Cô Đỗ Thị Hoa Lý (kiều bào Ukraine, hiện đang sinh sống ở Dortmund, Đức), đã chia sẻ với phóng viên Dân Việt về không khí đón Tết năm nay.
Tết 2023, với những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Ukraine cùng những người Việt Nam ở Ukraine đã sơ tán sang các nước khác vì chiến sự thật bất thường. Bởi chúng tôi sẽ phải bước sang năm mới trong nỗi đau đáu về Ukraine, nơi chiến sự diễn ra phức tạp và ác liệt suốt từ ngày 24/2; nơi nguồn điện bị cắt luân phiên, khí đốt, hệ thống sưởi ấm chập chờn, ngay cả nguồn nước sạch cũng thiếu thốn. Với chúng tôi, Tết đến tại vùng Dortmund nơi chúng tôi lánh nạn mọi thứ hoàn toàn khác.
Theo lịch, Tết Nguyên đán 2023 rơi vào ngày 21-22/1/2023, như vậy là đã gần tròn 11 tháng kể từ khi xảy ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và hơn 10 tháng chúng tôi đặt chân đến nước Đức. Hiện tại hai vợ chồng tôi cùng 3 người Việt từ Kharkiv được ở trong 1 căn nhà xã hội 3 phòng tại ngoại ô thành phố Dortmund thuộc Tây Đức. Nhiều tháng sơ tán tại Đức vì chiến tranh loạn lạc, chúng tôi đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, những cảm xúc có lẽ không bao giờ có thể quên của tôi cùng chồng trên chặng đường sơ tán sang Đức.
Chúng tôi không thể nào quên lúc chuẩn bị lên đường đi di tản trước hết là cuộc đấu tranh nội tâm ghê gớm. Mình phải ra đi thật sao? Phải rời bỏ căn hộ nhỏ bé, chia xa mảnh đất đã gắn bó bao dung mình hơn 34 năm trời? Lẽ nào phải bước chân vào một hành trình chưa có đích đến và một tương lai không rõ ràng phía trước? Tôi ngồi khóc nức nở khiến chồng phải động viên, an ủi mãi...
Cuối cùng, hai vợ chồng cũng phải quyết định lên đường chỉ với 1 vali chứa mấy bộ quần áo và vật dụng cá nhân tối thiểu, 1 ít thuốc ho, thuốc hạ sốt còn lại trong tủ thuốc cùng giấy tờ tùy thân. Chiều tối hôm 23/2 tôi còn đi dạy về muộn, sáng sớm 24/2 đã giới nghiêm. Các cây xăng, nhà băng, hiệu thuốc, cửa hàng thực phẩm... người xếp hàng dài dằng dặc rất khó mua đồ dự trữ. Rồi tất cả diễn ra vội vàng không kịp trở tay.
Kể từ khi xung đột xảy ra, nhiều người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa của mình. Ảnh: Getty
Cho đến tận lúc này tôi vẫn không thể quên những tiếng còi báo động rú vang, những ngày đêm dưới hầm trú ẩn lạnh lẽo, ẩm thấp với mùi nấm mốc hăng hắc; tiếng máy bay ầm ầm trên bầu trời; những đám cháy rừng rực từ những ngôi nhà, những công trình bị trúng tên lửa hoặc máy bay không người lái tấn công...; những chốt gác lạnh lẽo dọc đường đi với những người lính hoặc dân quân tự vệ nghiêm nghị thậm chí căng thẳng; những cánh đồng mờ mịt trong đêm đen tạo cho người ta cảm giác phập phồng lo sợ bởi đã có những thông tin bị trấn cướp trên đường.
Tiếp đó là những tiếng thở phào nhẹ nhõm cố kìn nén nhưng vẫn bật ra khỏi lồng ngực khi xe đã vào được thành phố Lviv cửa ngõ biên giới với Ba Lan lúc 12h đêm trong dòng người tị nạn khổng lồ; những bà mẹ tay xách nách mang bồng bế, dắt díu con thơ ngơ ngác; những em bé còn đỏ hỏn trên tay mẹ khóc ngằn ngặt vì mệt, những phụ nữ mang thai vật lộn với dòng người hỗn độn, những người già tàn tật chật vật với chặng đường di tản; những màu áo xanh, vàng của các tình nguyện viên làm việc hết công suất để giúp đỡ những người yếu đuối nhất; hàng tiếng đồng hồ đứng ở đoạn nối giữa hai toa tàu trong giá rét tuyết rơi lạnh buốt trên chuyến tàu từ cửa khẩu Lviv - Ukraine sang Peremysh, Ba Lan; những cảm giác hoang mang, hồi hộp chỉ lắng xuống khi tàu từ Peremysh vào thủ đô Warsawa và chúng tôi được phát sim miễn phí, nước uống cả đồ ăn nữa nhưng vì tâm trạng nên tôi không tài nào ăn nổi.
