Thứ trưởng Nội vụ Ukraine Leonid Tymchenko nói với tạp chí TIME: Trong cuộc chiến chống lại Nga đang diễn ra, công nghệ của Clearview AI đã trở thành 'vũ khí bí mật' của Chính phủ Ukraine.
Hơn 1.500 quan chức tại 18 cơ quan Chính phủ Ukraine đang sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt Clearview AI. Công cụ này giúp Ukraine xác định được hơn 230.000 binh sĩ và quan chức Nga tham gia vào cuộc xung đột.
Kiev cũng đã nhanh chóng mở rộng việc sử dụng Clearview bên cạnh dùng nó để xác định quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine.
Công nghệ "vũ khí bí mật" của Ukraine
Cuộc phỏng vấn của tờ TIME với các quan chức Ukraine tiết lộ quốc gia này đã dựa vào công ty công nghệ tư nhân của Mỹ là Clearview AI, vốn chỉ có 35 nhân viên, để hỗ trợ thực hiện một loạt nhiệm vụ thời chiến, nhiều nhiệm vụ trong số đó chưa được báo cáo trước đây.
Cụ thể, họ dùng Clearview AI để phát hiện những kẻ xâm nhập tại các trạm kiểm soát, giải quyết các trường hợp công dân bị mất giấy tờ tùy thân, xác định và truy tố các thành viên của lực lượng dân quân thân Nga và những người cộng tác với Ukraine.
Thậm chí Clearview AI giúp xác định vị trí của hơn 190 trẻ em Ukraine bị bắt qua biên giới để sống cùng các gia đình Nga.
Theo Công ty Clearview, Ukraine đã thực hiện ít nhất 350.000 lượt tìm kiếm cơ sở dữ liệu trong 20 tháng kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ.
“Khối lượng thật kinh khủng. Sử dụng nhận dạng khuôn mặt ở vùng chiến sự sẽ cứu được nhiều sinh mạng", giám đốc điều hành (CEO) và đồng sáng lập Clearview AI, Hoan Ton-That, nói với TIME.
Hoan Ton-That, giám đốc điều hành và đồng sáng lập Clearview Al - Ảnh: FORBES
Theo TIME, cả Chính phủ Ukraine và công ty công nghệ Mỹ đều có lợi khi bắt tay hợp tác. Đối với Chính phủ Ukraine, họ cần công cụ có thể giúp họ tự vệ tốt hơn trước một đội quân mạnh hơn.
Đối với Hoan Ton-That (Tôn Thất Hoàn, 35 tuổi, người Úc gốc Việt), đây là cơ hội để chứng minh giá trị của phần mềm nhận dạng khuôn mặt của công ty ông.
Ông giải thích trong một cuộc phỏng vấn video gần đây của TIME từ New York: “Đó là một công nghệ tỏa sáng và chỉ thực sự được đánh giá cao trong thời kỳ khủng hoảng. Tôi nghĩ mọi người thực sự hiểu điều đó khi mạng sống của họ hoặc có ai đó thân thiết với họ bị đe dọa”.
Lằn ranh mong manh giữa "anh hùng" và "kẻ tội đồ"
Được thành lập vào năm 2017 với sự hậu thuẫn của một nhóm nhà đầu tư, trong đó có tỉ phú Peter Thiel, Clearview AI ban đầu hoạt động tương đối bí mật.
Trong vài năm, họ đã xây dựng cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về khuôn mặt con người bằng cách thu thập dữ liệu trên Internet và chạy chúng thông qua thuật toán nhận dạng khuôn mặt, mà họ cho rằng có thể nhận dạng con người với độ chính xác 99,85%.
Thư viện hình ảnh khuôn mặt mọi người của Clearview đã tăng lên 40 tỉ và tăng 400% kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, theo Hoan Ton-That.
Đến năm 2018, Clearview lặng lẽ bán quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của mình cho một loạt cơ quan, chính phủ. Công ty đã phát triển hoạt động tới hơn 600 cơ quan thực thi pháp luật, bao gồm Cơ quan Thực thi di trú và Hải quan Mỹ (ICE) và FBI.
Vào năm 2020, sau một cuộc điều tra của tờ New York Times tiết lộ sự tồn tại của công ty cũng như quy mô cơ sở dữ liệu và việc nó được cơ quan thực thi pháp luật sử dụng, các nhà phê bình đã chỉ trích Clearview là “đáng sợ".
Kể từ đó, Clearview vấp phải làn sóng kiện tụng, phạt tiền và lệnh ngừng hoạt động từ các công ty có dữ liệu bị thu thập.
Bị cáo buộc vi phạm luật bảo mật dữ liệu của EU, Clearview AI bị coi là bất hợp pháp ở Áo, Pháp, Hy Lạp, Ý và Anh, đồng thời bị cấm bán quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của mình cho các công ty tư nhân Mỹ.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online