Ukraine nêu điều kiện tiên quyết đàm phán chấm dứt xung đột với Nga

Kiev sẽ không chấp nhận đàm phán khi Nga chưa rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, một quan chức cấp cao của Ukraine khẳng định.

1 Ukraine Neu Dieu Kien Tien Quyet Dam Phan Cham Dut Xung Dot Voi Nga

Andrii Yermak, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine (Ảnh: Getty).

"Đó là những gì tôi đã giải thích với đặc phái viên của Trung Quốc và Brazil rằng hiện giờ không lực lượng nào có thể buộc Ukraine đàm phán với Nga khi quân đội Nga vẫn còn hiện diện ở đất nước của chúng tôi. Nếu ai đó nghĩ rằng có một thế lực nào đó buộc chúng tôi phải đàm phán với Nga trong tình hình hiện nay thì họ đã sai lầm", Andrii Yermak, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, trả lời phỏng vấn Interfax.

Ông Yermak cho biết thêm, ông đã nói với các đặc phái viên Trung Quốc và Brazil rằng: "Ukraine có kế hoạch hòa bình của riêng mình và do xung đột đang diễn ra trên lãnh thổ Ukraine nên kế hoạch hòa bình của Ukraine phải được coi là nền tảng giải quyết xung đột".

Quan chức Ukraine cũng nêu rõ, Kiev thận trọng với các nỗ lực hòa giải từ bên ngoài. Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, mọi nỗ lực hòa giải nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine phải dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản gồm khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine, không đóng băng xung đột.

Những tuần gần đây, nhiều nước tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine. Đặc biệt, Trung Quốc, Brazil đã cử đặc phái viên đến Moscow và Kiev để thúc đẩy hòa đàm.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hồi đầu tuần tuyên bố: "Nga chỉ đang xem xét khả năng hoàn thành chiến dịch quân sự đặc biệt: đảm bảo lợi ích của mình, đạt được các mục tiêu thông qua chiến dịch quân sự đặc biệt, hoặc bằng các phương tiện sẵn có khác". Ông nhấn mạnh: "Hiện không có điều kiện tiên quyết nào cho một tiến trình hòa bình, rõ ràng là như vậy. Chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn tiếp tục".

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley hôm qua đánh giá, Ukraine có khả năng giành lại lãnh thổ, nhưng điều đó sẽ không xảy ra trong tương lai gần.

"Mọi cuộc chiến đều sớm hay muộn sẽ kết thúc với việc bên này hay bên kia giành ưu thế hoặc thông qua đàm phán. Tuy nhiên, Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột này bằng biện pháp quân sự. Ukraine có thể giành lại lãnh thổ thông qua giải pháp quân sự, nhưng không phải trong tương lai gần", ông Milley phát biểu sau cuộc họp của Nhóm Liên lạc về Ukraine hôm 25/5.

Tướng Milley một lần nữa khẳng định, Mỹ và các đồng minh, đối tác sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể khi xung đột kéo dài.

Xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine tập trung ở mặt trận Bakhmut ở miền Đông. Người đứng đầu tập đoàn quân sự tư nhân Nga Wagner Yevgeny Prigozhin hôm qua thông báo, lực lượng này bắt đầu rút khỏi Bakhmut, bàn giao lại vị trí cho quân chính quy của Nga. Kiev cho hay, cường độ giao tranh ở mặt trận này đang có xu hướng giảm xuống gần đây. Mặc dù vậy, cơ quan tình báo quốc phòng Anh nhận định, Bakhmut hiện vẫn là mục tiêu hàng đầu trong chiến dịch quân sự của Nga.

Theo Pravda

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Bài liên quan