Trên hành trình đó còn có những xúc động nghẹn ngào khi bạn bè ở Warzsawa đón chúng tôi về nghỉ lúc hơn 1h đêm để 9h sáng lại ra tàu đi đến cửa khẩu Ba Lan - Đức. Suốt dọc đường đi, ở đâu chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình chu đáo của các nhân viên tình nguyện quốc tế. Rất tiếc là có lẽ chúng tôi đến vào thời điểm quá muộn nên không gặp các anh chị em tình nguyện viên Việt Nam.
Chặng từ Ba Lan sang Đức thì suôn sẻ hơn. Dù đó là cả chặng đường dài dằng dặc không mất một đồng nào nhưng chúng tôi vẫn nhận được những tình cảm bao dung, những ánh mắt yêu thương, những sự hỗ trợ tận tâm...
Quả thực đó những cung bậc cảm xúc không thể nào phai mờ trong nhật ký lánh nạn. Chúng tôi luôn ghi khắc trong tim và nâng niu những điều quý giá đó...
Vợ chồng người bạn ở Dortmund đón chúng tôi về nhà lúc 4h sáng ngày 7/3. Chồng tôi sợ phiền đến bạn bè nhiều nên quyết định chiều 7/3 nhập trại lánh nạn luôn. Sau rất nhiều công đoạn để nộp hồ sơ xin lánh nạn, xuôi ngược khắp nơi, cuộc sống của chúng tôi đã ổn định và được nhận Thẻ cư trú vào cuối tháng 7 với thời hạn 2 năm kể từ khi nhập cảnh vào Châu Âu.
Dòng người tị nạn Ukraine chủ yếu đến các nước châu Âu. Ảnh: Getty
Sau những khó khăn đó, chúng tôi may mắn là đã có nơi ở và việc làm. Chồng tôi đi làm ở công ty sushi của Đức từ ngày 30/5. Thời gian đầu thử việc, anh phải đi làm rất xa, dậy từ 4h sáng đi bộ lên bến xe rồi đi xe bus, chuyển tiếp mấy lần mới đến được nơi làm việc vừa kịp 6h và làm đến 6-7 chiều mới về.
Mấy tháng đi sớm về muộn như vậy, chồng tôi cũng được sắp xếp về làm ở gần nhà hơn nhưng vì khu ở tạm xa trung tâm nên các phương tiện đi lại không dễ dàng, 1 tiếng mới có 1 chuyến xe bus, nhiều khi còn bị cắt chuyến thì phải chờ rất lâu. Bản thân tôi đang giúp đứa cháu trông nom nhà cửa - cách khu ở tạm khoảng 30km. Cuộc sống hai vợ chồng có vất vả nhưng đã bắt đầu ổn định hơn. Lúc này mọi khó khăn đã tạm qua, mọi việc dần đi vào nếp nhưng chắc hẳn khi năm hết Tết đến, lòng người khó tránh khỏi nhớ về ngôi nhà ấm cúng, quây quần bên gia đình.
Nhớ những ngày còn ở Ukraine chúng tôi vẫn chuẩn bị đón Tết Nguyên đán theo truyền thống Việt Nam. Các dịch vụ bán hàng Tết cuối năm rất xôn xao.
Hàng Tết từ Việt Nam đưa sang theo đường máy bay rất kịp thời đáp ứng nhu cầu mọi mặt của người Việt. Chúng tôi cũng tổ chức gói bánh chưng, làm giò chả, nem... nấu các món ăn truyền thống ngày Tết Việt Nam để đón tiếp khách khứa, bạn bè, chúc Tết nhau nhân dịp đầu xuân.
Mỗi dịp xuân về chúng tôi còn đón Tết chung vui cùng bà con cộng đồng tại Kyiv và ở các thành phố tập trung đông người Việt như Odessa, Kharkiv. Tết cộng đồng vui vẻ, đầm ấm và bạn bè hạnh phúc bên nhau chuyện trò sau một năm làm việc miệt mài...
Còn năm nay chúng tôi sẽ đón Tết trong tâm thế của người lánh nạn tại Đức. Thông thường, người lao động sẽ được nghỉ Tết Dương lịch 1 ngày theo người Đức. Vào dịp Noel, chúng tôi mỗi người được nhận 1 suất quà gồm các loại bánh và lạc rang cả vỏ từ chính quyền thành phố. Các cháu biếu vợ chồng tôi cặp bánh chưng và gói trà Thái Nguyên.
