Nam Phi bối rối bắt hay không bắt ông Putin?

Nam Phi đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan với lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Putin của ICC nếu ông đến nước này tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS.

1 Nam Phi Boi Roi Bat Hay Khong Bat Ong Putin

Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor bắt tay Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước cuộc gặp song phương của họ ở Pretoria, Nam Phi hồi tháng 1-2023 - Ảnh: REUTERS

Lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin được Tòa hình sự quốc tế (ICC) đưa ra hồi tháng 3 đang tạo nên tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Nam Phi.

ICC yêu cầu 123 nước thành viên bắt giữ ông Putin với cáo buộc ông đã trục xuất bất hợp pháp trẻ em và đưa người bất hợp pháp từ lãnh thổ Ukraine sang Nga.

Nam Phi là một thành viên của ICC, nhưng nước này lại có mối quan hệ gần gũi với Matxcơva.

Tổng thống Nga được cho là sẽ đến Cape Town để tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS (gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Sức ép từ đảng đối lập

Hôm 30-5, Đảng Liên minh dân chủ (DA) - đảng đối lập hàng đầu của Nam Phi, cho biết họ đã có hành động pháp lý để buộc chính phủ nước này bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu ông "đặt chân đến Nam Phi".

"Hành động này nhằm đảm bảo Nam Phi tuân thủ các nghĩa vụ của mình", bà Glynnis Breytenbach - quan chức cấp cao Đảng DA phụ trách giám sát hoạt động của Bộ Tư pháp, nói.

Hành động của Đảng DA diễn ra khi chính phủ nước này cấp quyền miễn trừ ngoại giao cho các quan chức tham dự cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao BRICS vào cuối tuần này, cũng như hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia của nhóm vào tháng 8 tới.

Bộ trưởng tư pháp Nam Phi, ông Ronald Lamola, cho biết nước này "đang xem xét một số lựa chọn" liên quan đến việc áp dụng quy chế của ICC, trong đó bao gồm quyền mở rộng miễn trừ ngoại giao theo thông lệ với các nguyên thủ quốc gia đến thăm Nam Phi.

Theo trang Aljazeera, một số người cho rằng đây là động thái "lót đường" cho chuyến thăm của ông Putin. Nam Phi đã nhanh chóng bác bỏ quan điểm trên, nói rằng đó là thủ tục "tiêu chuẩn" để tổ chức các hội nghị quốc tế.

Đầu tháng 5, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết nước này phải chịu "áp lực ngoài sức tưởng tượng" khi phải chọn bên trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Thế khó của Nam Phi

Rõ ràng Nam Phi đang đứng trước sức ép lớn. Một mặt, Nam Phi có quan hệ ngoại giao chặt chẽ với Matxcơva, họ cũng đã từ chối lên án Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, nói rằng muốn giữ thái độ trung lập và mong muốn đối thoại để chấm dứt xung đột. Mặt còn lại họ là thành viên của ICC.

Dù vậy, trong quá khứ, Nam Phi đã báo hiệu ý định rời khỏi ICC, sau cáo buộc của ICC và cả tòa án trong nước liên quan việc Nam Phi không bắt giữ cựu tổng thống Sudan - ông Omar Hassan al-Bashir, khi ông đến Johannesburg (Nam Phi) tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Phi năm 2015, theo trát của ICC.

Tiến sĩ Hannah Woolaver từ khoa luật Đại học Cape Town nhận định ICC đang đặt các quốc gia như Nam Phi vào tình thế khó khăn về cả pháp lý và chính trị.

Bà cho biết một đồng nghiệp đặt ra phương án Nga có thể tham gia trực tuyến qua Zoom. Song, khả năng này là rất thấp.

Giáo sư Dire Tladi từ khoa luật Đại học Pretioria lại nhận định Nam Phi "không có động lực" thực thi lệnh bắt của ICC với ông Putin, vì nước này đang khao khát tăng cường vai trò trong BRICS và mối quan hệ của họ với Nga đang phát triển mạnh mẽ.

"Nga sẽ được đại diện hợp pháp"

Trước đó, với lệnh bắt giữ của ICC, Nga chỉ dùng một từ "vô nghĩa".

Ông Putin từng nhận lời dự hội nghị BRICS trước khi lệnh bắt của ICC được công bố. Hôm 26-5, Hãng thông tấn TASS của Nga cho biết ông "không rút lại quyết định tham gia hội nghị".

Hôm 30-5, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitri Peskov từ chối cho biết liệu ông Putin có tới Nam Phi tham dự BRICS hay không, nhưng khẳng định "Nga sẽ được đại diện hợp pháp".

Ông Peskov truyền tải thông điệp từ Nga, kỳ vọng các đối tác BRICS "không bị dẫn dắt" bởi "các quyết định bất hợp pháp" như lệnh bắt giữ của ICC.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan