9 tháng lánh nạn tại Đức, nguồn sống gia đình anh Hồ Sỹ Trúc (57 tuổi) chủ yếu dựa vào trợ cấp nhân đạo của Chính phủ. Anh chưa có công việc chính thức, cố gắng học tiếng nhưng "mãi không thể nhớ".
PV Dân trí đã có buổi trò chuyện cùng anh Trúc về hành trình người đàn ông và vợ con chạy nạn từ Ukraine, cùng những khó khăn khi mưu sinh trên mảnh đất mới.
"Chiến sự nổ ra rồi! Thật rồi!"
Năm 1989, tôi rời Việt Nam sang Ukraine làm việc tại nhà máy cơ khí chế tạo máy mỏ mang tên Kirova (TP Gorlovka, tỉnh Donetsk), theo diện hợp tác lao động được ký kết giữa hai Nhà nước Việt Nam và Liên Xô 1981.
Tôi đã gắn bó với công việc này 6 năm. Đến 1997, sau khi kết thúc hợp đồng lao động, tôi về Thủ đô Kiev sinh sống và làm việc.
34 năm tại Ukraine, suốt chiều dài nửa đời người đó, tôi và rất nhiều bà con người Việt đã hòa nhập, thích nghi với cuộc sống mưu sinh xứ người.
Dù trải qua nhiều sóng gió, nhưng chúng tôi vẫn tự làm chủ cuộc sống của mình, được chính quyền sở tại giúp đỡ về giấy tờ tùy thân hợp pháp. Các gia đình người Việt hầu hết đều có cơ sở hạ tầng ổn định, bình an và từ thâm tâm chúng tôi đã xem Ukraine như Tổ quốc thứ hai của mình.
Cuộc sống bình yên cứ thế trôi qua, cho đến sáng 24/2, Nga bắn tên lửa vào lãnh thổ Ukraine, mở màn "chiến dịch quân sự đặc biệt".
Trước đó, dù đã được cảnh báo từ nhiều nguồn và biết có nguy cơ bùng nổ xung đột, nhưng chúng tôi không tin. Chỉ khi tiếng nổ của những quả tên lửa hành trình làm rung chuyển những ngôi nhà, tôi đã hết sức ngỡ ngàng.
Khói bốc lên tại một tòa nhà bị trúng tên lửa ở Thủ đô Kiev của Ukraine hồi tháng 10. (Ảnh: AFP).
"Chiến sự nổ ra rồi, thật rồi!" - bà con người Việt gọi nhau thông báo tình hình nguy cấp, nhưng không mấy hoảng loạn. Cuộc chiến xảy ra, trong cộng đồng người Việt và tôi cũng vậy, từng nhóm gia đình có quan hệ thân thiết với nhau tập trung lại một chỗ phòng bất trắc.
Riêng nhóm tôi khoảng 10 gia đình, đã tạm trú ẩn tại tầng ngầm - nhà của một người bạn tự xây dựng khá kiên cố.
Suốt hai ngày, 24 và 25/2, chúng tôi chuẩn bị lương thực thực phẩm đầy đủ cho khoảng 40 người. Mọi người không ra ngoài, chỉ theo dõi tình hình qua các phương tiện thông tin đại chúng, tin tức càng lúc càng đáng lo ngại.
Nhận thấy ở tập trung đông quá chưa hẳn là phương án tốt, nên chiều 25/2 gia đình tôi quyết định trở về nhà mình. Nếu có báo động, chúng tôi sẽ chạy xuống trú ẩn tại boong ke - địa điểm tránh bom đạn mà chính quyền đã chuẩn bị sẵn từ mấy tháng trước cuộc chiến.
Từ 20 giờ ngày 25/2, Nga bắt đầu bắn tên lửa vào Kiev. Sau khi giục vợ con xuống hầm trú ẩn, tôi vẫn ngồi từ căn hộ nhà mình ở tầng 11, chứng kiến một trận bắn phá kinh hoàng. Tên lửa xé trời, mặt đất rung chuyển dữ dội và kéo dài tới hơn 3 giờ sáng mới ngừng hẳn. Hầu hết tên lửa đều bay qua nhà tôi hướng sang trung tâm Thủ đô.
Các tổ chức cứu trợ giúp người chạy nạn khỏi Ukraine dọc biên giới.
Hành trình gian nan tháo chạy khỏi bom đạn
Thấy chiến sự leo thang, sáng sớm 26/2 nhóm chúng tôi hội ý và quyết định sơ tán về vùng biên giới tỉnh Chernivtsi giáp Rumani, dự định ban đầu là thuê nhà sống một thời gian nghe ngóng tình hình nếu Kiev ổn định sẽ quay về.
