4 người Việt bị sóng cuốn khi đi câu cá ở Nhật Bản, còn 2 người mất tích

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết các lực lượng chức năng Nhật Bản đang nỗ lực tìm kiếm những người còn mất tích, trong vụ 4 người Việt bị sóng cuốn trôi khi đi câu cá ở tỉnh Ibaraki.

1 4 Nguoi Viet Bi Song Cuon Khi Di Cau Ca O Nhat Ban Con 2 Nguoi Mat Tich

Đê chắn sóng tại bờ biển thành phố Kamisu, nơi xảy ra vụ việc - Ảnh: TTXVN

Ngày 17-10, tại họp báo thường kỳ, trả lời đề nghị cập nhật tình hình và các phương án bảo hộ công dân trong vụ 4 người Việt bị cuốn trôi ra biển ở tỉnh Ibaraki (Nhật Bản), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết:

"Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Nhật Bản, tối 12-10 vừa qua đã có 4 công dân Việt Nam trong khi đang câu cá ở bờ biển thành phố Kamisu, tỉnh Ibaraki, miền đông Nhật Bản, đã bị sóng cuốn trôi.

Các lực lượng chức năng của Nhật Bản đã tìm thấy 2 người trong tình trạng sức khỏe ổn định và đang nỗ lực tìm kiếm những người bị mất tích còn lại".

Theo người phát ngôn, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện tại Nhật Bản khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại để tìm hiểu vụ việc, phối hợp xác minh nhân thân cũng như hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn các nạn nhân.

TTXVN cho biết theo thông tin Đại sứ quán Việt Nam nhận được từ cơ quan điều tra Nhật Bản, vào khoảng 19h30 ngày 12-10, 3 nam giới gồm anh L.Q.D. (sinh năm 1994, thị thực thực tập sinh), V.M.S. (sinh năm 1992, thị thực kỹ năng đặc định - lao động có tay nghề) và N.X.B. (sinh năm 1995, thị thực kỹ sư) làm việc tại Công ty TNHH Sakamoto Zaimoku Konpo (thành phố Kasumigaura, tỉnh Ibaraki) xuất phát từ ký túc xá tại Kasumigaura, đã tới thành phố Kamisu (cách đó khoảng 60km) để câu cá.

Trên đường đi, họ gặp 3 nam giới khác là anh N.H.V. (sinh năm 1987), P.V.Đ. (sinh năm 2000), L.N.T. (sinh năm 1985). Họ đều có thị thực thực tập sinh và hiện sinh sống, làm việc tại thành phố Ryugasaki, cũng thuộc tỉnh Ibaraki.

Trong quá trình đi ra bờ kè ven biển để câu cá, 4 người là S., T., D. và B. bị sóng đánh ngã xuống biển. Lực lượng cứu hộ cứu được D. và T.. Họ có dấu hiệu bị hạ thân nhiệt nhưng vẫn tỉnh táo và không nguy hiểm đến tính mạng.

Trong khi đó, hai nạn nhân S. và B. hiện vẫn mất tích.

Theo cảnh sát thành phố Kamisu, hoạt động tìm kiếm sẽ được tiến hành trong vòng 1 tuần, huy động 2 máy bay trực thăng, 1 tàu của cảnh sát biển địa phương và hàng chục nhân viên thuộc lực lượng cứu hộ.

Người Việt tại Trung Đông vẫn an toàn

Cũng tại họp báo, trả lời đề nghị cập nhật tình hình công dân Việt Nam ở Israel, Iran và Lebanon và các biện pháp bảo hộ công dân trước tình hình căng thẳng do giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah, cũng như nguy cơ xung đột giữa Israel và Iran, người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết theo thông tin gần đây nhất của các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông, các công dân Việt Nam "vẫn an toàn".

"Các cơ quan đại diện tại khu vực đã liên tục cập nhật thông tin, tình hình mới cho người dân, đưa ra cảnh báo bà con người Việt theo dõi sát tình hình, chú ý đi lại, chủ động di chuyển đến các ga tàu điện ngầm để trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp", bà Hằng nêu.

Theo người phát ngôn, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng sở tại và các đầu mối trong cộng đồng để cập nhật tình hình, chủ động thường xuyên thăm hỏi, động viên cộng đồng người Việt tại khu vực đang xảy ra xung đột, lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo hộ, sơ tán công dân trong trường hợp cần thiết.

Hiện có hơn 700 công dân Việt Nam tại Israel, 13 công dân tại Lebanon và 8 công dân tại Iran.

THANH HIỀN - DUY LINH

Bài liên quan