Đón một cái Tết cổ truyền rất khác biệt so với mọi năm, nhưng người Việt tại Ukraine vẫn vượt qua mọi gian khó và hy vọng hòa bình sẽ sớm trở lại.
Người Việt tại Odessa họp cộng đồng.
Cộng đồng người Việt ở Ukraine đã hình thành, phát triển lớn mạnh và có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với chính quyền nước sở tại từ nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, kể từ khi Nga tuyên bố triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (24/2/2022), gần 6.000 người Việt tại đây phải sơ tán sang các nước lân cận, ảnh hưởng lớn tới đời sống và công việc kinh doanh của cả cộng đồng…
Tết xa hai quê hương
Ban đầu chỉ nghĩ đi sơ tán cùng lắm khoảng một, hai tháng, nhưng đến nay đã sắp tròn 10 tháng chị Hoa Lý-giáo viên tiếng Việt ở Ukraine, phải sống xa quê hương thứ hai của mình. Nhắc đến việc chuẩn bị đón Tết cổ truyền Quý Mão, chị than “Buồn nẫu ruột!” vì gia đình đang trong hoàn cảnh chia cách: vợ chồng ở Đức và cô con gái ở Ukraine.
Mỗi năm, cứ vào dịp này, khu chợ Troeshina nơi chị Lý sinh sống ở thủ đô Kiev lại rôm rả hẳn lên trong các gian hàng Tết. Không khí Năm mới còn lan tỏa vào lớp học tiếng Việt của chị qua những bài học nhỏ “Mùa Xuân và Tết Nguyên đán”. Vậy mà năm nay, chị lại phải xa những lớp học cùng các em nhỏ thân yêu để ở tận vùng Tây Đức giáp biên giới Hà Lan và đi làm thuê cho một gia đình người Việt.
Phần lớn bạn bè của chị Lý từ Ukraine sang Đức đều đã có công ăn việc làm. Người làm tiệm nail, quán cơm, cửa hàng cho người Việt Nam, người làm công ty sushi, người làm nhà máy xúc xích, người thì học tiếng bản địa…
Nước Đức rộng mênh mông, họ di tản ở khắp nơi nên sống khá cách xa nhau. Vì thế, chỉ có những người may mắn ở gần nhau thì mới tranh thủ gặp nhau vào ngày Chủ nhật.
Không riêng chị Lý, nghĩ đến Tết ai cũng thấy buồn vì phải xa cả hai quê hương. Đi lánh nạn ở các nước nhưng họ vẫn thương những người dân ở quê hương thứ hai đang phải trải qua một mùa Đông vất vả và khó khăn. Họ cầu mong tình hình chính trị ở Ukraine sớm ổn định lại, mọi người mạnh khỏe, bình an để sớm trở về ngôi nhà thân yêu.
Chị Lý bộc bạch: “Thời gian đầu, nước Đức trợ cấp tiền ăn, tiền nhà, đi lại và sim điện thoại miễn phí ba tháng. Đến nay, họ vẫn hỗ trợ tiền nhà cho những người di tản. Thật khó có thể bày tỏ hết lòng biết ơn đối với chính phủ Đức.
Sau bảy tháng đi lánh nạn, cuối tháng 10 vừa qua con gái tôi mới có thể trở về thủ đô Kiev thăm nhà của bố mẹ. Cây cối trong nhà đã chết hết nhưng giờ cũng may vì chúng tôi đã có con trông nom nhà cửa. Chỉ mong Ukraine sớm bình yên để chúng tôi có thể duy trì cuộc sống trở lại”.
Một bữa cơm ấm cúng của người Việt tại Ukraine.
Tết vẫn ấm giữa thời chiến
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 500-600 người Việt đã quay lại Ukraine, tập trung ở tỉnh Odessa và thủ đô Kiev – những nơi có cộng đồng người Việt đông nhất trước khi chiến sự xảy ra.
Chia sẻ với TG&VN, bà Nguyễn Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Tổng hợp, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết: “Với tình hình chiến sự chỉ xảy ra ở một số khu vực giáp Nga nên cuộc sống của người Việt tương đối ổn định và không quá ảnh hưởng đến an ninh của bà con.
Lý do bà con quay lại là vì nhiều người có quốc tịch, người thân, công việc kinh doanh và tài sản ở nước sở tại. Ngoài ra, trong bối cảnh xung đột, nhiều bà con linh hoạt tìm ra hướng kinh doanh mới tạo thêm thu nhập”.
