Nga nỗ lực tăng lượng nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Lạm phát thực phẩm nói chung đã vượt quá 10% lần đầu tiên kể từ tháng 1-2023.
Trong khi đó, giá trị tiền tệ tiếp tục giảm so với đồng USD, đồng euro và đồng nhân dân tệ. Theo Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG), tỷ giá hối đoái đồng ruble đã giảm xuống còn 15,16 ruble đổi 1 nhân dân tệ, 114,50 ruble đổi 1 USD và 120,83 ruble đổi 1 euro.
Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định không thực hiện mua ngoại tệ từ ngày 28-11 cho đến hết năm 2024. Đồng ruble đã chịu ảnh hưởng nặng nề sau thông tin Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với 50 ngân hàng Nga, bao gồm cả Gazprombank.
Trước đó, Mỹ vẫn tránh nhắm vào Gazprombank để các nước châu Âu có thể tiếp tục thanh toán cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga vì ngân hàng này đóng vai trò là kênh chính cho các khoản thanh toán liên quan đến năng lượng.
Khi Gazprombank bị trừng phạt, các khoản thanh toán quốc tế cho dầu khí của Nga sẽ khó khăn hơn, làm cạn kiệt một phần nguồn thu ngoại tệ của Điện Kremlin.
Đồng ruble dự kiến sẽ tiếp tục suy yếu khi mùa nghỉ lễ đông bắt đầu, vì các công ty phải nhập khẩu nhiều hàng hóa từ nước ngoài hơn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Kim Phượng - Báo Hà Nội Mới