10 giờ sáng, chúng tôi xuất phát. Nhóm chia làm hai tốp, gia đình tôi đi tốp đầu gồm 5 xe, may mắn kịp đổ xăng đủ để chạy ra khỏi Kiev. Lúc này nếu hết xăng thì rất khó mua bởi các điểm bán xăng đông nghẹt, các phương tiện xếp hàng dài cả cây số.
Sau 3 đêm trắng không ngủ, việc ôm vô lăng chạy suốt quãng đường gần 600km là một thử thách khủng khiếp với tôi. Trên đường, chúng tôi đi nối đuôi nhau, có lúc đi lạc vào đường rừng dốc cua tay áo, chỉ cần lơ đễnh một khắc, xe sẽ lao xuống vực sâu.
Ròng rã suốt 17 tiếng chạy xe không nghỉ, chúng tôi mới tới được điểm tập kết. Tôi như gục xuống vô lăng, không thể đánh nổi xe vào điểm đậu. Một người em khi đó đã hỗ trợ tôi lái xe vào bãi.
Ngày 27/2, cả nhóm nghỉ tại thành phố Chernivtsi. Đêm ấy, chúng tôi nghe có tin tức có chiến sự tại khu vực nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, có thể phóng xạ đang phát tán. Lo ngại điều này, chúng tôi quyết định sáng 28/2 sẽ đưa các con qua biên giới Rumani để sang Châu Âu.
Đầu tiên chúng tôi dự định lái xe qua biên giới. Nhưng sau khi nghe một người quen nói rằng phải nằm tại biên giới 3 ngày 4 đêm vì dòng xe xếp hàng dài hơn chục cây số, mỗi ngày chỉ nhích được vài ba km, chúng tôi đã bỏ xe lại và đi bộ qua biên giới.
Tôi đã nhìn thấy hàng xe xếp hàng dài dằng dặc, nhích từng tí một. Dòng người chờ đợi đứng đầy hai bên đường, trông họ bơ phờ và mệt mỏi. Thương nhất là đám trẻ con kêu khóc náo loạn vì sợ hãi.
Nhóm chúng tôi đi bộ dọc theo đoàn xe xếp hàng. Sau 1km, chúng tôi gặp tổ chức nhân đạo, được hỗ trợ chở trẻ em và người bảo hộ đến tận cửa biên phòng, ưu tiên làm thủ tục qua biên giới sớm.
Trên quãng đường ấy, tôi xúc động bởi hình ảnh cứ cách vài chục mét, hai bên đường xuất hiện những chiếc bàn đầy đủ thức ăn và nước uống mà người dân địa phương chuẩn bị sẵn. Tất cả đều miễn phí dành cho người dân tị nạn như chúng tôi.
Các linh mục ở Giáo hội Rumani hỗ trợ người lánh nạn từ Ukraine.
Sau vài tiếng xếp hàng tại đồn biên phòng, chúng tôi được giải quyết mọi thủ tục nhanh gọn. Chừng 30 phút, chúng tôi đã có mặt bên kia giới phận Rumani. Tại đây, rất nhiều tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức xã hội của Rumani chờ sẵn để cứu hộ, giúp đỡ các nạn nhân chạy loạn. Hễ thấy người bước qua cửa biên, họ tiến đến hỏi han nguyện vọng rồi hướng dẫn, giúp đỡ, chở người lánh nạn tới những điểm tập kết.
Trong cảnh chạy loạn bơ vơ gặp được những tình cảm ấm áp như vậy, tôi không thể nào quên trong cuộc đời.
Sau hai đêm nghỉ ngơi lấy lại sức, ngày 2/3, chúng tôi lên đường đến Thủ đô Bucharest để bay sang Đức theo lời mời của gia đình đồng nghiệp hiện định cư tại Tây Đức.
Do sức khỏe vợ yếu, tôi cố gắng mua vé máy bay ở Suceava thật nhanh, mong thực hiện chuyến bay nhưng không thành công, do Rumani không nằm trong khối Schengen. Thế là, tôi mất đi những đồng tiền gần cuối cùng. Khi chạy loạn, gia đình tôi cũng như hầu hết bà con người Việt tại Ukraine đều tay trắng. Trước đó, vào tháng hai, chúng tôi dồn hết tiền tập kết hàng hóa mùa Xuân, chưa kịp buôn bán đã vội vã tháo chạy.
