Buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra chiều tối 11-12 (giờ địa phương) muộn hơn dự kiến, khi lịch làm việc trước đó của Thủ tướng kéo dài.
Thủ tướng trò chuyện với cộng đồng người Việt ở Hà Lan, mong muốn bà con là cầu nối quan trọng cho đất nước - Ảnh: N.PHÚC
Tuy vậy, vẫn có đông đảo bà con người Việt chờ đợi Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trở về ngôi nhà Đại sứ quán để mong muốn được bày tỏ, chia sẻ những nỗi niềm của người Việt xa xứ.
Phó chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Hà Lan Ngô Thị Bích Ngọc chia sẻ, Hội Người Việt Nam tại Hà Lan mới được thành lập dù còn khó khăn và thử thách trong tập hợp sức mạnh khi có khoảng 2.500 người Việt Nam sống rải rác ở nhiều thành phố.
Bà bày tỏ nguyện vọng liên quan đến chính sách dạy tiếng Việt, nghiên cứu và cải tiến phương pháp, như chương trình tự học bằng tiếng Việt. Mong muốn Chính phủ mở các diễn đàn, kênh truyền thông để bà con được truyền tải, trao đổi thông tin hoạt động.
Là doanh nghiệp trẻ và thành công ở Hà Lan, ông Phạm Văn Hiển, giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu LDP, cho biết dù mới thành lập năm 2016, nhưng công ty đã tiên phong nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam đến châu Âu khi đón đầu EVFTA, khi là công ty đầu tiên đưa gạo Việt Nam ST25, ST24, vải thiều và nhãn vào châu Âu.
Ông Hiển cũng bày tỏ kế hoạch sẽ đầu tư nhà máy sản xuất và mong có chính sách thúc đẩy sản xuất sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao.
Ông Phạm Việt Thắng, giảng viên Bệnh viện Đại học Amsterdam - đại diện cho Hội Tri thức, Khoa học người Việt ở Hà Lan, nêu vấn đề tính liên kết của các nhà khoa học, giảng viên của các trường đại học. Ông Lâm Việt Tùng, chuyên gia về chuyển đổi số, có những khuyến nghị về chính sách xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư nói chung, tránh tình trạng mỗi bộ một thông tin.
Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hà Lan Vũ Thoại San cho biết mong muốn có chính sách để thu hút nhân tài, cống hiến cho đất nước, cũng như khuyến khích hoạt động Hội, hỗ trợ tài lực, chính sách khen thưởng, tăng thêm học bổng...
Chia sẻ với kiều bào niềm vui vì cộng đồng người Việt tại Hà Lan đã thành lập Hội, Thủ tướng cho rằng bên cạnh nhóm nhà tri thức khoa học, cần thành lập nên các hội như nhà kinh doanh, cũng như mong bà con làm ăn tuân thủ pháp luật, giao các bộ trưởng có trách nhiệm để hỗ trợ và kết nối các hội.
Về quan hệ với Hà Lan, Thủ tướng nhấn mạnh đây là đối tác lớn, nên mong muốn cộng đồng người Việt ở Hà Lan không ngừng lớn mạnh, sẽ là cầu nối quan trọng của đất nước, tích cực hoạt động đầu tư kinh doanh, cũng như giao các bộ ngành nghiên cứu đề xuất của kiều bào về xây dựng chương trình học tiếng Việt và xây dựng kênh kết nối cho kiều bào...
Khi cuộc nói chuyện đã kết thúc, một cánh tay giơ lên "mạnh dạn xin ý kiến". Chị bộc bạch đang làm nghề dịch vụ nail (làm móng) ở Hà Lan, rất xúc động khi Thủ tướng căn dặn bà con làm ăn tuân thủ đúng pháp luật.
Tuy vậy, chị nói có thực tế khó khăn là trong nghề dịch vụ nail rất khan hiếm nhân lực, buộc chị phải thuê những nhân lực không chính thức. Do đó, chị mong muốn Chính phủ có nghiên cứu để đề nghị phía bạn cơ chế hợp tác, tiếp nhận lao động làm ngành dịch vụ nail từ Việt Nam đến Hà Lan để mở ra cơ hội lớn cho người Việt khi thu nhập làm nail rất cao, lên tới 3.500 euro, nên sẽ mở ra nhiều lợi ích cho người dân trong lĩnh vực này.
Cho rằng đây là ý kiến "phát sinh từ thực tiễn cần được lưu ý", Thủ tướng lắng nghe hết lời chia sẻ và khẳng định sẽ giao cho các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, rà soát các vấn đề liên quan để xây dựng cơ chế, chính sách cho phù hợp, với mục tiêu là mang lại lợi ích cho người dân.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online