Gần 20 năm sinh sống và làm việc tại Kharkov, Ukraine, cuối cùng anh Minh Hoàng buộc phải trở về Việt Nam khi chiến sự nổ ra. Bạn bè, người quen, người chọn về quê hương, người ở lại Châu Âu, nơi đâu người Việt cũng vẫn đang phải vật lộn để thích nghi với cuộc sống mới. Anh chia sẻ trong bài viết gửi Dân Việt.
Đúng một năm trước, chiến tranh nổ ra. Cũng như người dân Ukraine, người Việt cũng lên đường chạy tị nạn. Bất ngờ. Vội vã. Chúng tôi bỏ lại nhà cửa, tài sản, cửa hàng, xe cộ. Nhiều gia đình vội vã ra đi thậm chí chỉ kịp đem theo chút tiền mặt ít ỏi.
Quan sát những người quen và cộng đồng, đại bộ phận bà con tạm lánh nạn sang Ba Lan - sát biên giới phía Tây với Ukraine, hay Đức- quốc gia phát triển nhất trong khối EU, mức trợ cấp xã hội cho người tị nạn cao. Bước đầu các nước EU cấp nhà ở xã hội miễn phí trong khả năng cho tất cả mọi người tị nạn, ưu tiên trước cho các gia đình có trẻ nhỏ.
Các gia đình chưa được nhận nhà thì được bố trí ở tại các trại tị nạn với điều kiện sinh hoạt chấp nhận được, nhà nào may mắn thậm chí còn được bố trí ở trong các khách sạn do chính phủ thuê. Tại Đức, tùy theo điều kiện từng bang, mỗi người được trợ cấp sinh hoạt hàng tháng khoảng 200 - 300 euro.
Một năm trước, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và Nga cũng như các nước lân cận đã tổ chức sơ tán, đưa đón người Việt khỏi các vùng chiến sự ở Ukraine. Ảnh: BNG.
Việc trợ cấp và cấp nhà ở chỉ cho những người có hộ chiếu Ukraine hoặc ít nhất có thẻ định cư ở Ukraine, cũng ưu tiên những người có thẻ định cư đồng thời có con nhỏ mang hộ chiếu Ukraine. Tất nhiên do phải tiếp nhận lượng người di tản khổng lồ, đất chật, người đông, không phải gia đình nào cũng có thể được cấp ngay nhà ở, cũng còn phụ thuộc vào quỹ nhà ở của từng bang, từng nước. Đến thời điểm đầu 2023 này, sau 1 năm di tản, phiêu bạt xứ người, vẫn còn nhiều gia đình chưa tìm được nhà ở, vẫn đang sống ở trại tị nạn, nhiều người chưa được nhận thẻ định cư, cứ sau 3-6 tháng lại phải đi gia hạn giấy tờ.
Có điều may mắn là trẻ em các bậc tiểu học và trung học được nhận vào học tại các trường mà không cần bất cứ giấy tờ, học bạ gì. Điều này tôi sẽ nói thêm ở dưới để hiểu thế nào là may mắn.
Phải nói rằng Chính phủ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine và Nga đã hết sức tích cực trong việc tổ chức sơ tán bà con ra khỏi vùng chiến sự. Một bộ phận bà con sau khi sang Châu Âu đã trở về Việt Nam theo các chuyến bay giải cứu. Nhưng thực sự, về đây, nhiều người đã gặp khó.
Tôi có một anh bạn may mắn công việc không bị xáo trộn nhiều, gần như chỉ thay đổi địa điểm làm việc từ Ukraine về Việt Nam. Nhưng những người như thế là vô cùng ít. Chứng kiến những gì nhiều người quen của mình đang trải qua, tôi nghĩ, rất nên có một quỹ hỗ trợ đặc biệt cho đồng bào gặp khó khăn do chiến tranh, loạn lạc trở về, hoặc có những chính sách nhất quán giúp họ tạo việc làm, tái định cư, hòa nhập tốt hơn.
Người Việt sơ tán khỏi Ukraine một năm trước. Ảnh: TTXVN.
Chúng tôi hiểu rằng được trở về với quê hương bản quán một cách an toàn là điều cực kỳ may mắn. Nhưng nhiều người đã không kịp mang theo một chút tài sản nào khi chạy loạn. Nhiều người trở về vẫn đang vật lộn để thích nghi với đời sống ở quê nhà, bằng nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của họ hàng, chòm xóm.
Thương nhất là bọn trẻ. Trẻ em từ Ukraine về Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi đi xin học vì không có hồ sơ giấy tờ. Tất cả các trường đều yêu cầu phải có hồ sợ, học bạ của các cháu. Thế nhưng trong lúc chạy nạn, nhiều gia đình giấy tờ thất lạc, chưa kể học bạ của con em còn lưu ở trường tại Ukraine không ai rút được. Ban đầu chỉ có một số cháu được nhận vào học tại các trường tư, tất nhiên gia đình phải nhờ cậy đủ các mối quan hệ có thể. Mãi nửa năm sau, nhờ sự can thiệp của các cơ quan quản lý thuộc Bộ Ngoại giao mà các cháu nhỏ cũng tạm thời được nhận vào học tại các trường bình thường, với điều kiện bổ sung học bạ sau này.