Giữa sân bay Bucharest xa lạ, vợ tôi nói trong túi chỉ còn mấy trăm USD: "Bây giờ phải làm sao?". Tôi có chút hoang mang.
Đang loay hoay tại sân bay, tôi biết được một vài anh em trong nhóm đang nằm trong trại lánh nạn cách đó không xa. Do vậy, chúng tôi quyết định đêm hôm đó về tụ họp rồi tính tiếp.
Ở Bucharest, trại lánh nạn được chính quyền tổ chức trong một cung thi đấu thể thao rất lớn. Mấy trăm người chen chúc nhau khiến không khí ngột ngạt và khó thở. Không thể chịu đựng, hôm sau, chúng tôi thuê xe của một người bản địa chở sang Đức.
Khung cảnh ngột ngại bên trong trại tị nạn ở Bucharest.
4 giờ sáng 3/3, nhóm chúng tôi lên đường trên hai xe do bố con người Rumani lái - họ là những người thường sang Berlin mua ô tô về bán nên rất thông thạo đường sá.
Trên đường đi, chúng tôi nhận được những tin tức rất bất lợi về việc Hungary sẽ không cho nhập cảnh vì Rumani không nằm trong khối Schengen.
Tôi động viên mọi người cùng quyết tâm, bởi đoàn cũng đã tiến sát gần biên giới Hungary.
Suốt 13 tiếng xe chạy từ Bucharest, tới 6 giờ chiều chúng tôi tới cửa khẩu Hungary, hồi hộp chờ đợi, rồi thở phào nhẹ nhõm khi mọi thủ tục nhập cảnh đều nhanh gọn, mọi người lần lượt đặt chân qua biên giới.
Xe vẫn tiếp tục chạy suốt đêm xuyên qua Hungary, rồi Cộng hòa Séc, đến 1 giờ chiều hôm sau tới Thủ đô Berlin. Chúng tôi tập kết tại nhà một người quen, được gia chủ mời ăn uống và nghỉ ngơi. Sau đó, đoàn chia tay, mỗi người mỗi hướng.
Gia đình tôi được Lê Vũ - một người bạn của con trai đón về nhà gần khu chợ Đồng Xuân sau một hành trình khó diễn tả hết.
4 ngày ở Berlin, chúng tôi dần hồi phục sức khỏe và tinh thần. Trong những ngày này, tôi được dẫn ra khu chợ Đồng Xuân, chứng kiến hình ảnh xúc động khi bà con Việt tại Berlin cùng kêu gọi mua đồ ăn, thức uống, các vật dụng thiết yếu, rồi dùng xe chuyển về các vùng biên giới để giúp đỡ bà con người Ukraine chạy nạn sang Châu Âu.
Đặc biệt, tôi vô cùng ấn tượng với nhóm tương trợ của chị Phạm Quỳnh Nga. Họ tỏa đi khắp nơi, đến những địa điểm mà người chạy nạn thường lui tới để giúp đỡ, bố trí chỗ ăn, ngủ tạm thời trước khi mọi người nhập trại tị nạn của chính quyền.
Đó chính là tình yêu thương, chia bùi sẻ ngọt với đạo lý truyền thống tốt đẹp của người Việt chúng ta. Những tình cảm nồng ấm đó có lẽ không chỉ tôi mà hầu hết bà con người Việt tại Ukraine sang Châu Âu đều cảm nhận được.
Các nhân viên thiện nguyện tổ chức hướng dẫn, ủng hộ vật chất cho bà con người Việt tại chợ Đồng Xuân (TP Berlin, Đức).
"Ở Ukraine, chúng tôi tự làm chủ, bây giờ sang Đức đi làm thuê"
Gia đình chúng tôi đi tàu từ Berlin đi thành phố Mannheim. Hoàng Nhung - vợ bạn tôi đã đón từ sân ga đưa về nhà nghỉ ngơi một đêm. Sáng hôm sau, cô ấy chở chúng tôi vào nhập trại tị nạn ở thành phố Karlsruhe để làm các thủ tục.
Sau 9 ngày ở trại tị nạn, gia đình tôi lại được chuyển về làng Trossingen thuộc huyện Tuttlingen, được cấp một phòng như ký túc xá sinh viên, sống ở đó đến cuối tháng 9.
Trong quãng thời gian 9 tháng di tản khỏi Ukraine, tôi có quay về Kiev hồi tháng 7 để giải quyết một số việc, đồng thời cùng cộng đồng người Việt giúp đỡ trẻ em mồ côi.
