Người nấu cơm Việt Nam ở Kharkov

Cuộc sống đã đặt ra những bước ngoặt kỳ lạ cho cộng đồng người Việt ở Ukraine, trong đó có vợ chồng bà Nguyễn Ngần (sinh năm 1957) ở Kharkov. Bà Ngần là một trong số ít gia đình người Việt không đi di tản sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine.

1 Nguoi Nau Com Viet Nam O Kharkov

Bà Nguyễn Ngần nấu cơm cho cộng đồng ở Ukraine trong chiến sự và các túi quà từ tiền đóng góp của cộng đồng gửi đến vợ chồng bà Ngần để mua thực phẩm năm mới cho người dân khó khăn ở Kharkov - Ảnh: NVCC

Thấy người Ukraine nương tựa nhau sống, có khi đứt bữa, vợ chồng bà mang hết tiền tiết kiệm phòng thân để nấu cơm thiện nguyện, sẻ chia với họ.

"Mình không thể không làm gì"

Nói về việc không rời Kharkov, bà Ngần nói không phải bà không muốn đi mà là không đi được. "Tôi đang nuôi bốn con chó, một đàn gà vịt nên không đành lòng để chúng lại. Ở lại rồi thì việc nấu cơm cho cộng đồng đến tự nhiên vì thấy những hoàn cảnh quá thương tâm, mình không thể không làm gì", bà nói.

Giữa tháng 3-2022, một bà cụ người Ukraine khoảng 70 - 80 tuổi cùng hai cháu nhỏ đến gõ cửa nhà bà Ngần xin thức ăn.

"Tôi thấy tay cụ run lên vì đói. Cụ nói đã 3 - 4 ngày nay bà cháu cụ chỉ ăn vài củ khoai tây luộc và uống nước lã. Chúng tôi ôm nhau khóc. Tôi nói cụ chờ cháu vào nhà lấy đồ ăn. Tôi đưa cụ mì, khoai tây, thịt, trứng và dặn: hết cụ lại đến, cháu sẽ giúp", bà Ngần kể về cuộc gặp đã khiến bà sau đó trở thành những người nấu cơm từ thiện.

Tối đó bà kể cho chồng về hoàn cảnh của ba bà cháu họ rồi bảo ông: "Hay là chúng ta lấy tiền tiết kiệm nấu cơm cho bà con?". "Chồng tôi nói lấy tiền tiết kiệm nấu cơm nhưng hết tiền mà chiến tranh chưa hết thì vợ chồng sẽ sống bằng gì, có khi cũng chết theo. Anh nói cho anh suy nghĩ hai ngày", bà Ngần kể.

2 Nguoi Nau Com Viet Nam O Kharkov

Dữ liệu: BÌNH AN - Đồ họa: TUẤN ANH

Hết hai ngày, bà nói với chồng: "Vợ chồng mình có con cái, dâu rể đều hiếu thảo, các con không để mình chết đâu, anh cứ yên tâm. Mình cứ quyết định nấu cơm cho ai cần đi". Ông Hùng chồng bà gật đầu. Ngay hôm sau, họ cùng đi chợ, gọt khoai tây, nhặt rau, hầm thịt cả ngày rồi mang đến các điểm cần phân phát.

Ngày đầu, vợ chồng bà nấu 100 phần. Nghĩ là đủ nhưng sau mới biết là rất thiếu. Từ cuối tháng 3-2022 trở đi, bà nấu 400 - 500, có khi 700 phần ăn/ngày. "Càng làm tôi lại càng thương, không quản mệt nhọc, cũng không nghĩ mình chừa lại đồng nào phòng thân nữa", bà nói.

Từ giữa tháng 7-2022, vợ chồng bà nhờ thêm hai người gần nhà sang phụ nấu cơm vì không muốn những người ở xa phải đi lại nguy hiểm giữa chiến tranh. Hằng ngày hai vợ chồng bà lái xe đi mua thịt, xương. Bữa thịt heo, bữa thịt gà, mỗi bữa mua 50 - 70kg.

Là người yêu chó mèo, bà còn mua thêm 10kg xương để vừa hầm canh vừa cho thêm những nhà có chó. Mùa hè có rau bắp cải, bà mua một xe đầy, đủ dùng cho vài ngày. Mùa đông thì khoai tây là món "rau" chính.

Bà Ngần kể ở nhà bây giờ có đến vài chục cái nồi to. Chiếc xe 12 chỗ thì tháo hết ghế ra để chở thực phẩm. Xăng dầu khó mua, có lúc bà phải trình bày việc đang nấu ăn cho mọi người, cung cấp video những buổi phát cơm trước để được mua mỗi lần 5 lít xăng. Ít xăng quá nên không dám chạy đi đâu ngoài đi chợ và đến các điểm phát cơm.

