Hộ chiếu bị tịch thu, lạnh, giường không có đệm, căng thẳng và bầu không khí ngột ngạt. Đó là câu chuyện về điều kiện sống và làm việc của hàng trăm người Việt ở thành phố Zrenjanin, Serbia.
BBC tiếng Serbia ngày 18/11 có bài phóng sự nói về “thảm cảnh” của hàng trăm lao động Việt Nam.
Nó đặt ra câu hỏi về quyền lợi của người lao động các nước, cũng như thái độ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với người lao động trên đất nước Serbia.
Khoảng 400 công nhân Việt Nam đã đến Serbia vào mùa xuân để tham gia dự án xây dựng nhà máy mới sản xuất lốp ô tô của công ty Linglong thuộc Trung Quốc.
“Kể từ khi chúng tôi đến đây, không có gì tốt đẹp,” một trong số những công nhân Việt Nam nói với đài tuyền hình N1.
“Mọi thứ đều khác với trong hợp đồng chúng tôi đã ký ở Việt Nam – cuộc sống rất tồi tệ, đồ ăn thức uống, thuốc, mọi thứ đều rất tồi tệ,” người công nhân này nói thêm.
Từ đầu năm 2021, Serbia đã cấp hơn 18.000 giấy phép cho lao động nước ngoài do thiếu lao động trong nước, theo số liệu từ Dịch vụ Việc làm Quốc gia.
Hầu hết họ đến một cách có tổ chức, thông qua các cơ quan trung gian hoặc công ty tuyển dụng họ – nhưng do “khoảng cách pháp lý” và sự mâu thuẫn trong các quy định, việc kiểm soát điều kiện sống và làm việc của họ rất hiếm khi được thanh tra Serbia thực thi.
Điều kiện sinh sống của công nhân Việt Nam đã được âm thầm nói đến ở Zrenjanin trong những tháng gần đây, nhưng chỉ đến khi các nhà hoạt động của các tổ chức phi chính phủ “Astra”, “A1” và các nhà báo đến thăm khu trại nơi họ sinh sống, người ta mới nhận thức rõ rằng tình hình rất nghiêm trọng.
“Chỉ có hai nhà vệ sinh trong tòa nhà, giường không có đệm, và phân rơi vãi cách nơi ở khoảng chục mét,” thông báo của các tổ chức này cho hay.
Họ cũng cho biết hộ chiếu lao động bị tịch thu ngay khi đến Serbia, điều này “cho thấy khả năng buôn người vì mục đích bóc lột sức lao động.”
Sau đó, nhân viên an ninh tư nhân xuất hiện gần khu trại, chặn các nhà báo và nhà hoạt động tiếp cận công nhân.
Các nhà hoạt động đã cố gắng đưa một trong số những người tố giác ra khỏi nhà máy, nhưng bị các nhân viên an ninh ở đây ngăn chặn, vì vậy một sự cố đã xảy ra hôm thứ Tư (17/11).
Hristina Piskulidis của Astra, một tổ chức chống buôn người, nói với BBC: “Anh ấy hiện được chăm sóc, ở trong chỗ ở an toàn.”
Linglong phủ nhận mọi cáo buộc và nói rằng công nhân Việt Nam không phải do họ tuyển dụng mà là của nhà thầu.
Thủ tướng Serbia, Ana Brnabić, tuyên bố rằng công tác thanh tra lao động đang được tiến hành và đã ra lệnh chuyển công nhân ra khỏi chỗ này để họ có điều kiện tốt hơn.
Điều gì đang diễn ra ở Zrenjanin?
Một số phương tiện truyền thông Serbia đưa tin hôm thứ Tư (17/11) rằng các công nhân Việt Nam đã được di chuyển khỏi khu trại.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động ngay lập tức lên tiếng phủ nhận.
Hristina Piskulidis, người của Astra, tổ chức chống buôn người nói rằng: “Tin giả đó và việc các cơ quan im lặng chỉ là hình thức câu giờ để đưa ra giải pháp thích hợp cho toàn bộ tình hình.”
Cô cũng không biết tình hình sẽ tiếp diễn như thế nào và liệu công nhân có được di dời sớm hay không.
Theo Cảnh sát Zrenjanin, có 402 công nhân Việt Nam trong khu trại, trong đó 35 người cư trú hợp pháp tại Serbia, theo tin của Deutsche Welle. Những người khác đến theo diện thị thực lao động.
Họ làm việc theo hợp đồng với China Energy Engineering Group Tianjin Electric Power Construction Co. LTD, chi nhánh tại Belgrade, do Linglong thuê.
Khi đến Serbia, họ phải giao hộ chiếu cho chủ vì họ được thông báo rằng đây là thông lệ đối với công dân nước ngoài, các nhà hoạt động cho biết.
Văn phòng Công tố cấp cao ở Zrenjanin nói với BBC tiếng Serbia rằng họ đã gửi yêu cầu cảnh sát thu thập thông tin về những nghi ngờ về việc “tồn tại bóc lột lao động và tiềm ẩn buôn người trong nhà máy Linglong”.