5 giờ sáng 28/7, Nga bắn 27 quả tên lửa vào khu vực Vyshhorod của Kiev, ngay sau cửa sổ nhà tôi, khiến 6 người chết và hơn 20 người bị thương.
Tình hình Kiev ổn định hơn, mọi hoạt động diễn ra bình thường như trước đây, người dân cần tuân thủ lệnh giới nghiêm. Các cửa hàng siêu thị đầy đủ các loại thực phẩm. Bà con người Việt vẫn đi chợ bán hàng. Ở vùng ngoại ô Kiev, nhiều nhà cửa, công xưởng, nhà máy bị bắn cháy, ngổn ngang xác xe tăng Nga hai bên đường.
Người dân Kiev đã quen với không khí chiến tranh. Khi còi báo động vang lên, không ai hoảng loạn như những ngày đầu cuộc chiến.
Hai tháng sau, tôi quay về Đức, vì tổ chức xã hội thông báo chuyển nhà đến một căn hộ ba phòng đầy đủ tiện nghi tại làng Emmingen, vẫn thuộc huyện Tuttlingen. Tất cả các chi phí đều do nước Đức cấp từ nhà ở đến tiền ăn hàng tháng.
Tôi và cũng như hầu hết người Việt tại Đức đều đã được nhận thẻ nhựa sinh học, có thời hạn 2 năm và được phép đi tìm việc làm. Chính quyền Đức cũng khuyến khích chúng tôi làm việc, nếu không tìm được việc làm sẽ được hỗ trợ học tiếng.
Gia đình anh Trúc và một số người bạn được đón tiếp tại TP Philippsburg (Đức).
Nước Đức thật tuyệt vời.
Họ đã giang tay cứu giúp cả triệu người Ukraine sang lánh nạn, trong đó có mấy nghìn bà con người Việt. Tôi vô cùng biết ơn về những điều đó.
Tuy nhiên, thật không đơn giản tạo dựng một cuộc sống mới.
Lớp trẻ có thể thích nghi sau một thời gian ngắn, nhưng điều này không dễ dàng với người có tuổi như chúng tôi. Ở Ukraine, chúng tôi tự làm chủ, bây giờ sang Đức đi làm thuê cũng là một rào cản.
Khó khăn lớn nhất vẫn là ngôn ngữ giao tiếp, tôi học mãi không nhớ. Trong khi Đức là đất nước có các điều luật vô cùng khắt khe, nếu không nắm vững thì rất dễ phạm luật.
Sau tất cả, nhìn lại hành trình 9 tháng qua, điều trăn trở và day dứt khi buộc rời xa Ukraine, không hẳn là những giá trị vật chất. Tôi, cũng như cộng đồng người Việt tại Ukraine, đã hơn nửa đời người miệt mài lao động, tạo dựng và đã có thành quả nhất định.
Tôi tiếc nuối nhất một đất nước Ukraine vô cùng xinh đẹp, người dân hồn hậu, rộng lượng bao dung, bỗng chốc xung đột đã làm tan nát tất cả.
Ukraine - đất nước không sinh ra chúng tôi, nhưng hầu hết người Việt tại Ukraine từ trong trái tim đều xem đây là quê hương thứ hai.
Chúng tôi - trên hành trình chạy nạn - mỗi khi bước qua đường biên giới, đều ngoảnh lại ngắm nhìn mảnh đất ấy, ngậm ngùi rơi lệ. Lòng tôi tự hỏi: "Vì sao, vì sao? Ai đã gieo rắc nên nỗi đau thương đó?".
Anh Trúc gặp gỡ một số người bạn tại làng Trossingen, huyện Tuttlingen - nơi gia đình anh đang sinh sống.
Những ngày tháng qua, tôi ám ảnh khi bắt gặp những người phụ nữ Ukraine đem con đi lánh nạn. Ở bất kỳ làng mạc, thành phố nào trên nước Đức, tôi đều thấy những đứa trẻ tội nghiệp phải rời bỏ mái ấm của mình, ngơ ngác nơi quê người xứ lạ.
"Chiến tranh đã phá hỏng tương lai của những đứa trẻ. Ngay chính con tôi và rất nhiều con em của bà con Việt kiều tại Ukraine, thời gian đã rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần đến trầm cảm. Các con nhớ và mong muốn trở về nơi chúng được sinh ra.
Tôi cũng vậy, mong ngóng sao chiến sự kết thúc để được trở về căn nhà đã lưu giữ 34 năm thanh xuân.
Nơi đó, dù xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, luôn mãi trong tim tôi.
Thực hiện: Minh Nhân
Ảnh: Nhân vật cung cấp
15/12/2022