Những khoản thu đầu năm học như mua máy tính, vận động xây nhà vệ sinh... cùng nhiều khoản khác khiến phụ huynh "tâm trạng bất ổn, đứng ngồi không yên" khi mỗi năm học mới bắt đầu.
Lời tòa soạn: Năm học mới 2023-2024 bắt đầu, trên khắp các trang mạng xã hội, diễn đàn là những chia sẻ của phụ huynh về các khoản thu đầu năm, không ít trong số phụ huynh này thể hiện sự bức xúc vì các khoản thu "trên trời".
Các trường công khai khoản thu nhưng mập mờ các khoản khiến dễ xảy ra tình trạng lạm thu trong trường học, trong đó, có nhiều khoản mang danh nghĩa tự nguyện, xã hội hóa… Những câu chuyện này không mới, xảy ra ở khắp nơi, từ thành phố tới nông thôn, vùng sâu vùng xa, và điển hình là vụ lạm thu ở Trường THPT Thanh Miện III, Hải Dương mà báo Dân Việt đã phản ánh vừa qua.
Phụ huynh chia sẻ gì về những khoản thu đầu năm học không rõ ràng khiến họ bức xúc? "Chiêu trò" lạm thu của các trường như thế nào, khoản thu nào bắt buộc và khoản thu nào tự nguyện, giải pháp cho tình trạng lạm thu ra sao? Loạt bài của báo Dân Việt mang tên "Loạn thu các khoản đầu năm học" với tiếng nói của những "người trong cuộc" và ý kiến các chuyên gia, ban, ngành... phần nào sẽ làm rõ vấn đề này. Kính mời bạn đọc theo dõi!
Phụ huynh bức xúc các khoản thu đầu năm học
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Lê Lan Anh, một phụ huynh ở Hải Dương vừa băn khoăn vừa bức xúc xin tư vấn về khoản thu đầu năm học cho con mới bước vào lớp 6.
Theo chia sẻ của phụ huynh này, bước vào năm học mới, giáo viên chủ nhiệm lớp đã thông báo tổ chức họp phụ huynh. Sau phần chia sẻ của cô giáo về trường, lớp, kế hoạch năm học là đến phần họp của cha mẹ học sinh.
"Do con học đầu cấp nên sẽ có rất nhiều khoản cần phải đóng để trang bị cho lớp. Con học lớp 6 nên tôi cũng đã hiểu và chuẩn bị tinh thần cần phải đóng những khoản gì. Tuy nhiên, sau khi ghi chép lại tôi khá sốc", chị Lan Anh cho hay.
20 khoản thu đầu năm trong đó có việc vận động mua máy tính cho giáo viên. Ảnh: NVCC
Theo danh sách phụ huynh này cung cấp, tiền học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, gửi xe, nước uống… là những khoản cố định không thay đổi. Tuy nhiên, còn nhiều khoản khác tổng cộng chị Lan Anh phải đóng lên tới hơn 5,5 triệu đồng.
"Dịch vụ tin nhắn mỗi phụ huynh mất 60.000 đồng mặc dù phụ huynh và giáo viên chỉ trao đổi qua zalo, tiền vệ sinh 90.000 đồng, thẻ học sinh 30.000 đồng, ghế ngồi 20.000 đồng, quỹ phụ huynh 150.000 đồng, quỹ lớp 200.000 đồng, mua quạt 250.000 đồng, tổ chức trung thu 100.000 đồng...
Năm nay nhà trường vận động xây nhà vệ sinh nên kêu gọi mỗi phụ huynh ủng hộ 400.000 đồng. Ngoài ra, phụ huynh phải đóng cả tiền mua máy tính cho giáo viên 200.000 đồng. Tôi không biết các nơi có phải mua máy tính cho giáo viên dạy học không. Việc thu này có đúng quy định không. Không chỉ là đứa lớn mà ngay cả đứa nhỏ năm nay vào lớp 1 tôi nghe các phụ huynh trao đổi lại cũng phải mua máy tính cho giáo viên. Nghĩa là tôi phải đóng tiền cho 2 lớp để mua máy tính cho 2 giáo viên sử dụng. Tôi suýt ngất khi nghe tin này.
Tôi có 2 con đi học trường bình thường ở tỉnh lẻ thôi mà đầu năm sơ sơ đã mất 15 triệu đồng rồi. Một con số quá lớn với những gia đình có hoàn cảnh trung bình như tôi. Từ ngày con vào năm học tôi liên tục phải uống thuốc đau đầu vì xoay một khoản lớn đó không phải dễ dàng", chị Lan Anh trao đổi.
Khoản thu đầu năm học luôn là chủ đề nóng mỗi dịp năm học mới. Nhiều phụ huynh bày tỏ bức xúc với những khoản thu vô lý, phải dùng từ "lạm thu" ở một số các lớp, các trường. Mới đây, phụ huynh Trường THPT Thanh Miện 3, Hải Dương cũng đã gây xôn xao dư luận sau khi chia sẻ danh sách các khoản phải đóng đầu năm học lên tới hơn 8,7 triệu đồng.