3 Nguoi Nau Com Viet Nam O Kharkov

Các túi quà từ tiền đóng góp của cộng đồng gửi đến vợ chồng bà Ngần để mua thực phẩm năm mới cho người dân khó khăn ở Khakov - Ảnh: NVCC

"Người hành khất" từ vùng chiến sự

Việc nấu cơm của bà Ngần kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 9, sau đó bà nghỉ một tháng để lấy sức và từ ngày 1-11 nấu cơm trở lại. Vào giữa mùa đông, trời lạnh căm, tuyết rơi dày, thấy bà con đi lại nhận cơm khó khăn, lấy về cơm canh nguội lạnh mà điện nước không có, bà tạm dừng nấu cơm.

Nhiều bạn bè đề nghị đóng góp nhưng bà không nhận. Trung bình mỗi ngày tiền chợ của bà hết 1.000 USD nên sau vài tháng khoản tiết kiệm của hai vợ chồng cũng cạn.

Trong những ngày đầu tháng 2-2023, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, bà Ngần kể dưới đường hầm metro vẫn có người ẩn náu, co ro dưới cái lạnh vì không còn nhà để về.

Thấy còn nhiều người cần giúp đỡ, bà quyết định sẽ nhận tấm lòng của mọi người. Ngày 26-12-2022, bà viết: "Cái Tết (dương lịch) đã cận kề mà cảm xúc trong tôi buồn vui lẫn lộn. Nếu tôi được làm hạt cát có ích cho đời, được chia sẻ yêu thương thì vui lắm. Hôm nay tôi mạo muội xin làm người hành khất đến từ vùng chiến sự".

Bà Ngần cho biết khi nấu cơm bằng tiền của mình, bà không cần làm tổng kết nhưng khi có cộng đồng người Việt khắp nơi chung sức thì phải công khai minh bạch. Tết dương lịch vừa rồi, bà đã cố mang mùa xuân về cho gần 300 gia đình. Mỗi nhà được nhận một túi quà trong đó có 1kg thịt, 2kg bột mì, một chai dầu 1 lít, 2kg đường, 3kg khoai tây, một túi mì, một hộp ngô...

Bà kể: "Nét mặt họ như mùa xuân đã về. Nhiều người đã mấy tháng không được ăn thịt, không có điện, gas nên phải ăn bánh mì trường kỳ. Nhận quà người ta mừng lắm".

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trước khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, có khoảng 7.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập ở Ukraine.

Trong giai đoạn đầu chiến sự, khoảng 5.200 người Việt cùng gia đình đã được sơ tán tới nơi an toàn. Sáu chuyến bay được tổ chức đưa gần 1.700 người về nước.

Tại một cuộc họp báo trong tháng 10-2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh trước tình hình xung đột tại Ukraine có những diễn biến phức tạp và khó lường, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẩn trương chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi với cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine để nắm tình hình.

BẢO ANH

Ai cũng mong sớm có hòa bình

Bà Ngần cho biết ở Ukraine rất nhiều người làm thiện nguyện nhưng không duy trì được lâu. Là người bán quần áo ở chợ, nay chuyển qua nấu 700 phần cơm mỗi ngày là việc cực kỳ vất vả với bà.

Đổi lại cho những nỗi vất vả là khi có người đi nhận cơm, họ mang theo một bó hoa dại tặng người phụ nữ Việt, có người ôm bà khóc nói cảm ơn vì trong lúc khó khăn nhất vợ chồng bà đã ở lại. Sau đợt cao điểm di tản, những tháng gần đây người Ukraine đã về lại rất đông. "Ở nước ngoài tốt nhưng ai cũng nói chẳng đâu bằng quê hương nên họ quay về", bà nói.

Mặc dù trung tâm thương mại có cửa hàng của gia đình bà Ngần bị cháy một phần nhưng hằng ngày bà vẫn ra cửa hàng vài tiếng. Không nhiều người mua nhưng có ngày cũng bán được vài món.

"Được đồng nào thì cũng là thu nhập của mình. Phải sống, làm việc, làm nghĩa vụ của mình để chính phủ hoạt động, phải có thu nhập để trả lương binh sĩ, người về hưu. Không phải một mình tôi, tất cả mọi người đều mong Ukraine nhanh chóng hòa bình để người dân ổn định được cuộc sống, anh em bạn bè đi sơ tán trở về", bà Ngần tâm sự.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online

Bài liên quan