Vụ lạm thu ở ĐSQ VN tại Ba Lan: Dân biểu tình dù lãnh sự Nguyễn Minh Quế đã bị bãi nhiệm

Trong một diễn biến hiếm có ở các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại châu Âu, một cán bộ phụ trách công tác lãnh sự tại Warsaw "bị bãi nhiệm ngay lập tức, phải về nước để giải trình".

Biểu tình chiều 12/03 trước trụ sở ĐSQ VN tại Warsaw, CH Ba Lan phản đối nạn lạm thu, thái độ "hạ nhục dân" của cán bộ lãnh sự và chống tham nhũng trong ngành ngoại giao VN- Hình chụp từ livestreaming

Dù một cán bộ lãnh sự tại ĐSQ Việt Nam ở Warsaw, ông Nguyễn Minh Quế đã "bị bãi nhiệm ngay lập tức sau các tố cáo "lạm thu" và sự can thiệp hiếm có của Đoàn Công tác Bộ Ngoại giao VN, nhưng nhiều người trong cộng đồng Việt Nam vẫn tổ chức biểu tình chiều 12/03 với khẩu hiệu "Cấm lạm thu", "chống tham nhũng".

Các khách mời lên cầm micro kể lại thảm cảnh bị vòi vĩnh, bắt chẹt và thậm chí bị "sỉ nhục" bởi quan chức lãnh sự VN ở CH Ba Lan. Họ cũng yêu cầu có biện pháp thay đổi cơ bản vì "các tệ nạn ăn chặn, lạm thu này" đã diễn ra rất nhiều năm.

Trước đó BBC News Tiếng Việt đã đăng:

Theo thông tin từ cuộc họp đặc biệt tại ĐSQ CHXHCN Việt Nam ở Warsaw, CH Ba Lan hôm 11/03, một loạt quyết định được nhà chức trách VN công bố nhằm chấn chỉnh công tác lãnh sự, sau làn sóng đòi Đại sứ quán giải trình về nạn lạm thu phí hộ chiếu, giấy tờ và thái độ tiếp dân của quan chức.

Được biết lãnh sự Nguyễn Minh Quế đã bị "triệu hồi về nước ngay lập tức để giải trình".

Ông Quế, đối tượng của nhiều khiếu nại, than phiền cũng mất chức và Đại sứ quán VN tại Ba Lan sẽ chỉ định ra nhân viên mới "lo quyền lãnh sự", theo thông tin từ cuộc họp 11/03, đăng trên trang Uwaga-Người Việt tại Ba Lan trên Facebook.

Trang này cử ba đại diện dự cuộc gặp mặt với đoàn công tác của chính phủ VN tại Warsaw hôm 11/03.

Được biết trước cuộc gặp, các ông Hoan Lê, Lương Thành và Phan Châu Thành đã công khai đăng khiến nghị yêu cầu "bãi nhiệm" lãnh sự Quế.

Một loạt thay đổi được Trưởng đoàn Công tác do ông Mai Phan Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban người VN ở nước ngoài và Cục trưởng Cục Lãnh sự, ông Doãn Hoàng Minh thông báo ngay sau cuộc họp.

"Đoàn công tác đã lắng nghe và ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh, đóng góp của đại diện Hội người Việt và đông đảo bà con về công tác tiếp khách và giải quyết thủ tục lãnh sự của Đại sứ quán. Trưởng đoàn Mai Phan Dũng thông báo Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán quán triệt sâu sắc về tinh thần phục vụ, công khai, minh bạch; bố trí cán bộ lãnh sự đủ phẩm chất, đạo đức và trình độ nghiệp vụ, hướng dẫn tận tình, chu đáo cho bà con về hồ sơ, thủ tục, giải thích rõ ràng các khoản thu phí, lệ phí và cấp biên lai đúng quy định..." theo nội dung báo Quê Việt đăng lại thông báo của ĐSQ VN tại Ba Lan cùng ngày.

Ý nghĩa của sự việc...chưa dừng ở đây?

Sự kiện các quan chức từ Hà Nội bay sang lắng nghe khiếu nại, tố cáo ở Ba Lan cho thấy chính phủ Việt Nam hiểu được tầm vóc của sự việc, nhất là sau khi Bộ Ngoại giao VN bị dính vào các án lớn như chuyến bay giải cứu, khiến nhiều quan chức đã bị bắt.

Cuộc họp mà một số thành viên cộng đồng, các đại diện của Hội người Việt Nam tại Ba Lan, các nhà hoạt động và đại diện trang Uwaga dự với quan chức VN cũng làm lộ ra một chi tiết đáng kinh ngạc về cơ quan lãnh sự VN tại Ba Lan.

Ví dụ, một thành viên Hội người Việt, ông Lê Thiết Hùng ngoài việc nhấn mạnh Hội này "độc lập đối với sứ quán", còn kể công khai bản thân ông "cũng bị hành khi giải quyết thủ tục, thậm chí có nhân viên lãnh sự từng định đánh ông".

