Người Nhật xếp hàng chia tay gấu trúc Trung Quốc

Hàng nghìn người kéo đến hai vườn thú của Nhật Bản để tạm biệt 4 con gấu trúc dự kiến được đưa về Trung Quốc trong tuần này.

Du khách hôm nay đổ xô đến sở thú Ueno ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, để nhìn lần cuối Xiang Xiang, con gấu trúc đã thu hút rất nhiều người đến công viên này kể từ khi nó chào đời vào năm 2017, và đến một công viên ở thành phố phía tây Wakayama để tạm biệt ba con gấu trúc khác.

Tại Tokyo, buổi thăm và chia tay Xiang Xiang chỉ dành cho 2.600 khách trúng vé số may mắn, nhưng một số người hâm mộ không trúng vẫn đến.

1 Nguoi Nhat Xep Hang Chia Tay Gau Truc Trung Quoc

Người dân chụp ảnh gấu trúc Xiang Xiang ở vườn thú Ueno, thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 19/2. Ảnh: AFP.

"Tôi muốn hít thở cùng một bầu không khí" với Xiang Xiang, Mari Asai, người dân địa phương, nói với nhật báo Asahi Shimbun. "Ngay cả khi không thể nhìn thấy Xiang Xiang, trái tim tôi vẫn tràn ngập niềm vui khi biết nó ở đó", người đàn ông 48 tuổi chia sẻ.

Một người khác vừa khóc vừa nói rằng cô muốn ở gần Xiang Xiang nhất có thể. "Mọi thứ liên quan đến Xiang Xiang đều đáng yêu, dù nó ngủ hay thức", người phụ nữ cho hay.

Vườn thú Ueno mỗi ngày đều nhận được điện thoại và email từ những người dân yêu quý Xiang Xiang yêu cầu họ giữ nó lại. Xiang Xiang ban đầu được lên kế hoạch đưa về Trung Quốc vào năm 2021 nhưng chuyến đi bị hoãn nhiều lần do các hạn chế Covid-19.

Tại Wakayama, nhiều người cũng kéo đến vườn thú ở đây tới để tạm biệt gấu trúc Eimei và hai con của nó.

2 Nguoi Nhat Xep Hang Chia Tay Gau Truc Trung Quoc

Người dân xếp hàng chờ tới lượt thăm gấu trúc Xiang Xiang ở sở thủ Ueno, Tokyo, hôm nay. Ảnh: AFP.

"Cả ba con gấu đều rất đáng yêu, tôi đã suýt khóc", một phụ nữ ngoài 70 tuổi nói với kênh NHK. "Tôi buồn vì chúng phải trở về Trung Quốc".

Trung Quốc coi gấu trúc là "sứ giả ngoại giao" và thường xuyên tặng hoặc cho các nước trên thế giới mượn như một cách thắt chặt quan hệ song phương. Truyền thông nước này hồi tháng hai năm ngoái đưa tin Trung Quốc đã phối hợp với 18 quốc gia đang nuôi gấu trúc, trong đó có Mỹ, Đức, Qatar, Singapore và Nhật Bản, để nghiên cứu và bảo tồn loài động vật này.

Theo nhóm môi trường WWF, ước tính có khoảng 1.860 con gấu trúc còn sót lại trong tự nhiên, chủ yếu ở các khu rừng tre ở vùng núi Trung Quốc. Khoảng 600 con đang sống trong môi trường nuôi nhốt như các trung tâm gấu trúc, vườn thú và công viên động vật hoang dã trên khắp thế giới.

Vũ Hoàng (Theo AFP)

Bài liên quan