Phe đối lập muốn bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ Pháp

Phe đối lập Pháp kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ Pháp, sau khi Tổng thống Macron vượt quyền quốc hội thông qua luật tăng tuổi hưu.

LIOT, nhóm nghị sĩ độc lập và trung dung tại Hạ viện Pháp, ngày 17/3 trình kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Elisabeth Borne. Kiến nghị của LIOT được 91 nghị sĩ từ các đảng phái đối lập khác đồng ký tên.

"Việc này sẽ giúp chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc hiện tại", Bertrand Pancher, lãnh đạo LIOT, cho biết.

Động thái diễn ra sau khi Tổng thống Macron ngày 16/3 họp nội các và dùng quyền lực đặc biệt theo hiến pháp để phê chuẩn luật cải cách hưu trí mà không thông qua quốc hội, làm dấy lên các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố.

Đảng đối lập cực hữu National Rally (NR), với 88 nghị sĩ tại Hạ viện, là bên tiếp theo nộp kiến nghị, cho rằng đạo luật cải cách hưu trí là "bất công và không cần thiết". Kiến nghị của NR dự kiến nhận được ít sự ủng hộ hơn.

Nghị sĩ NR Laure Lavalette nói đảng này sẽ ủng hộ tất cả kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm được trình lên quốc hội. "Điều quan trọng là xóa bỏ dự luật bất công này", bà cho biết.

Hạ viện Pháp dự kiến bỏ phiếu về các kiến nghị vào ngày 20/3. Kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm cần nhận được 289 phiếu ủng hộ trên tổng số 577 ghế Hạ viện để được thông qua. Trong trường hợp này, Thủ tướng Borne sẽ phải nộp đơn từ chức cho ông Macron. Ông chủ Điện Elysee sau đó có thể bổ nhiệm tân thủ tướng hoặc tổ chức bầu cử.

Nếu kiến nghị không có đủ số phiếu cần thiết, dự luật cải cách hưu trí sẽ được coi là đã thông qua và trở thành luật.

1 Phe Doi Lap Muon Bo Phieu Bat Tin Nhiem Chinh Phu Phap

Tổng thống Pháp Emmanuel phát biểu tại Paris ngày 16/3. Ảnh: AFP

Dự luật quy định nâng tuổi nghỉ hưu ở Pháp từ 62 lên 64 vào năm 2030 và yêu cầu người lao động làm việc ít nhất 43 năm để nhận đủ lương hưu. Khi được công bố năm ngoái, dự luật vấp phải phản đối từ công chúng, với nhiều cuộc biểu tình, đình công đã xảy ra từ tháng 1.

Dự luật nhận được sự ủng hộ từ Thượng viện, nhưng vấp phải phản đối của nhiều nghị sĩ ở Hạ viện. Tổng thống Macron từng thúc đẩy dự luật trong nhiệm kỳ đầu tiên nhưng không thành công. Ông nêu lại vấn đề khi tái tranh cử hồi tháng 4/2022, nhưng liên minh cầm quyền của ông mất thế đa số tại Hạ viện vào tháng 6 cùng năm.

Theo ông chủ Điện Elysee, cải cách hưu trí là cần thiết để giữ hệ thống bền vững hơn. Hội đồng Cố vấn Hưu trí Pháp ước tính hệ thống hưu trí Pháp thâm hụt thường niên khoảng 10 tỷ euro (10,73 tỷ USD) từ năm 2022 đến 2032.

2 Phe Doi Lap Muon Bo Phieu Bat Tin Nhiem Chinh Phu Phap

Người biểu tình phản đối dự luật cải cách hưu trí của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thành phố Toulouse, Pháp, ngày 17/3. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở Pháp bùng phát thành bạo loạn và đốt phá, khiến đường phố tan hoang. Lực lượng an ninh đã bắt 310 người, trong đó có 258 người ở thủ đô Paris.

Soumaya Gentet, 51 tuổi, nhân viên một chuỗi siêu thị ở Paris, nói bà rất tức giận và sẽ biểu tình cho đến khi dự luật được thu hồi. "Họ không nghĩ đến những gì người dân muốn", bà Gentet cho biết.

"Ông Macron không quan tâm, không hiểu người dân. Dự luật cần phải được thu hồi", Lamia Kerrouzi, đồng nghiệp của Gentet, nói.

Như Tâm (Theo DW, France 24)

Bài liên quan