“Tôi e rằng mọi thứ đang chỉ dấu rằng có một thỏa thuận nào đó (giữa chính phủ Serbia và công ty), nhưng tôi mong chính phủ chứng minh điều đó là không đúng”, Danilo Ćurčić từ tổ chức “A1” nói với BBC tiếng Serbia.
Công nhân và công ty nói gì?
Phần lớn công nhân Việt Nam ở đây không biết tiếng Anh nên họ không trả lời phỏng vấn nhiều. Việt Nam hiện chưa có đại sứ quán tại Serbia.
Tuy nhiên, một trong số những người biết tiếng Anh đã nói với các phóng viên hôm thứ Tư.
Người này cho biết, anh đến Serbia cách đây bốn tháng, và mới chỉ được nhận lương một lần.
“Họ giữ hộ chiếu và thị thực của tôi, chúng tôi không thể thay đổi công việc hay đất nước của mình,” người công nhân này nói.
Phía công ty Linglong cho biết hộ chiếu của người lao động được giữ lại chỉ để xin tạm trú, giấy phép lao động và giấy tờ tiêm phòng Covid-19.
Công ty cho biết bất kỳ ai cũng có thể đến lấy lại hộ chiếu bất cứ lúc nào. “Không ai tịch thu hộ chiếu của bất kỳ ai,” họ tuyên bố.
Linglong cũng phủ nhận việc công nhân Việt Nam sống trong điều kiện thiếu thốn. Họ cũng chỉ ra rằng họ trả lương đúng hạn, phù hợp với số giờ làm việc.
Sự việc xảy ra như thế nào?
“Tránh xa chiếc xe ra, tránh xa chiếc xe ra,” một người phụ nữ cầm camera và hét to, trong một video đăng tải trên tài khoản Twitter của người này.
Người ngồi trong xe là một trong số các công nhân, người đã tố giác với báo giới về điều kiện sống của công nhân, đó là lý do tại sao anh ta bị sa thải, theo các nhà hoạt động.
Nhân viên an ninh của công ty chặn đường đi tới xe, và công nhân Việt Nam đang cố gắng đẩy họ để các nhà hoạt động có thể đưa người tố giác ra khỏi nhà máy.
Một trong những nhân viên an ninh hét lên: “Các người có quyền gì mà đưa công nhân đi.” Công nhân Việt Nam sau đó đã đẩy bảo vệ và cho xe đi qua.
Các nhà hoạt động cho biết người tố giác hiện đã an toàn và đang được giải quyết tình trạng pháp lý.
“Một điều hoàn toàn nghịch lý là các nhà hoạt động mang lương thực và viện trợ nhân đạo, cũng như nhà báo không thể tiếp cận mọi người,” Piskulidis nói.
Một người đàn ông không rõ danh tính sau đó đã chặn chiếc xe của đài truyền hình N1.
Ksenija Pavkov, phóng viên của đài N1 có mặt trên xe nói rằng một người đàn ông quốc tịch Trung Quốc ngồi sau tay lái của một chiếc xe khác. Anh ta quay phim và chụp ảnh biển số xe của họ.
Trong tuyên bố đầu tiên, các tổ chức phi chính phủ nói rằng, ngoài việc quyền lao động bị vi phạm nghiêm trọng, sức khỏe của người lao động cũng bị đe dọa.
Họ nói: “Trong những căn phòng quá đông người ở, có những chiếc giường tầng, không có đệm, nhưng được phủ một tấm chăn bông mỏng.”
“Không có cơ sở hạ tầng và hệ thống thoát nước đầy đủ nên phân tràn ra cách khu trại khoảng chục mét, vô cùng mất an toàn cho sức khỏe của công nhân”, họ nói thêm.
Ngoài ra, họ cũng chỉ ra rằng công nhân ở đây không được cung cấp sưởi, điện và nước uống.
Các nhà hoạt động cũng nói rằng không ai trong số người lao động được ghi ngày bắt đầu làm việc trong hợp đồng.
“Người lao động có nghĩa vụ làm việc 26 ngày một tháng, và nếu vắng mặt một ngày họ sẽ không được trả tiền lương của cả tháng đó,” họ cho biết thêm.
Phản ứng của EU
Viola von Cramon, người Đức, nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu, đã phản ứng với tình hình ở Zrenjanin.
Bà nói: “Nếu đó là lao động cưỡng bức, chế độ nô lệ ở Tây Balkan, thì đó là điều bi thảm và chúng ta phải cố gắng ngăn chặn nó.”
“Tôi hy vọng rằng Chính phủ (Serbia) sẽ xem xét điều này một cách nghiêm túc”, bà nói thêm.
Piskulidis vui mừng trước phản ứng EU, cô nói:
“Thật tốt, bởi vì nếu sự việc tăng lên một cấp độ cao hơn thì khả năng cao là những người này sẽ được chăm sóc bằng cách nào đó.”
Nguồn: BBC Tiếng Serbia
https://www.bbc.com/serbian/lat/srbija-59324121