Theo quan niệm, vào ngày này người dân sẽ làm lễ cúng tết Đoan ngọ với mong muốn tiêu diệt các loài sâu bọ gây hại cho cây trồng, mong cho mùa màng bội thu.
Tết Đoan ngọ hay còn gọi là tết Diệt sâu bọ, là một ngày khá quan trọng trong phong tục của người Việt. Tết Đoan ngọ năm 2024 rơi vào thứ 2 ngày 5/5/2024 âm lịch (tức ngày 10/6/2024 dương lịch).
Theo quan niệm, vào ngày này người dân sẽ làm lễ cúng tết Đoan ngọ với mong muốn tiêu diệt các loài sâu bọ gây hại cho cây trồng, mong cho mùa màng bội thu.
Tuy nhiên, có những việc nên và không nên làm trong ngày này để mang lại tài lộc cũng như may mắn cho gia chủ.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà gợi ý những việc nên và không nên làm trong ngày tết Đoan ngọ.
Ảnh Vũ Thanh Hoan
Những việc nên làm trong tết Đoan ngọ
Thực hiện nghi thức diệt sâu bọ Người xưa quan niệm trong cơ thể con người, nhất là bộ phận tiêu hóa thường có sâu bọ ẩn sống, nếu không diệt trừ sẽ gây hại cho cơ thể. Lũ sâu bọ này chỉ lộ diện vào ngày 5/5 âm lịch nên phải làm lễ diệt trừ chúng vào ngày này.
Theo quan niệm cổ truyền, có thể diệt sâu bọ bằng cách ăn thức ăn, hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5. Người miền Bắc thường diệt sâu bọ ngay khi thức dậy vào sáng sớm và diệt sâu bọ bằng thức ăn, nhất là bằng rượu nếp, bánh tro, hoa quả…
Với trẻ em: Sáng sớm ngủ dậy khi trẻ còn ở trên giường, cho trẻ ăn hoa quả, ít rượu nếp, trứng luộc, sau đó mới đi đánh răng rửa mặt, rửa chân tay.
Với người lớn: Sáng ngủ dậy phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, tiếp đó ăn một quả trứng vịt luộc, uống một ít rượu (hoặc ăn một bát rượu nếp) cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.
Tắm nước lá từ thiên nhiên
Một số người chọn cách tắm nước lá từ thiên nhiên vào ngày 5/5 để diệt sâu bọ. Việc này thực hiện sau khi đã ăn rượu nếp. Các loại lá như: lá mùi, tía tô, kinh giới, lá tre... sẽ được đun lên, để nguội rồi dùng để tắm. Người xưa cho rằng tắm lá mùi để mồ hôi toát ra, có cảm giác khoan khoái dễ chịu, thơm tho làm cho con người phấn chấn.
Gội đầu, xông lá thơm
Tết Đoan ngọ là ngày hè nên thời tiết khá oi bức. Người già, trẻ thường đun các loại lá như bưởi, mùi, tía tô, kinh giới, sả, tre... để tắm, xông phòng bệnh cảm mạo. Đặc biệt, phụ nữ còn gội đầu, mong muốn có một mái tóc đen, mượt, dài.
Những kiêng kỵ trong ngày tết Đoan ngọ
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, một số việc cần kiêng kỵ trong ngày tết Đoan ngọ như sau.
Kiêng vứt giày dép lộn xộn
Trong tiếng Hán, giày dép đồng âm với từ “tà”, nghĩa là tà khí. Trong ngày thường và đặc biệt là ngày tết Đoan ngọ, để giày dép không đúng, vứt lộn xộn dễ chiêu dụ tà khí.
Không mua vật phẩm có hình thù kỳ quái
Trong ngày này, nếu gia chủ đi đâu xa, tránh mua những vật phẩm có hình thù kì quái, không rõ nguồn gốc. Việc này sẽ giúp bạn tránh rước thêm tà khí về nhà.
Tránh dừng chân ở nơi âm u
Nếu xuất hành trong ngày này nên tránh xa bệnh viện, đám ma, những nơi âm u... vì những nơi này âm khí quá nặng, dễ chiêu bệnh tật, tà khí.
Tránh để rơi tiền
Rơi tiền, bạc trong ngày này tức là rơi mất tài lộc của gia đình bạn. Vì vậy dù đi đâu, bạn hãy giữ ví tiền thật cẩn thận, không nên lơ là.
Tránh ăn uống linh tinh trước ngày cúng
Trước ngày cúng tết Đoan ngọ, tính từ ngày mùng 4/5 âm lịch, ai là người đứng chủ lễ thắp hương cúng cần giữ thân thể sạch sẽ, không ăn các động vật như: cá chép, thịt chó, thịt rắn, thịt mèo, ba ba, rùa, tiết canh ba ba, rượu rắn, rượu cao hổ cốt, mắm tôm, mắm tép...
Khi làm lễ cúng tết Đoan ngọ cần ăn mặc kín đáo, chỉnh tề, hạn chế sử dụng điện thoại khi đang cúng lễ, không nói tục chửi bậy khi ở nơi cúng lễ.
Theo Vietnamnet