Nhà băng lớn tại Singapore cắt mọi giao dịch với Nga vì e ngại lệnh trừng phạt của phương Tây

Ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp sẽ ngừng xử lý mọi giao dịch liên quan đến Nga vì họ muốn cắt giảm tiếp xúc với quốc gia đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây.

1 Nha Bang Lon Tai Singapore Cat Moi Giao Dich Voi Nga Vi E Ngai Lenh Trung Phat Cua Phuong Tay

Tờ Business Insider (Mỹ) ngày 10/10 đưa tin, Oversea–Chinese Banking Corp (OCBC) - ngân hàng cho vay lớn thứ hai của Singapore - trong những tuần gần đây đã thông báo với khách hàng, bao gồm cả khách hàng ngân hàng tư nhân, rằng họ sẽ không xử lý bất kỳ giao dịch nào liên quan đến Nga kể từ ngày 1/11/2024, theo nguồn tin hiểu biết về vấn đề này.

Đó là các giao dịch xoay quanh việc vận chuyển hoặc bán hàng hóa và dịch vụ tại Nga, nguồn tin cho hay, và nói rằng quyết định chấm dứt giao dịch của ngân hàng là do "những thách thức về hoạt động" liên quan đến việc tuân thủ quy định.

Các hạn chế mới dự kiến sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến OCBC, vì ngân hàng này đã không mở tài khoản mới cho khách hàng Nga trong hai năm qua, nguồn tin cho biết thêm.

2 Nha Bang Lon Tai Singapore Cat Moi Giao Dich Voi Nga Vi E Ngai Lenh Trung Phat Cua Phuong Tay

Oversea–Chinese Banking Corp (OCBC) - ngân hàng cho vay lớn thứ hai của Singapore - thông báo với khách hàng rằng họ sẽ không xử lý bất kỳ giao dịch nào liên quan đến Nga kể từ ngày 1/11/2024. Ảnh: Shutterstock

Trong động thái cắt giảm tất cả các giao dịch liên quan đến Nga, quyết định của OCBC cho thấy các ngân hàng đang trở nên thận trọng hơn khi cuộc xung đột giữa Nga với Ukraine kéo dài sang năm thứ ba, dẫn đến nhiều lệnh trừng phạt và hạn chế hơn.

Các ngân hàng trên khắp thế giới đang tìm cách cắt giảm rủi ro liên quan đến Nga có thể dẫn đến khoản tiền phạt hàng triệu USD. Hồi tháng 7, State Street Bank and Trust Co có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ) đã đồng ý trả 7,5 triệu USD để giải quyết các cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ rằng chi nhánh của họ đã vi phạm lệnh trừng phạt.

Những thay đổi này diễn ra khi nhiều bên cho vay ngày càng do dự về việc thực hiện các giao dịch với khách hàng Nga sau khi phương Tây đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các công ty kinh doanh tại quốc gia này.

Ngoài Singapore, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang áp đặt thêm các lệnh trừng phạt nhắm vào các thực thể và ngành công nghiệp của Nga. Mới đây, vào tháng 6, Washington đã mở rộng việc áp dụng các lệnh trừng phạt thứ cấp khi tìm cách ngăn chặn việc bán chip bán dẫn và các hàng hóa khác cho Nga, nhắm vào các bên bán thứ ba ở Trung Quốc và các nơi khác.

Tờ Izvestia của Nga hồi tháng 8 đưa tin rằng, hầu như tất cả các ngân hàng Trung Quốc đã ngừng xử lý các khoản thanh toán từ Nga vì sợ bị nhắm mục tiêu.

Giám đốc thương mại của công ty thanh toán Impaya Rus (Nga) Alexey Razumovsky nói với Izvestia vào thời điểm đó rằng, 98% ngân hàng Trung Quốc, ngay cả những ngân hàng khu vực nhỏ, đang từ chối chấp nhận chuyển khoản thanh toán trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ từ Nga. Những thách thức trong thanh toán với các ngân hàng Trung Quốc có thể góp phần gây ra khó khăn trong chuỗi cung ứng và lạm phát ở Nga.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, nước này đã gần cạn kiệt dự trữ nhân dân tệ và các doanh nghiệp của nước này từ đầu năm nay đã bị thiệt hại hàng tỷ USD do các khó khăn trong thanh toán ở nước ngoài.

Vướng mắc trong thanh toán là vấn đề đối với nền kinh tế Nga, vốn ngày càng tách biệt khỏi thị trường toàn cầu và do đó phụ thuộc nhiều hơn vào đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sau khi Moscow bị phương Tây trừng phạt vào năm 2022.

Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, đồng nhân dân tệ đã trở thành loại tiền tệ giao dịch chính của nước này trong năm nay, chiếm hơn một nửa tổng số giao dịch tiền tệ trong nước Nga.

Theo nguoiduatin.vn

Bài liên quan