Cùng lúc, cũng có các ý kiến cho rằng quyết định của một số nhà vận động trong cộng đồng người VN tại Ba Lan kêu gọi, tổ chức cuộc biểu tình dự kiến vào chiều Chủ Nhật 12/03 trước trụ sở ĐSQ VN ở phố Resorowa, Warsaw "đã có hiệu quả không ít", góp phần tạo ra sự kiện 11/03.

Trong cộng đồng người VN tại Ba Lan tiếp tục có sự khác biệt giữa hai cách nghĩ.

1 Vu Lam Thu O Dsq Vn Tai Ba Lan Dan Bieu Tinh Du Lanh Su Nguyen Minh Que Da Bi Bai Nhiem

NGUỒN HÌNH ẢNH,ĐẠI SỨ QUÁN VN TẠI BA LAN

Vẫn còn ý kiến trong cộng đồng VN hỏi Đại sứ Nguyễn Hùng ở Ba Lan "có phải không hề biết về tình hình thu phí sai quy định trong cơ quan Lãnh sự"?

Một là cuộc gặp 11/03 đã có kết quả, và Đoàn công tác Bộ Ngoại giao đã lắng nghe trong tinh thần "cởi mở, cầu thị"- như lời bình luận của doanh nhân, nhà hoạt động xã hội Phan Châu Thành tham dự cuộc gặp - thì việc biểu tình nữa là không cần thiết.

Hai là dòng ý kiến cho rằng, như một thành viên ban tổ chức biểu tình cho BBC biết trong ngày 12/03 sự kiện vẫn cần phải xảy ra, vì họ muốn thấy những thay đổi cơ bản trong hoạt động của cơ quan ngoại giao VN ở Ba Lan.

Chẳng hạn cam kết mở thêm một buổi làm việc 3 giờ trong tuần vẫn chỉ khiến Lãnh sự VN tại Warsaw làm việc đúng ba buổi sáng, chứ không làm đủ 5 ngày một tuần như các lãnh sự VN ở nhiều nước khác, theo câu hỏi của một số công dân VN.

Việc mở cửa ít giờ tạo điều kiện cho các "dịch vụ giấy tờ không công khai" khai thác lỗ hổng để làm ăn với quan chức.

Cũng có ý kiến yêu cầu giải trình việc ép uổng người dân đóng tiền cao qua dịch vụ không đăng ký, chỉ quen biết quan chức, có phải là hoạt động phạm pháp (tiếng Ba Lan là wyludzenie pieniedzy, tiếng Anh-passport rackeetering), theo luật hình sự các nước, mục Tội phạm có tổ chức (organised crimes)?

Hiện trang Uwaga tiếp tục có các câu hỏi về vai trò của Đại sứ Nguyễn Hùng, người mà các ý kiến nói "không lẽ không biết gì về hoạt động lạm thu của lãnh sự Quế", hay "không phải chịu trách nhiệm chính trị gì?"

Facebooker Sy Anh Nguyễn hỏi:

"Tôi xin phép hỏi ngài Đại Sứ. Ngài có biết tình hình thu phí sai quy định của Bộ Tài Chính ở LSQ VN tại Ba lan? Ngài biết từ bao giờ? Ngài đã có biện pháp gì để ngăn chặn việc làm sai đó?"

Hiện chưa thấy Đại sứ Nguyễn Hùng lên tiếng hồi đáp các câu hỏi trên.

Nhiều người Việt Nam khác cũng đặt câu hỏi về các khoản họ nói là đã bị "lạm thu".

Một phụ nữ người Việt, vợ của một người Ba Lan cũng kể chồng bà từng bị "Sứ quán VN gạ gẫm" trong một lần làm giấy tờ.

Những sự việc chi tiết khác liên quan đến tố cáo, khiếu nại này được blogger Mạc Việt Hồng ở Warsaw thu hình video và đăng tải trên Facebook rộng rãi. Những nhân chứng trong hình, đa số là người thu nhập thấp, từ Ukraine chạy loạn sang Ba Lan, bị lãnh sự Quế "vòi vĩnh", bắt làm giấy tờ qua dịch vụ, có khi mất hàng nghìn USD.

Việc ông Nguyễn Minh Quế đã bị triệu hồi về VN không có nghĩa là các tố cáo, khiếu nại này "bị bỏ quên", theo các ý kiến trên.

Ông Ngô Văn Tưởng nói với BBC News Tiếng Việt ông sẽ vẫn đi biểu tình chiều nay 12/3, vì "Lãnh sự Quế bị bãi nhiệm chưa giải quyết hết vấn đề và mục đích của người dân là yêu cầu chấm dứt việc lạm thu phí lãnh sự có từ vài chục năm nay."

