Từ nhiều năm nay, khu trại tồi tàn ở miền Bắc nước Pháp là nơi tạm trú của 40-100 người Việt bị buôn lậu sang Anh, trong đó có nhiều trẻ em. Họ phải sống cơ cực và bị bóc lột.
Mimi Vu làm việc cho tổ chức chống buôn người Pacific Links Foundation và đã đến thăm khu trại 2 lần trong năm qua. Vu kể có 39 người – cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em – trong khu trại khi bà đến thăm hồi tháng 5.
Khu nhà ở tại Vietnam City. Ảnh: Pacific Links Foundation.
“Mọi người trong trại đều có ý định làm việc tại các tiệm nail ở Anh, dù không ai có kinh nghiệm hay được đào tạo cho công việc này”, Vu viết trong một báo cáo. Người ta nói với những người Việt này rằng việc đàn ông làm nail là chuyện bình thường ở Anh và phương Tây và rằng “phụ nữ ở đó thích đàn ông phục vụ”.
“Chúng tôi cố gắng (nhẹ nhàng) thay đổi những suy nghĩ này”, bà viết, nhưng chỉ nhận lại sự hoài nghi. Mọi người trong khu trại đều cho rằng họ sẽ dễ dàng tìm được việc làm tại Anh. Không ai muốn ở lại Pháp.
Theo Vu, một số “cư dân” Vietnam City cũng biết về vấn nạn bóc lột trong các trang trại cần sa của Anh, nhưng họ không tin điều đó sẽ xảy ra với mình.
Mimi Vu tin rằng khu trại được tiếp tục tồn tại lay lắt như vậy bởi những người ở đây không tìm kiếm việc làm tại Pháp và không phải là gánh nặng cho địa phương. Tất cả bọn họ đều chỉ cư trú tạm bợ cho đến khi lên được xe tải và đến Anh. Hầu hết chỉ ở trong trại từ 1 tuần đến 2 tháng.
Sự cư trú của những người Việt Nam ở khu trại đều chỉ là tạm thời trong khi chờ được đến Anh. Ảnh: Pacific Links Foundation.
Nghiên cứu gần đây do tổ chức từ thiện France Terre d’Asile công bố cho thấy phần lớn người di cư trong trại đến từ những vùng nông thôn nghèo Việt Nam, nơi thu nhập trung bình cho các công việc đồng áng rơi vào khoảng hơn 116 USD/tháng.
Một số người thậm chí đã trả tới hơn 45.500 USD cho các công ty môi giới để được đưa sang Anh làm việc. Số khác thì bị lừa đưa vào những đường dây bóc lột, với lời hứa hẹn sẽ có công việc hợp pháp ở Anh.
Các tình nguyện viên địa phương cho biết văn phòng thị trưởng Angres đã lên kế hoạch phá hủy các tòa nhà không an toàn vào cuối tháng này. Họ lo ngại về nơi nương thân cho những người di cư trong trại.
Một phát ngôn viên của Hiệp hội quốc gia ngăn ngừa nạn ngược đãi trẻ em của Anh mô tả tình trạng khu trại là “không có kiểm soát và nguy hiểm”.
“Trẻ em Việt Nam bị buôn bán sang Anh là mối quan tâm lớn thường trực, chúng ta phải bảo vệ những đối tượng nằm trong tầm ngắm của những đường dây buôn người”, ông nhận định. “Cần có những phương tiện tại chỗ để ngăn những người trẻ rơi vào tay kẻ xấu, thường lừa dối họ bằng lời hứa về cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Nguồn: Hoa Hạ/ Theo Guardian/ Zing