Vì vậy vợ chồng tôi cảm thấy thật ấm áp trong lòng! Còn Tết âm lịch năm nay rơi vào giữa tuần nên chồng tôi vẫn đi làm bình thường. Chủ nhật cuối tuần được nghỉ, hai vợ chồng dự định sẽ cố gắng thu xếp để làm một ít nem, luộc con gà và chút rượu; các cháu biếu chiếc bánh chưng, cây giò lụa, vậy là chúng tôi thể ngồi bên nhau tận hưởng những khoảnh khắc thiêng liêng, nhìn lại một năm hai vợ chồng đã bị sóng gió đẩy đưa từ Ukraine tới Đức và dẫu thễ nào, chúng tôi cũng vẫn có nhau, cùng nắm tay và mỉm cười bước qua.
Tuy không được đầy đủ như mọi năm, nhưng không khí đón Tết năm nay không vì vậy mà trở nên trầm hơn. Ảnh: NVCC
Còn con gái chúng tôi mặc dù thuyết phục rất nhiều lần nhưng nhất định không đi di tản. Sinh ra và lớn lên, được đào tạo trở thành một Thạc sĩ Nhi khoa, Ukraine chính là máu thịt của cháu. Sau nhiều lần lặn lội di tản khắp nơi trên các thành phố Ukraine, cháu đã về ở tạm nhà của chúng tôi từ tháng 10. Theo lời kể của con, sau 7 tháng nhà cửa bỏ không, lúc trở về toàn bộ cây cối trong nhà tôi đã chết sạch chỉ còn lại duy nhất 1 cây xương rồng. 2 quả su su đang ra mầm để trồng vào vụ hè đã thối từ lâu. Trước khi đi, tôi đã cẩn thận phủ hết ni-lông lên giường, chăn gối, tủ ghế. Lúc con về, tấm ni-lông phủ lớp bụi trắng dầy đặc.
Trong tủ đá vẫn còn bánh chưng tôi được phụ huynh học sinh biếu từ Tết 2022... Xa con gái, nhất là trong hoàn cảnh này thật sự đau lòng đến thắt ruột. Tết này con sẽ phải thiếu vắng bố mẹ và những món ăn Việt Nam. Tuy nói Kyiv lúc này là an toàn nhất nhưng giữa cảnh loạn lạc này thì vẫn đầy rẫy những khó khăn: điện bị cắt luân phiên nên sưởi ấm, liên lạc cũng bị ngắt quãng.
Cũng may nhà tôi ở tầng 3 nên không vất vả khi phải leo thang bộ. Trong bối cảnh hiện nay, thương nhất và khổ nhất vẫn là trẻ em, người già, người tàn tật, phụ nữ có con nhỏ, phụ nữ mang thai, những người ở trên tầng cao. Người bạn của gia đình tôi ở tầng 22, khi Kyiv mất điện còn phải nhịn đói. Có người mua bếp ga mini về nấu bị nổ bung bét, khói mù mịt như đám cháy. Nhiều công sở phải mua máy phát điện để cho nhân viên làm việc và nghỉ ngơi luôn tại văn phòng... Cuộc sống hiện tại của người dân Ukraine vô cùng gian nan. Mùa đông đã tới, những vấn đề luôn nảy sinh khiến các lực lượng cứu hộ làm việc cật lực, quá sức... Thật sự, không thể diễn tả được những cảm xúc bồn chồn lo lắng cho quê hương thứ hai của chúng tôi.
Dù sao, năm mới sắp đến rồi, cùng với người dân Ukraine, chúng tôi cầu mong hòa bình sớm trở lại trên đất nước Ukraine xinh đẹp và hiền hòa!
Chị Đỗ Thị Hoa Lý đã sống và làm việc tại Ukraine hơn 34 năm. Cô tham gia dạy Tiếng Việt nhiều nơi: làm gia sư tiếng Việt; tham gia giảng dạy cho Lớp tiếng Việt của Hội người Việt Nam thành phố Kyiv tại Trung tâm Ngoại ngữ Up&Go từ tháng 11/2018 đến 3/2021 và Lớp tiếng Việt tại trường phổ thông số 251 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh thành phố Kyiv từ tháng 9/2021 do Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine tài trợ. Các học sinh lớp tiếng Việt của cô theo gia đình đi di tản khắp nơi trên thế giới, có cháu về Việt Nam, có mấy cháu đã trở lại Kyiv cùng gia đình và đang cùng người dân trải qua những khó khăn sau những ngày Kyiv bị bắn phá trong của mùa đông khắc nghiệt. Tết đến, cô Hoa Lý nhớ về các học trò nhỏ thân thương ríu rít trong mỗi giờ lên lớp bằng tiếng Việt pha âm Ukraine đặc biệt. Nhớ những buổi học cuối cùng trước khi đi di tản cô đang dạy cho các em về phong tục Tết Việt Nam, viết lời chúc Tết và thi nhau kể cho cô nghe về ngày Tết trong gia đình mình...
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT