Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự chương trình giao lưu võ thuật Vovinam Việt Nam và Võ đạo Nhật Bản, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản.
Trong chương trình giao lưu tại Nhà thi đấu võ thuật Shiseikan, thủ đô Tokyo sáng 29/11, các võ sinh Việt Nam và Nhật Bản biểu diễn kiếm thuật, quyền thuật, đối kháng dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, theo TTXVN. Các màn biểu diễn đều thể hiện sức mạnh của môn phái võ thuật và in đậm tinh thần văn hóa dân tộc.
Võ đạo Nhật Bản được lưu truyền ở thành phố Kashima, thuộc tỉnh Ibaraki, nơi được cho là vùng khởi nguồn của Võ đạo Nhật Bản. Vùng Kashima cũng là nơi đào tạo các binh sĩ bảo vệ đất nước xuyên suốt thời cổ đại Nhật Bản.
Môn sinh Võ đạo Nhật Bản biểu diễn. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam
Cách đây khoảng 500 năm, nơi đây cũng bắt đầu hệ thống hóa các môn phái võ thuật sử dụng binh khí như kiếm, giáo, đao của các võ sĩ, kế thừa và lưu truyền đến ngày nay.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF), cho biết Vovinam được hình thành từ năm 1938 do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập trên nền tảng võ vật dân tộc.
Dựa trên nguyên lý cương nhu phối triển, các môn sinh Vovinam được tập luyện từ những đòn thế cơ bản đến các bài quyền, sử dụng binh khí như kiếm, trường côn, đại đao. Các môn sinh được tập luyện với các bài tập tay không chống vũ khí, các lối khóa gỡ tự vệ từ căn bản đến nâng cao và đặc biệt là hệ thống 21 đòn chân tấn công đặc trưng.
Võ sinh Vovinam biểu diễn tại buổi giao lưu. Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam
Trải qua nhiều năm phát triển, số võ sinh tập luyện Vovinam đã lên tới hàng triệu người, có mặt ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Điểm đặc biệt là Vovinam cũng đã được truyền bá và phát triển tại Nhật Bản từ năm 2012 nhờ đô vật chuyên nghiệp Fujisaki Tadahiro, tên thân thuộc là Fugo. Sau khi xem Giải vô địch Vovinam thế giới lần hai năm 2011 tại TP HCM, ông quyết tâm tìm học, quảng bá môn phái võ thuật này trên quê hương mình.
12 năm qua, Vovinam đã phát triển không ngừng tại Nhật Bản và hiện có khoảng hơn 300 môn sinh tập luyện. Tại giải vô địch Vovinam thế giới lần 7 năm nay, Nhật Bản có 12 vận động viên tham dự.
Giao lưu võ thuật là một trong rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua, góp phần quan trọng thắt chặt tình cảm và quan hệ hai nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự giao lưu võ thuật Việt - Nhật tại Nhà thi đấu võ thuật Shiseikan, thủ đô Tokyo ngày 29/11. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân đang trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của nhà nước Nhật Bản ngày 27-30/11.
Việt - Nhật thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 21/9/1973. Ngày 27/11, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Chủ tịch nước đánh giá đây là "sự kiện quan trọng, mở ra chương mới" trong quan hệ Việt - Nhật.
Huyền Lê
Nguồn: VNEXPRESS.NET