Phi công Ukraine kể lần thoát chết dưới hỏa lực Nga

Biên đội 4 trực thăng của Petro có nhiệm vụ tập kích đoàn xe Nga, nhưng bất ngờ bị phòng không đánh chặn và chỉ hai chiếc trở về.

"Nhiệm vụ khó khăn nhất của tôi diễn ra ngày 6/3/2022 ở tỉnh Mykolaiv. Biên đội chúng tôi gồm 4 trực thăng, mục tiêu là đoàn xe quân sự đang trên đường đến nhà máy hạt nhân Zaporizhizhia", Petro, phi công trực thăng Mi-8 Ukraine đang tham chiến tại Bakhmut, cho biết hôm 11/3.

Các phi công Ukraine khi đó được thông báo rằng đoàn xe Nga không di chuyển, nhưng thực tế đội hình này đã cơ động đến vị trí khác.

"Chúng tôi đột nhiên thấy họ từ khoảng cách hai km và biên đội bị tấn công dữ dội. Hai trực thăng bị phá hủy, phi cơ thứ ba gặp nhiều hư hại. Tôi may mắn ở trên trực thăng duy nhất không trúng đạn. Chỉ có hai máy bay trở về căn cứ", Petro nhớ lại.

Một nguồn tin quân sự Ukraine nói rằng khoảng 30 phi công trực thăng nước này đã thiệt mạng kể từ khi chiến sự bùng phát.

1 Phi Cong Ukraine Ke Lan Thoat Chet Duoi Hoa Luc Nga

Xạ thủ súng máy Ukraine quan sát trực thăng Mi-8 đồng đội trong ảnh công bố hôm 11/3. Ảnh: AFP.

"Điều khó nhất là quá trình chuẩn bị, quyết định sẽ bay theo hướng nào và làm gì để tiếp cận mục tiêu, vì chúng tôi không nắm rõ toàn bộ tình hình trước khi cất cánh và không thể chắc chắn được điều gì. Tuy nhiên, mọi nỗi sợ hãi đều biến mất khi chúng tôi bắt đầu nổ máy", Petro cho hay.

Petro mơ được điều khiển trực thăng đa dụng Black Hawk của Mỹ, nhưng không vì thế mà anh chê bai dòng Mi-8 trong biên chế Ukraine. "Nó không hoàn hảo, nhưng vẫn là loại máy bay tốt và chúng tôi am hiểu rõ về nó", phi công Ukraine cho hay.

Ở tuổi 23, Petro đã hoàn thành khoảng 50 nhiệm vụ chiến đấu. Anh nói rằng trực thăng Ukraine phải luôn bay sát mặt đất trong mọi chuyến xuất kích. "Mục tiêu là di chuyển trong điểm mù của radar Nga để tránh bị phát hiện", anh nói thêm.

Các trực thăng chỉ ngóc mũi, tăng độ cao khi ở cách khu vực mục tiêu khoảng 6 km, sau đó khai hỏa hàng chục rocket và lập tức hạ độ cao, chuyển hướng để thoát ly. Phi cơ Ukraine phải rút lui theo tuyến đường khác để tránh sập bẫy phòng không đối phương.

Phương thức này cũng được trực thăng vũ trang và cường kích Nga sử dụng rộng rãi trong chiến sự, giúp tăng tầm bắn của rocket và cho phép phi cơ khai hỏa từ ngoài tầm của nhiều hệ thống phòng không. Tuy nhiên, nó khiến rocket tản mát rộng hơn, khiến độ chính xác của đòn không kích bị suy giảm đáng kể.

Không quân Ukraine thường hiệp đồng với các đơn vị bộ binh ở tiền tuyến, trong đó binh sĩ dưới mặt đất sẽ triển khai flycam để kiểm tra kết quả đòn đánh. Nếu mục tiêu chưa trúng đạn, các trực thăng sẽ tiếp tục mở cuộc tấn công thứ hai, dựa trên dữ liệu hiệu chỉnh từ flycam.

"Chúng tôi chưa có máy bay không người lái (UAV) trong giai đoạn đầu chiến sự, các nhiệm vụ rất phức tạp và kém hiệu quả. Mọi chuyện thay đổi từ mùa hè năm ngoái khi chúng tôi tiếp nhận nhiều khí tài hiện đại, giúp tăng hiệu quả tác chiến", Petro nói.

Vũ Anh (Theo AFP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

Bài liên quan