Nước Pháp, vốn được coi là một trong những cái nôi của nền tri thức nhân loại, ngày nay phải đối mặt với nạn bạo lực ở tuổi vị thành niên mà nền giáo dục quốc gia chưa có giải pháp thực sự thích đáng.
Đêm 27-6, một tiếng nổ trầm đục khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Tôi lim dim tưởng gặp ác mộng thì nhiều tiếng nổ khác liên tiếp vang lên, mỗi lúc một rõ hơn.
Tôi lật đật ngó đầu ra cửa sổ thì thấy khói nghi ngút bốc lên đằng sau dãy nhà đối diện. Bà hàng xóm cao tuổi lại sống một mình, thấy sự việc thì hốt hoảng gõ cửa nhà tôi: "Hình như bên ngoài có pháo cháy, tôi vừa mới gọi điện báo cảnh sát".
Sáng hôm sau, tôi đọc báo mới biết vụ đốt phá ngày hôm qua không phải ngẫu nhiên, cũng không phải duy nhất.
Một thanh niên 17 tuổi tên Nahel đã bị cảnh sát bắn chết vì không chấp hành yêu cầu kiểm tra của cảnh sát. Theo lời khai ban đầu, hai viên cảnh sát khai nổ súng vì động cơ tự vệ, trước nguy cơ đối phương lao xe đâm vào cảnh sát.
Nhưng theo video ghi lại và đang lan truyền trên các mạng xã hội, hai viên cảnh sát đứng bên phía cánh cửa xe của nạn nhân nên không thể bị xe đâm. Một cảnh sát tay chĩa súng vào nạn nhân, miệng la lớn "Tắt máy nếu không tao bắn!", còn người kia hét "Bắn nó đi!".
Vụ việc cảnh sát nổ súng bắn chết trẻ vị thành niên lập tức thành một mồi lửa châm ngòi hàng loạt cuộc bạo loạn. Bắt đầu từ thành phố Nanterre nơi xảy ra án mạng và cũng là khu vực ngoại ô có số lượng tội phạm vị thành niên chiếm tỉ lệ cao, rồi nhanh chóng lan rộng ra nhiều nơi ở Paris và các vùng phụ cận.
Chỉ trong ba ngày, những vụ đốt cháy các xe cộ, đập phá các cửa hiệu diễn ra hàng loạt tại nhiều thành phố trên toàn nước Pháp.
Hôm 1-7, tôi phải đi bộ nửa tiếng để bắt tàu điện ngầm vì tàu điện trên mặt đất đã bị phá hỏng bởi các phần tử bạo động. Các phương tiện công cộng đồng loạt thông báo ngừng hoạt động sau 21h vì lý do an toàn.
Nhiều người lo lắng sẽ bị giới nghiêm sau giờ làm việc nếu tình hình trở nên xấu đi.
Sự việc cảnh sát bắn chết trẻ vị thành niên vừa qua phải bị pháp luật trừng trị, nhưng trên thực tế nó lại đang bị các phần tử bạo động lợi dụng để tự do hoành hành dưới danh nghĩa "thấy bất bình chẳng tha".
Bởi việc đốt cháy các phương tiện giao thông, cá nhân và công cộng, đập cửa kính, cướp tài sản trong các trung tâm thương mại và các doanh nghiệp tư nhân về cơ bản không có liên quan gì đến việc cảnh sát giết Nahel.
Vấn đề đáng quan ngại là độ tuổi trung bình của các tội phạm đốt, cướp, phá còn rất trẻ. Các thiếu niên này đa số sống ở các khu dân cư thu nhập thấp, đời sống khó khăn tạo điều kiện cho các mầm mống tệ nạn xã hội.
Nước Pháp, vốn được coi là một trong những cái nôi của nền tri thức nhân loại, ngày nay phải đối mặt với nạn bạo lực ở tuổi vị thành niên mà nền giáo dục quốc gia chưa có giải pháp thực sự thích đáng. Vấn nạn này đi đôi với một vấn nạn xã hội khác là điều kiện sống của các khu dân cư thu nhập thấp không cho trẻ em có một môi trường sống lành mạnh nên dễ bị lôi kéo vào các hành vi bạo lực.
Sống ở Paris hơn chục năm, tôi không biết mình còn sợ bạo lực không nữa.
Năm 2015, vụ thảm sát tại tòa báo Charlie Hebdo chỉ cách nhà tôi hơn 1 cây số. Trên đường đi làm về tôi thấy những khuôn mặt thất thần của người qua đường, những chiếc xe cảnh sát, cứu thương chặn dài cả một con phố.
Cuối năm đó, lại vụ khủng bố nhà hát Bataclan chỉ cách nhà tôi một trăm số nhà. Tiếng súng nổ đánh thức cả khu dân cư trong đêm. Bọn khủng bố đã chạy xe ngang qua nhà tôi để tiếp tục nổ súng tại quán La Belle Equipe cách không xa công viên nơi tôi thường dẫn con đi chơi.
Khi những biện pháp chống khủng bố được siết chặt thì lại đến các làn sóng biểu tình. Mục đích khởi điểm là đấu tranh giành quyền lợi trong khuôn khổ tuân thủ pháp luật. Nhưng nhiều năm trở lại đây, các cuộc biểu tình luôn kết thúc bằng các cuộc ẩu đả, đốt phá cơ sở hạ tầng và các cửa hiệu, trung tâm thương mại.
Các cuộc bạo động lần này khả năng sẽ kéo dài trong nhiều tuần. Tối nay, tôi bịt bông gòn vào hai lỗ tai. Vẫn phải ngủ để ngày mai vẫn đi làm, dù có pháo nổ bên tai hay khói cháy đen ngút.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online