Từ giữa cuối năm 2023 đến nay, nhiều nước liên tục triệt phá các đường dây làm kết hôn giả để giúp người nhập cư sớm có được chiếc thẻ định cư.
Hiện trạng kết hôn giả khiến giới chức nhiều quốc gia đau đầu vì chưa thể giải quyết triệt để - Ảnh: GNN
Những năm gần đây, hiện tượng kết hôn giả hoặc tìm kiếm cha mẹ giả để kiếm chiếc thẻ định cư tại nước ngoài bỗng nở rộ. Không ít người, trong đó có người Việt, đã lao vào con đường bất hợp pháp này với mong ước được đi nước ngoài đổi đời.
Người Việt bị nêu tên ở Hàn Quốc, Mỹ
Cuối tháng 3 vừa qua, Cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố dữ liệu của Trang thống kê quốc gia Hàn Quốc (KOSIS) cho thấy nam giới mang quốc tịch Việt Nam là đối tượng được phụ nữ có quốc tịch Hàn Quốc tái hôn nhiều nhất.
Theo phân tích của KOSIS, tổng cộng có 586 người đàn ông Việt Nam tái hôn với phụ nữ mang quốc tịch Hàn Quốc trong năm 2022. Xếp ở các vị trí sau Việt Nam lần lượt là Trung Quốc với 446 người, Mỹ với 141 người, Philippines với 46 người và Nhật Bản với 33 người.
Song dở khóc dở cười là 480 người trong số 586 người phụ nữ Hàn Quốc tái hôn với đàn ông Việt Nam là người Việt nhập tịch.
Các nhà điều tra Hàn Quốc tiết lộ những người phụ nữ mang quốc tịch Hàn Quốc này thực chất chính là những cô dâu Việt. Họ chấp nhận kết hôn với đàn ông Hàn Quốc để có thể tìm đường đến xứ sở Kim Chi.
Sau khi đã đến được Hàn Quốc và có quốc tịch, họ lập tức ly hôn và tái hôn với người yêu hoặc đàn ông Việt Nam khác. Rồi sau khi những người đàn ông này lấy phụ nữ quốc tịch Hàn, họ được nhập tịch Hàn Quốc.
Hiện tượng kết hôn để đổi lấy quốc tịch cũng nở rộ ở các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ hay Úc. Cuối năm 2022, Ashley Yen Nguyen (58 tuổi) thừa nhận mọi tội trạng trước các cáo buộc về hành vi tổ chức kết hôn giả, lừa đảo qua thư, hỗ trợ nhập cư trái phép, rửa tiền và khai gian trong tờ khai thuế.
Theo phán quyết của tòa án địa phương, bà Ashley lãnh bản án từ 10 năm cùng với 3 năm chịu quản thúc và trả 334.605 USD tiền phạt. Đài CBS News nhận định đây là một trong những đường dây tổ chức kết hôn giả lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Ngoài lộng hành ở khu vực tây nam thành phố Houston, thuộc tiểu bang Texas, người phụ nữ này còn có cộng sự ở khắp Texas và Việt Nam.
Đường dây "kinh doanh hôn nhân" của bà Ashley thực hiện hơn 500 cuộc hôn nhân giả và thu về số tiền hơn 15 triệu USD từ hoạt động bất chính này.
Được biết mỗi cô gái, chàng trai người Việt Nam sẽ phải chi trả từ 50.000 đến 70.000 USD để kiếm vợ hoặc chồng là người Mỹ. Bản thân bà Ashley cũng là một người phụ nữ nhập cư vào nước Mỹ bằng con đường kết hôn giả.
Các nước mạnh tay chống hôn nhân giả
Để giải quyết tình trạng kết hôn giả nhằm lấy quốc tịch, chính phủ nhiều nước đã đưa ra nhiều hình phạt nghiêm khắc từ phạt tiền, quản thúc cho đến phạt tù.
Báo New York Times đưa tin cuối năm 2023 Bộ Tư pháp Mỹ ghi nhận vụ án ông Marcialito Biol Benitez (49 tuổi), quốc tịch Philippines hiện cư trú tại thành phố Los Angeles (Mỹ), đã làm giả hồ sơ kết hôn cho ít nhất 600 khách hàng từ tháng 10-2016 đến tháng 3-2022.
Theo luật pháp Mỹ, nếu một người đã là công dân Mỹ bị kết án tham gia kết hôn giả có thể lãnh án tù 5 năm và nộp phạt. Trong khi đó, trường hợp người này là người nhập cư thì sẽ bị chính quyền địa phương thu hồi thị thực và trục xuất.
Cũng vào cuối năm 2023, báo South China Morning Post đưa tin giới chức Hong Kong đã bắt giữ một người đàn ông 29 tuổi về hành vi cầm đầu đường dây tổ chức kết hôn giả. Người này đã thực hiện hơn 40 cuộc hôn nhân giả và thu về 5 triệu đô la Hong Kong (hơn 638.000 USD).
Theo quy định của Hong Kong, hành vi cung cấp thông tin sai lệch cho nhân viên tại cơ quan quản lý người nhập cư có thể lãnh án phạt tù tối đa 14 năm hoặc nộp phạt 150.000 đô la Hong Kong (hơn 19.000 USD). Dữ liệu của chính quyền Hong Kong cho biết khu vực này ghi nhận 420 vụ kết hôn giả từ năm 2022 đến 2023.
Tương tự, những người hành nghề "buôn hôn nhân" tại Úc sẽ phải lãnh án phạt tù tối đa 10 năm.
Trong khi đó, ở Singapore, những người tham gia kết hôn giả để đổi lấy tấm thẻ quốc tịch tại đảo quốc sư tử sẽ phải đối mặt với án phạt từ 6 tháng đến 1 năm tù giam hoặc nộp phạt 10.000 đô la Singapore (hơn 7.300 USD), thậm chí là chịu cả hai hình phạt nếu nghiêm trọng.
Thế nhưng dù chính phủ các nước và vùng lãnh thổ đã có những hình phạt thích đáng nhưng họ vẫn chưa thể dẹp được vấn nạn kết hôn giả.
Dự luật chống hôn nhân giả ở Nga
Theo Hãng thông tấn RIA (Nga), Ủy ban Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) hôm 10-4 đã thông qua lần đọc đầu tiên dự luật chống người di cư lợi dụng hôn nhân giả để nhập tịch.
"Dự luật này nhằm mục đích cải thiện luật di cư, loại bỏ các cuộc hôn nhân giả, thiết lập quan hệ cha con "ảo" của công dân nước ngoài hoặc những người không có quốc tịch Nga để có được tấm giấy nhập cư hợp pháp vào nước Nga", dự luật ghi rõ.
UYÊN PHƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online