2 Vu Lam Thu O Dsq Vn Tai Ba Lan Dan Bieu Tinh Du Lanh Su Nguyen Minh Que Da Bi Bai Nhiem

NGUỒN HÌNH ẢNH,FB

Một phụ nữ kể bạn của bà, lấy chồng Ba Lan, rất đau khổ khi mỗi lần phải lên ĐSQ VN xin giấy tờ cho con vì không biết giải thích với gia đình chồng là vì sao làm công dân VN lại phải mất nhiều tiền cho quan chức VN

"Ngoài trách nhiệm hình sự với lãnh sự Quế chúng tôi muốn thấy Bộ Ngoại giao VN có một khung quy định làm việc cho tất cả các lãnh sự VN, không chỉ tại Ba Lan. Ngoài ra là trách nhiệm của 'cặp đôi hoàn hảo Lãnh sự-Đại sứ quán…," ông Tưởng nói.

Cuộc biểu tình đã bắt đầu lúc 14 giờ chiều giờ Warsaw như dự kiến với các khách mời lên kể lại những nỗi khốn khổ của họ bởi nạn lạm thu, thậm chí "bị hạ nhục" bởi ông Nguyễn Minh Quế.

Một người đàn ông kể vợ ông đã khóc khi bị ông Quế "đuổi về Ukraine mà làm giấy tờ" dù họ chạy trốn chiến tranh, cái chết để sang Ba Lan.

Nhưng có người cũng kể lại chuyện bị ép trả thêm tiền giấy tờ từ một lãnh sự nhiệm kỳ trước.

Các khách đều là những người lao động, sống ở Ba Lan hoặc từ Ukraine chạy sang tị nạn. Họ lên tiếng yêu cầu Đại Sứ quán VN tại Ba Lan giải trình về các hành vi trên của quan chức và thay đổi toàn bộ cung cách làm việc.

Một người nữa phát biểu, yêu cầu ĐSQ VN ở Ba Lan công khai tất cả các hóa đơn đã thu tiền, mà đến nay không hề ghi số tiền, tên người nhận, chỉ ghi "đã thu tiền", và hỏi các khoản tiền của Nhà nước VN đó, đã đi đâu.

Trong văn bản công bố trên trang của ĐSQ VN tại Ba Lan, nhà chức trách VN đã đăng một loạt địa chỉ email để công chúng có thể gửi đơn tố cáo.

Ban tổ chức cuộc biểu tình -được cảnh sát Ba Lan bảo vệ - kêu gọi người dân ghi và ký đơn tố cáo, gửi về Bộ Công an VN.

Dư luận và báo chí Ba Lan

Truyền thông Ba Lan và một số nhân sĩ, trí thức Ba Lan đã biết về vụ việc và lên tiếng.

Nhật báo lớn Wyborcza hôm 11/03 có bài của phóng viên Aleksander Slawinski đặt câu hỏi 'Có không tham nhũng và vòi tiền trong Đại sứ quán? Người VN tại Warsaw tuyên bố sẽ biểu tình. (Korupcja i wyłudzenia w ambasadzie? Wietnamczycy z Warszawy zapowiadają protest -10/03/2023).

Các nhà báo, biên tập viên nổi tiếng ở Ba Lan như Piotr Stasinski, Anna Kalita đều đã lên tiếng ủng hộ hoạt động của các nhà vận động cho cuộc biểu tình.

TS Ewa Grabowska, một tác giả từng ra sách về văn hóa và sinh hoạt của người VN tại Ba Lan, viết bằng tiếng Việt trên Facebook:

"Tôi là người Ba Lan 100% nhưng hoạt đồng trong cộng đồng hơn 20 năm rồi cho nên mình cũng là một phần của cộng đồng. Những ai mà quen biết tôi, thân thiết với tôi biết rằng tôi không chấp nhận bão lực, lạm dụng v.v... Tôi cũng không thể đồng ý được với việc sự dụng quyền lực để thỏa mãn lợi ích của bản thân mình và đông thời gây thiệt hại cho người khác.." Bà Grabowska nói bà ủng hộ việc biểu tình phản đối "như một nỗ lực để tìm kiếm sự hiểu biết, một nỗ lực để thương lượng cách đối xử đàng hoàng. Nếu tôi hiểu đúng thì việc này cũng là luật nhân quả".

Nữ tiến sĩ người Ba Lan kết luận:

"Cần có sự khôn ngoan của những người nắm quyền để hiểu được những trải nghiệm bị tổn hại. Cần có những người đó sẵn sàng thừa nhận sai lầm của mình và sẵn sàng thay đổi."

3 Vu Lam Thu O Dsq Vn Tai Ba Lan Dan Bieu Tinh Du Lanh Su Nguyen Minh Que Da Bi Bai Nhiem

NGUỒN HÌNH ẢNH,VO VAN LONG

Nhiều trẻ em gốc Việt đã ra đời ở Ba Lan, nơi cha mẹ các em sinh sống, làm ăn - ảnh của Võ Văn Long từ Warsaw. Gần đây, việc làm giấy tờ cho các em như giấy khai sinh, hộ chiếu VN bị cho là gặp khó khăn vì nạn lạm thu, bắt nạt ở ĐSQ VN tại Warsaw

Nguồn: BBC tiếng Việt

Bài liên quan