Trường mầm non Ikuno Komorebi ở Osaka mở thêm lớp dạy kèm con em các gia đình nhập cư, chủ yếu là người Việt, để các bé không tụt hậu khi lên tiểu học.
Mỗi sáng thứ hai hàng tuần, trường mẫu giáo Ikuno Komorebi ở quận Ikuno, Osaka, dành 30 phút để kèm trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp tiếng Nhật, với khoảng 10 học sinh tham gia, thực hành phát âm cơ bản và các phần học khác.
Lớp học này được cải tạo từ phòng thay đồ nữ, phục vụ chương trình học mới được triển khai từ mùa xuân 2023. Cô Keiko Tsujimoto, hiệu trưởng 72 tuổi của trường, nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Nhật trong chương trình giảng dạy mầm non, giúp trẻ sẵn sàng vào tiểu học.
Nhiều học sinh của bà là con em các gia đình nhập cư, chủ yếu đến từ Việt Nam, bố mẹ không có điều kiện dạy các em về tiếng Nhật. Nếu không được chính phủ hỗ trợ, bà lo rằng chúng có thể bị bỏ lại phía sau. "Nếu tiếp tục như vậy, các em sẽ không thể thích nghi khi lên tiểu học và sẽ bỏ học", bà Tsujimoto nói với Mainichi.
Phó hiệu trưởng Daisuke Hironaka dạy tiếng Nhật cho trẻ mẫu giáo tại trường Ikuno Komorebi ở Osaka. Ảnh: Kyodo
Khi phóng viên của Mainichi tới thăm, những học sinh 5 tuổi ngồi vào bàn ăn, trò chuyện sôi nổi bằng phương ngữ Kansai. "Là món 'udon của Việt Nam'", một đứa trẻ reo lên. "Tớ đã ăn món này trước đây ở quê nhà", một trẻ khác đáp.
Ba năm trước, lượng học sinh gốc Việt theo học tại Ikuno Komorebi tăng đột biến. Giá thuê nhà tại quận Ikuno tương đối rẻ. Khu vực này cũng có nhiều nhà máy, công xưởng, thu hút nhiều lao động Việt Nam, còn có trường tiếng Nhật cho sinh viên nước ngoài.
Trong số 98 trẻ mẫu giáo tại Ikuno Komorebi, gần 1/2 là trẻ em Việt Nam, ngoài ra còn có trẻ em Trung Quốc, Hàn Quốc. Nhiều phụ huynh nói chuyện với trẻ bằng tiếng mẹ đẻ, nên khả năng hiểu tiếng Nhật của nhóm này có xu hướng chậm. Điều này trở thành thách thức lớn với các em trước khi lên tiểu học.
Nhiều trẻ không theo kịp trong những ngày đầu tiên học tiểu học, hình thành mặc cảm và dễ bị mất gốc, hiệu trưởng Tsujimoto giải thích.
Học sinh ăn phở tại trường mẫu giáo Ikuno Komorebi ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Mainichi
Các giáo viên cũng nỗ lực tìm phương pháp giảng dạy tiếng Nhật phù hợp cho học sinh nhỏ tuổi. Trong lớp Nhật ngữ mỗi sáng thứ hai, các em sử dụng đồ dùng học tập là thẻ tranh viết tay có chữ tiếng Việt.
"Chúng tôi phải tìm kiếm câu trả lời mỗi ngày", Daisuke Hironaka, 30 tuổi, phó hiệu trưởng kiêm giáo viên đứng lớp tiếng Nhật, nói.
Đầu năm 2023, trường tuyển Trinh Thi Huyen Trang, 23 tuổi, cựu du học sinh Việt Nam, làm trợ lý chăm sóc trẻ. Trang tốt nghiệp trường dạy tiếng Nhật liên kết với trường mầm non. Ngoài chăm trẻ, phiên dịch, Trang còn là cầu nối giữa phụ huynh và trường, cung cấp tình hình con em và các giấy tờ cần thiết.
"Khó khăn nhất là khi chúng ốm", Trang nói. Cô đang phấn đấu nhận chứng chỉ trở thành giáo viên mầm non.
Hiệu trưởng Tsujimoto tin Nhật Bản có trách nhiệm với cộng đồng nước ngoài là điều tự nhiên, khi nhóm này cung cấp lực lượng lao động cần thiết trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học hiện tại.
"Đời sống Nhật Bản không thể tồn tại nếu không có lao động nước ngoài trong các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất. Chúng tôi hy vọng xã hội sẽ chấp nhận người nước ngoài cùng con cái là thường trú nhân, đồng thời tăng hỗ trợ họ", bà nói.
Đức Trung (Theo Mainichi)
Nguồn: VNEXPRESS.NET