Việc Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu diện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào ngày 3-4 đã cho thấy bước triển khai tiếp theo nhằm khẳng định vị thế "dẫn dắt cuộc chơi" ở Ukraine của chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Macron (phải) bắt tay Tổng thống Ukraine Zelensky sau khi hai bên ký Hiệp định an ninh song phương tại Điện Elysee tháng 2-2024 - Ảnh: AFP
Trên thực tế, ngay từ buổi đầu của cuộc chiến Nga - Ukraine, Tổng thống Macron đã là bên cố ý duy trì quan điểm khác biệt với phần còn lại của châu Âu nói riêng và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói chung.
Trong năm đầu tiên diễn ra chiến sự Ukraine, ông Macron đã khẳng định "điều quan trọng là Matxcơva không bị bẽ mặt và một trật tự an ninh châu Âu trong đó có Nga phải được thiết lập".
Pháp muốn dẫn dắt châu Âu
Lúc đó nước Pháp bị dư luận công kích nặng nề, cho đến khi chính ông Macron phải thừa nhận vào tháng 6-2023 rằng "đã không chú ý" đầy đủ mối đe dọa từ Nga.
Và từ lúc đó, đặc biệt khi những tranh cãi chính trị dẫn đến viện trợ của Mỹ cho Ukraine giảm sút và đặc biệt sau khi cựu tổng thống Donald Trump ngỏ ý không ủng hộ việc bảo vệ các thành viên NATO không đóng góp đủ nếu bị Nga tấn công, ông Macron đã bắt đầu thay đổi đáng kể.
Đến tháng 3-2024, ông Macron một lần nữa trở nên mạnh mẽ hiếm có khi khẳng định sự tồn tại của một kịch bản đưa quân Pháp vào Ukraine ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh tam giác Weimar (Pháp - Đức - Ba Lan) ở Berlin.
Tuyên bố được cho là vượt "giới hạn đỏ" này đã gây ra sự phản ứng gay gắt, nhưng cho đến nay ông Macron được nhiều quốc gia châu Âu ủng hộ quan điểm này khi Nga liên tục triển khai các cuộc tấn công lớn vào Ukraine.
Quá trình thay đổi này cũng giúp ông Macron nhận diện rõ được lập trường cơ bản của các bên còn lại ở châu Âu đều có mong muốn duy trì chiến sự ở Ukraine trong giới hạn kiểm soát, đặc biệt là từ phía Đức - bên phản đối mạnh nhất vấn đề đưa quân đội nước ngoài vào Ukraine. Nghĩa là các bên đều có quan điểm tương đồng với Pháp nhưng lại không dám phát ngôn công khai như Pháp vì quan ngại sự công kích cảm tính của dư luận và cả từ phía Nga.
Từ đó, ông Macron đã từng bước tiến hành "tích hợp" các quốc gia có quan điểm tương đồng vào các sáng kiến có khả năng "thay đổi cuộc chơi" của người Pháp. Điển hình nhất chính là sự song hành của trục Pháp - Ý trong các cam kết ủng hộ Ukraine "lâu nhất có thể" từ tháng 6-2023 và gần đây nhất là thỏa thuận cho việc lập liên minh cung cấp hệ thống phòng không tiên tiến SAMP/T - hệ thống duy nhất do châu Âu sản xuất có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo. Pháp và Ý cũng nổi tiếng với sự vận động song hành nhằm thuyết phục Thủ tướng Hungary Viktor Orban đồng ý không phủ quyết gói viện trợ dân sự 50 tỉ euro từ EU cho Ukraine vào tháng 2-2024.
Ông Macron được cho là đang tính toán "nước cờ" xa hơn cho Ukraine trong trường hợp sự ủng hộ của Mỹ cho Ukraine giảm sút hay thậm chí cả việc Mỹ rút khỏi NATO, lúc đó châu Âu cần "tự lập" trong việc ủng hộ Ukraine và ngay từ bây giờ phải chuẩn bị cho viễn cảnh đó.
Hội tụ quan điểm tương đồng
Không chỉ vậy, ông Macron cũng thành công khi cùng với Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng bày tỏ một vẻ bề ngoài đang tranh cãi gay gắt nhưng thực tế lại đồng hành hiệu quả trong nhiều động thái nhằm tạo bước ngoặt cho vấn đề Ukraine.
Cả Pháp và Đức không chỉ cùng tiên phong trong các chuyến thăm của lãnh đạo EU đến Kiev, mà còn dẫn đầu trong quá trình đàm phán ký kết các hiệp định an ninh song phương giữa các thành viên NATO chủ chốt với Ukraine.
Ông Macron còn khiến Đức trở thành quốc gia hỗ trợ đắc lực cho các sáng kiến của Pháp trong tam giác Weimar, định hướng sản xuất vũ khí châu Âu trên lãnh thổ Ukraine từ mùa hè năm nay với sự tham gia của các liên doanh sản xuất xe tăng như KNDS được thành lập giữa Nexter của Pháp và Krauss-Maffei-Wegmann của Đức.
Vào tháng 2-2024, ông Macron đã xác nhận có thực hiện các cuộc gọi bí mật với Tổng thống Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cùng tháng để đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh ở Paris mà ông hy vọng sẽ làm thay đổi chiến lược của phương Tây trong cuộc chiến Ukraine.
Tuy nhiên, sự hội tụ "nghị sự chung" giữa Pháp với các quốc gia châu Âu có ảnh hưởng là Đức và Ý có vẻ còn nhằm vào một mục tiêu khác. Đó là sự chia sẻ trách nhiệm của các cường quốc này trong bối cảnh tình hình kinh tế của người Pháp không quá thuận lợi.
Lời hứa cung cấp viện trợ quân sự lên đến 3 tỉ euro của ông Macron chỉ hơn một tháng sau khi ký Hiệp định an ninh song phương với Ukraine đang làm dấy lên mâu thuẫn giữa chính phủ với giới lập pháp của nước này. Đặc biệt là khi Chính phủ Pháp vừa công bố riêng các biện pháp để cắt giảm chi tiêu 10 tỉ euro cho năm hiện tại và khả năng tăng thuế nội địa đang được cân nhắc.
Mặc dù cùng một lúc phải ứng phó cả với áp lực từ bên trong từ một nền kinh tế cận kề khủng hoảng lẫn sự gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng dẫn dắt châu Âu từ các đối thủ bên ngoài, nhưng Tổng thống Macron dường như đang trình diễn một chuỗi động thái khéo léo để có thể phân tách cơ hội trong thách thức, chuyển hóa được đối thủ thành đối tác và hội tụ vào cùng chia sẻ trách nhiệm trong quỹ đạo chung của châu Âu ở Ukraine do người Pháp dẫn dắt.
LỤC MINH TUẤN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online