Người Việt, trong mắt người Đức, được xem là chăm chỉ và nghiện việc, không chịu nghỉ ngơi. Và dù nơi ăn ở không đáp ứng cho nhu cầu sống bình thường của một người Đức thì người Việt vẫn chịu được, vẫn sống được, miễn là làm có tiền.
rong mắt người Đức bản địa, người Việt được xem là chăm chỉ, làm việc không chịu nghỉ ngơi. Thành phố Đức nơi tôi ở cũng đông người Việt nhưng so với Berlin và các thành phố lớn khác thì ít hơn. Người Việt ở thành phố nào cũng vậy, thế hệ đầu định cư bằng hình thức hợp tác lao động cách đây mấy chục năm rất nhiều. Sau này có thêm nhiều người Việt đến bằng nhiều hình thức khác nhau: hợp pháp và bất hợp pháp. Thành phố tôi ở có người từng chui thùng container, hoặc du lịch rồi trốn ở lại hoặc kết hôn giả hoặc đi giới thiệu sản phẩm nào đó rồi trốn lại, rất nhiều năm không về Việt Nam được vì không có giấy tờ hợp pháp.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
Bây giờ thì họ ổn rồi. Công việc, gia đình ổn. Phần lớn là tự kinh doanh hoặc làm thuê ở tiệm nail, hoặc nhà hàng quán ăn của người Việt, một số bán quần áo hoặc mở tiệm may vá...
Họ luôn gửi tiền về Việt Nam phụ giúp người thân hoặc mua bất động sản. Tôi không có ý chê trách ai nhưng đây là thực tế của nhiều người Việt tại Đức.
Họ làm nhiều lắm, chỉ nghỉ nếu quy định phải nghỉ, họ không nghỉ để du lịch, có người nhiều năm không thể về thăm gia đình ở Việt Nam, người làm nail có tiệm thì thường làm lố giờ quy định đóng cửa, làm cho hết việc, thêm giờ, làm thêm các kiểu để có thật nhiều tiền gửi về nhà.
Nhiều người Đức không thể sống chỉ với một cái nệm trải xuống sàn để ngủ và sống chung căn hộ chật hẹp với nhiều người đồng nghiệp hết ngày này qua ngày khác như vậy. Họ không thể làm việc trong môi trường thiếu thốn phương tiện cơ bản và chật hẹp dù tiền nhiều đi nữa.
Tiền cũng quan trọng nhưng không phải tất cả đối với họ. Trong khi, nhiều người Việt còn gánh nặng cha mẹ người thân, họ hàng hoặc muốn nở mày nở mặt với mọi người ở quê nên làm việc không ngưng nghỉ. Và khi ở ngưỡng ngoài 50 tuổi, họ bắt đầu đau xương khớp rất nhiều vì làm việc quá sức. Với người Đức thì không, nên sức khỏe và tuổi thọ cao.
Một số bạn bè, người quen của tôi cũng rất nghiện việc do nhiều nguyên nhân, trong đó có gánh nặng cơm áo gạo tiền và ngoài ra sự nghỉ ngơi thư giãn hầu như rất ít hoặc không có. Mọi người không có đất ở thì lấy đâu ra vườn để trồng hoa, rau trái để thư giãn.
Cuối tuần không có nhiều không gian công cộng của thành phố như hồ tự nhiên, rừng tự nhiên, khu cưỡi ngựa hoặc đồi núi tự nhiên, cánh đồng hoa ...để dã ngoại tránh xa ồn ào của dân cư. Tối đến mọi người không nghỉ ngơi sớm mà thích nhộn nhịp về đêm.
Khi chồng về Sài Gòn thăm quê tôi lần đầu, không ngủ được vì ồn ào quá mức, anh ấy đã thắc mắc rằng: "Tối rồi mà mọi người còn đi đâu vậy? Không ai ngủ sao? Mai họ có làm việc không?".
Tôi chỉ chia sẻ một khía cạnh nhỏ về cuộc sống của các đồng hương tại Đức, một cái nhìn cá nhân trước thực tế thấy được. Bài viết này không phải đại diện cho số đông và cũng không giống quan điểm cá nhân của người khác.
Người Xa Lạ, VnExpress