Chứng kiến những gì nhiều người quen của mình đang trải qua, tôi nghĩ, rất nên có một quỹ hỗ trợ đặc biệt cho đồng bào gặp khó khăn do chiến tranh, loạn lạc trở về, hoặc có những chính sách nhất quán giúp họ tạo việc làm, tái định cư, hòa nhập tốt hơn.
Xin học là một chuyện, còn hòa nhập lại là chuyện khác nữa. Các cháu nhỏ ban đầu chưa quen khí hậu nóng, ẩm, bụi bặm tại Việt Nam, chưa nói thông thạo tiếng Việt, chưa có bạn bè… cũng phải chịu nhiều tác động tâm lý, tình cảm.
Gia đình tôi đưa con nhỏ về, cháu không hòa nhập được do bất đồng ngôn ngữ, thêm thời tiết nắng nóng nên con tôi cả ngày chỉ ở trong phòng, không muốn ra ngoài đường, không giao tiếp với ai, cuối cùng lại phải tìm đường đưa cháu sang Đức đi học.
Không chỉ con trẻ, ngay đến nhiều người lớn, sau bao nhiêu năm sống và làm việc ở Ukraine, khi trở về Việt Nam còn khó hòa nhập. Một số người có tiền, góp vốn làm ăn, rồi lại thất bại vì thiếu kinh nghiệm, thậm chí bị lừa đảo. Một số người ít vốn, tự mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng không trụ được do không quen với môi trường kinh doanh tại Việt Nam, không cạnh tranh được.
Có những người trở về được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp trong nước, nhưng cũng chỉ dừng ở mức tạm ổn do đã có tuổi, sức ỳ lớn hơn, trình độ học vấn cũng có khoảng cách nhất định so với thế hệ trẻ được học hành, đào tạo bài bản trong nước hoặc du học ở nước ngoài về.
Cuộc sống khó khăn, không thu nhập, không có công ăn việc làm ổn định, mọi người đành khăn gói lên đường, rời bỏ quê hương! Đã có không ít người, bao gồm cả những người có tuổi tìm cách quay trở lại sang Đức và các nước châu Âu. Họ di chuyển theo lộ trình từ Việt Nam xin thị thực bay sang Moldova, sau đó đi ô tô theo đường bộ vào Ukraine. Sau khi đã có con dấu nhập cảnh vào Ukraine, họ lại tiếp tục sang châu Âu qua cửa khẩu biên giới với Ba Lan, Hungary, Rumani theo dạng dân tị nạn chiến tranh để được hưởng chế độ tị nạn. Cá biệt có một số người đã về Việt Nam từ 5, 10 năm trước cũng tận dụng dịp này để sang châu Âu. Tùy theo từng nước sẽ có chế độ cho người tị nạn từ Ukraine tạm trú 1- 2 năm, sau đó sẽ xem xét gia hạn tiếp hay không. Đến thời điểm hiện nay, dưới sức ép của các nước EU, chính phủ Moldova đã dừng cấp visa cho công dân Việt Nam, giấc mơ sang châu Âu tạm thời khép lại.
Tất nhiên cuộc sống tại châu Âu, đặc biệt như tại Đức cũng không hề dễ dàng gì, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, cường độ công việc cao, khác hẳn với cuộc sống có phần dễ dàng, thoải mái (dù thu nhập có thể không cao) tại Ukraine trước kia. Chỉ có bọn trẻ theo gia đình chạy sang Châu Âu có vẻ thuận lợi hơn, hy vọng sau một thời gian các cháu sẽ quen thuộc với văn hóa, ngôn ngữ và dần thích nghi với cuộc sống mới.
Cá biệt có một số gia đình quá chán nản với cảnh sống tị nạn, chờ đợi giấy tờ lâu nên đã liều quay về Ukraine sinh sống, buôn bán. Hiện nay tại Làng Thời đại, Kharkov có hàng chục người đã quay lại làm ăn, sinh sống nửa năm nay. Do thời chiến tranh, ít người buôn bán, hàng hóa khan hiếm nên họ vẫn có thu nhập tốt. Vì mưu sinh, họ đánh liều mạng sống với đạn bom, với những đợt còi báo động, chấp nhận cuộc sống thiếu thốn về điện nước, sưởi ấm.
Nhưng dù đang phiêu bạt nơi nào, ở Châu Âu hay ngay nơi mình sinh ra, những người Việt vốn từng chọn Ukraine như quê hương thứ hai, từng dành toàn bộ vốn liếng để định cư lâu dài ở đất nước này, giờ chỉ có chung một tâm nguyện: Chiến sự kết thúc để có thể trở về Ukraine, tìm lại nhà cửa, gầy dựng lại tài sản, cuộc sống.
Có những gia đình người Việt quá chán nản với cảnh sống tị nạn nên đã liều quay về Ukraine sinh sống, buôn bán. Vì mưu sinh, họ đánh liều mạng sống với đạn bom, với những đợt còi báo động, chấp nhận cuộc sống thiếu thốn về điện nước, sưởi ấm.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT