Quốc hội Hungary chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan

Ngày 27/3, Quốc hội Hungary ngày phê chuẩn một dự luật cho phép Phần Lan gia nhập NATO, đánh dấu việc đơn xin gia nhập khối quân sự của Helsinki đã được 29/30 thành viên chấp thuận. Trong khi đó, đơn gia nhập của Thụy Điển vẫn còn bị bỏ ngỏ.

1 Quoc Hoi Hungary Chap Thuan Don Xin Gia Nhap Nato Cua Phan Lan

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (phải) và Phó thủ tướng Zsolt Semjen tại cuộc họp bỏ phiếu thông qua đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan, ngày 27/3. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, dự luật về việc Phần Lan gia nhập NATO đã được các nghị sĩ Hungary thông qua với tỷ lệ áp đảo 180 phiếu thuận và 6 phiếu chống. Dự luật tương tự dự kiến sẽ được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua vào tháng tới.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin đã viết dòng tweet bày tỏ hoan nghênh sau cuộc bỏ phiếu của Hungary: “Cảm ơn vì quyết định với những con số rõ ràng”.

Bà cũng khẳng định: "Việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của toàn bộ liên minh. Việc Thụy Điển cũng trở thành thành viên của NATO trước Hội nghị thượng đỉnh Vilnius vào tháng 7 cũng là vì lợi ích của mọi người”.

2 Quoc Hoi Hungary Chap Thuan Don Xin Gia Nhap Nato Cua Phan Lan

Phiên bỏ phiếu của Quốc hội Hungary, ngày 27/3. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Budapest chưa lên kế hoạch về một cuộc bỏ phiếu tương tự đối với đơn xin gia nhập của Thụy Điển – quốc gia nộp đơn cùng thời điểm với Phần Lan.

Trước đó, Hungary là một trong hai thành viên NATO, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, chưa thông qua đơn gia nhập của Helsinki và Stockholm.

Ngày 18/5/2022, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO, chấm dứt thời kỳ trung lập từ hàng chục đến hàng trăm năm qua. Theo quy định, đơn này cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 quốc gia thành viên của NATO. Tuy nhiên, cả hai quốc gia Bắc Âu đều phải đối mặt với những rào cản.

Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua luôn kiên quyết phản đối đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, đặc biệt với lý do nước này từ chối dẫn độ các thành viên đảng công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức mà Ankara coi là khủng bố. Nước này thậm chí tuyên bố không ủng hộ tư cách thành viên của Thụy Điển sau vụ đốt kinh Koran trong cuộc biểu tình hồi tháng 1 ở Stockholm.

Đầu tháng này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết Quốc hội nước này sẽ bắt đầu phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan gia nhập NATO, tuy nhiên không chấp nhận đề xuất của Thụy Điển. Theo đó, Quốc hội Ankara "rất có khả năng" sẽ phê chuẩn đề xuất gia nhập NATO của Phần Lan trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 14/5.

Điều này khiến giới quan sát lo ngại và dự đoán khả năng Phần Lan có thể gia nhập NATO mà không có Thụy Điển, dù hai nước đều nhiều lần khẳng định sẽ cùng nhau gia nhập khối quân sự.

Đỗ Thảo

Nguồn: mekongasean.vn

Bài liên quan