Ở thành phố Odessa, cộng đồng người Việt sống tập trung tại làng Sen, làng Staritskogo và các căn hộ ở trung tâm thành phố, cũng đang dần thích nghi hoàn cảnh sống mới.
Theo ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Hội người Việt tại Odessa, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Odessa, chợ 7km (cây số 7 theo cách gọi của người Việt Nam) vẫn hoạt động, người dân từ các tỉnh vẫn về đây mua hàng. Những hàng hóa các chủ doanh nghiệp nhập khẩu sớm để bán vào mùa Xuân được tung ra với giá cả hấp dẫn nên được giải phóng nhanh.
Để đảm bảo an toàn tài sản tại chợ 7km, Ban chấp hành Hội người Việt Nam tỉnh Odessa đã giao cho Ban quản lý chợ nhiệm vụ trông coi các cửa hàng; phối hợp Ban giám đốc chợ để mở cửa và di dời hàng của những bà con đi lánh nạn nhưng có ủy quyền cho người mở. Hiện nay, việc kinh doanh của bà con tại chợ 7km tương đối thuận tiện.
Mới đây, bác sĩ Nguyễn Văn Khanh, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Odessa đã gặp gỡ và làm việc với cộng đồng người Việt nhằm tổng kết hoạt động trong năm và lắng nghe những khó khăn bà con đang gặp phải.
Trải qua hơn 10 tháng diễn ra xung đột giữa Nga-Ukraine, từ cộng đồng 3.000 người chỉ còn lại 100 người bám trụ thì nay đã có khoảng 500 người Việt trở lại Odessa. Các tổ chức hội đoàn kiện toàn tổ chức và phát huy vai trò của mình. Ban quản trị Làng Sen cũng từng bước giải quyết những khó khăn tồn tại để duy trì hoạt động.
Để hướng dẫn bà con cộng đồng thực hiện quy định của chính quyền sở tại, Ban chấp hành Hội người Việt Nam, Văn phòng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Odessa thường xuyên theo dõi và nhắc nhở người dân tránh tập trung đông người, không đến gần nơi nhạy cảm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột, điện nước thường xuyên bị cắt đã ảnh hưởng đến cuộc sống và tâm lý của bà con. Ngoài ra, những khó khăn như việc xin cấp giấy khai sinh và trích lục giấy khai sinh cho những cháu nhỏ sinh ra tại Odessa, tệ nạn lừa đảo đến mức có thể dẫn đến nguy cơ mất ổn định cộng đồng… là những phản ánh mà bà con kiến nghị cần phải kịp thời giải quyết.
Đặc biệt, từng là cộng đồng người Việt lớn nhất ở Ukraine nhưng từ khi xung đột nổ ra, người Việt tại Odessa buộc phải rơi vào cảnh lưu lạc và chia lìa. Gia đình ông Nguyễn Như Mạnh-Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Odessa, có tám thành viên nhưng hiện nay phải chia năm sẻ bảy. Cô con gái cả và cháu ngoại đang ở Anh, cậu con trai thứ hai đang ở Đức, cô con gái thứ ba đang học đại học ở Bỉ, cô út học cấp ba và vợ ông ở Đan Mạch, chỉ còn ông ở lại Ukraine.
Ông Nguyễn Như Mạnh cho biết, cộng đồng người Việt ở Odessa đang tổ chức lại cuộc sống của mình cho phù hợp với thời chiến, thích nghi với việc phải dự trữ nước, máy phát điện. Đặc biệt, các gia đình người Việt tại đây đều duy trì việc học hành cho con cái.
Ngoài những buổi đến trường, trẻ em vẫn học trực tuyến tại nhà. Tại Làng Sen, Hội người Việt Nam tại Odessa còn tổ chức một lớp học trực tiếp dành cho các cháu chuẩn bị vào lớp Một do cô giáo người Ukraine trực tiếp giảng dạy. Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên bà con, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con tại Odessa.
Bởi vậy, trong hoàn cảnh khó khăn, cộng đồng người Việt tại Odessa vẫn đón Tết với không khí ấm áp. Lịch Tết 2023 đã được các chi hội trưởng chuyển đến tất cả các gia đình đang sinh sống tại Odessa.
Đặc biệt, các gia đình vẫn duy trì những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam như nấu bánh chưng, làm mâm cơm cúng ngày Tết. Thay vì tổ chức những cuộc tụ họp đông vui như trước đây, bà con gặp mặt trong những bữa cơm tất niên nhỏ, ấm cúng và cùng nhau thắp lên những hy vọng vào Năm mới.
Nguồn: Thegioionline