Khoản thu tại Trường THPT Thanh Miện 3, Hải Dương. Ảnh: CMH
Ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND tỉnh Hải Dương giao Sở GDĐT, UBND cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" trong các trường; chỉ đạo và quán triệt các cơ sở giáo dục thực hiện việc vận động, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ theo đúng các quy định hiện hành.
Một trường hợp khác là phụ huynh ở Thái Bình phản ánh về việc phải đóng số tiền 700.000 đồng cho việc "phát triển nhà trường" hay phụ huynh có con học một trường THPT ở TP.HCM thì bức xúc "tố" trường bắt phải mua đồng phục từ quần áo đến cả balo. Nhân viên hướng dẫn học sinh mua các loại đồng phục và nói rõ không đeo (balo đồng phục) bảo vệ không cho vào cổng trường...
"Tôi nghĩ nhiều phụ huynh cũng như tôi, đều chóng mặt các khoản thu đầu năm học, không biết khoản nào với khoản nào, không biết năm nay sẽ phải đóng thêm gì và không biết mình cần phải chuẩn bị bao nhiêu tiền. Sau khi thu xong các khoản, phụ huynh lớp con tôi lại hô hào nhau làm thêm áo đồng phục của lớp dù đã có rất nhiều bộ đồng phục mùa đông, mùa hè, mùa thu của trường. Thực sự mọi khoản dồn dập vào đầu năm gây khó cho phụ huynh", chị Nguyễn Mai Lan, phụ huynh ở Hà Nội bày tỏ.
Vẫn còn tình trạng loạn thu ở các trường
Liên quan đến việc phải đóng tiền để hội phụ huynh mua máy tính cho giáo viên sử dụng, thầy Hoàng Hoài Nam, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, Hà Nội nêu quan điểm: "Máy tính là giáo cụ của giáo viên. Thầy cô phải tự trang bị giống như mua xe đi làm, cặp sách để đựng... Trong thông tư 55 của Bộ GDĐT nêu rõ, quỹ hội phụ huynh không được chi để mua máy móc, thiết bị. Như vậy, việc huy động tiền phụ huynh để mua máy tính cho giáo viên là không được phép.
Ngoài ra, khoản xã hội hóa phải được xem là hoàn toàn tự nguyện do các mạnh thường quân đóng góp. Nếu bổ đầu theo kiểu bình quân cho mỗi phụ huynh là vi phạm nguyên tắc tự nguyện, là sai quy định".
Cô Bùi Mai Hồng, giáo viên tiểu học quận Đống Đa, Hà Nội cũng cho rằng: "Máy tính là giáo cụ cần thiết và cần có của mỗi giáo viên. Tuy nhiên, để phụ huynh góp tiền mua máy tính cho giáo viên thì tôi chưa thấy.
Trường tôi từ lâu đã sắm máy tính bàn cho giáo viên nào cần sẽ sử dụng. Hầu như các giáo viên đều chủ động mua cho mình laptop để thuận lợi hơn. Giáo viên nên tự sắm cho mình máy tính, không nên ỷ lại vào phụ huynh mua vì vừa thụ động vừa gây ức chế cho cha mẹ học sinh".
Một buổi họp phụ huynh tại Hà Nội. Ảnh: Tào Nga
Nói chung về các khoản thu đầu năm, chia sẻ với Dân Việt, luật sư Nông Minh Chiến, Đoàn Luật sư Hà Nội, Bộ GDĐT đã có quy định liên quan về những khoản nhà trường được phép thu, đồng thời tại mỗi địa phương. UBND tỉnh, thành phố cũng có quy định định chi tiết về việc này với một số khoản thu, do đó, trách nhiệm chính trong việc để xảy ra tình trạng lạm thu sẽ thuộc về nhà trường.
"Nhà trường sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng khi thu các khoản trái quy định của cấp có thẩm quyền. Còn với cán bộ nhà trường sẽ có thể bị xử lý hình sự khi đưa ra mức đóng góp vào khoản nào đó nhưng sử dụng vào mục đích cá nhân hoặc chiếm đoạt", ông Chiến nói.
Theo luật sư Chiến, mặc dù quy định xử lý đã có, nhưng để tránh tình trạng lạm thu tiếp tục tiếp diễn thì các cơ quan có thẩm quyền cần tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe, do mức xử phạt trên còn tương đối thấp. Đồng thời, cần xây dựng kênh phản hồi công khai để nếu xảy ra tình trạng lạm thu ở trường nào, cấp nào, phụ huynh, giáo viên có thể phản ánh trực tiếp kèm theo bằng chứng.
Các phụ huynh cũng cần quyết liệt hơn, thẳng thắn hơn yêu cầu cơ chế tài chính chặt chẽ, hóa đơn chứng từ nghiêm túc khi lớp mua sắm bất kỳ trang thiết bị nào trên 1 triệu đồng, đây cũng là cách ngăn lạm thu.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT