Dù thích sự thoải mái và phóng khoáng, nhưng khi ăn theo quy tắc phù hợp, chúng ta không chỉ thanh lịch trong trải nghiệm ăn uống mà còn giúp người bên cạnh dễ chịu.
Không cắt sẵn thức ăn thành từng miếng
Nếu đang ăn một miếng thịt vừa nấu, ăn đến đâu cắt đến đó sẽ giúp phần còn lại ấm. Hơn nữa, dừng lại cắt thức ăn trong bữa sẽ cho bạn thời gian tương tác với người xung quanh nhiều hơn.
Khi những người thân chia sẻ câu chuyện, hãy dành thời gian để vừa cắt thức ăn vừa lắng nghe. Ngoài ra, cắt thức ăn dần dần sẽ cho bạn quãng nghĩ, giúp đánh giá mức độ no của mình chính xác hơn.
Kiềm chế cắt trước toàn bộ thịt giúp bạn không ăn quá nhiều và chậm rãi cảm nhận từng chút mùi vị của món ăn.
Chuyển đĩa sang bên phải
Nguyên tắc chung là chuyển đồ ăn sang bên phải. Nguồn gốc của quy ước này là do hầu hết mọi người thích cầm đĩa bằng tay trái, cho phép họ tự phục vụ bằng tay phải.
Dù cách thức trên không phù hợp với người thuận tay trái, nhưng vẫn là chuẩn mực truyền thống.
Ảnh minh họa: Shutterstock
Biết làm gì với khăn ăn của bạn
Có rất nhiều quy tắc khi sử dụng khăn ăn ở các nhà hàng. Tuy nhiên, bạn chỉ cần nắm những điều cơ bản: mở khăn ăn ra, đặt nhẹ nhàng lên đùi khi ngồi. Nếu cần sử dụng khăn ăn trên mặt, hãy chấm nhẹ, không nên lau.
Khi cần đi vệ sinh giữa bữa ăn, hãy gấp khăn ăn nhẹ nhàng, để trên ghế. Lúc quay lại, bạn nên nhanh chóng đặt lại lên đùi. Kết thúc bữa ăn, hãy gấp nhẹ khăn và đặt lên bàn.
Ăn trước khi mọi người phục vụ
Quy tắc này thường được biết đến rộng rãi, nhưng nó có thể trở nên phức tạp hơn một chút khi ăn tối với một nhóm người, đặc biệt là nếu món khai vị đến vào những thời điểm khác nhau.
Theo nguyên tắc của phép xã giao phải đợi cho đến khi tất cả được phục vụ. Tuy nhiên, thường thì chủ bữa tiệc sẽ không muốn để khách phải chờ đợi, sợ thức ăn nguội. Vì vậy, khi họ thúc giục, bạn có thể ăn, cùng thời điểm với các khách khác.
Để điện thoại trong túi quần
Bàn ăn không phải nơi để nhắn tin hay lướt web. Dù thỉnh thoảng sử dụng điện thoại có thể được chấp nhận, nhưng nhìn chung, việc ưu tiên màn hình hơn những người ăn cùng là hành vi khiếm nhã.
Ăn uống không chỉ là cơ hội quý để nuôi dưỡng cơ thể mà còn là cơ hội để kết nối với những người thân. Dù bạn đang hẹn hò hay gặp lại bạn cũ, bản chất của ăn uống nằm ở việc hoàn toàn hiện diện với người xung quanh.
Trong thế giới công nghệ ngày nay, sức hấp dẫn của điện thoại thông minh là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cả phép lịch sự và sức khỏe tinh thần đều không khuyến khích sử dụng điện thoại trong bữa ăn.
Đưa cả muối và hạt tiêu
Một quy tắc ứng xử lâu dài nhưng thường bị bỏ qua là luôn luôn chuyền muối và hạt tiêu cùng nhau. Hãy coi chúng như một cặp đôi không thể tách rời.
Thực hành này không chỉ là truyền thống mà còn là một cử chỉ lịch sự. Bởi truyền cả hai loại gia vị cùng nhau, bạn sẽ đáp ứng trước bất kỳ mong muốn tiềm ẩn nào về hạt tiêu sau khi yêu cầu muối.
Đừng thổi súp
Khi thưởng thức súp, hãy chọn cách nhấp từng ngụm nhẹ nhàng từ cạnh thìa đừng húp sùm sụp. Đến những bữa tiệc đòi hỏi sự trang trọng, bạn cũng hãy tránh nhúng bánh mì vào súp để không làm bẩn. Nên cắn một miếng bánh mì sau khi nhấp một ngụm súp từ thìa.
Nếm thử mới cho thêm gia vị
Dù thỉnh thoảng bạn có thể nêm muối vào món ăn trước khi nếm thử, nhưng theo phép xã giao nên nếm thử món ăn trước để xác định mức độ đậm nhạt.
Đây là một cử chỉ đơn giản nhưng thể hiện sự tôn trọng đối với cả chuyên môn của đầu bếp và trải nghiệm ẩm thực nói chung.
Gọi món thận trọng
Khi được chiêu đãi một bữa ăn ngon, tránh gọi món đắt nhất trong thực đơn để thể hiện sự tôn trọng và biết ơn với chủ nhà.
Khi bữa ăn diễn ra, người phục vụ hỏi về đồ uống hoặc món tráng miệng bổ sung, bạn nên lịch sự chiều theo sở thích của chủ nhà.
Tuy nhiên, nếu chủ nhà khuyến khích gọi bất cứ món gì bạn muốn, có thể là để ăn mừng sinh nhật hoặc thành tích quan trọng, bạn được tự do lựa chọn.
Tất nhiên, bạn vẫn phải chú ý đến thái độ của chủ nhà và hỏi về món họ định gọi trước khi gọi món của bạn. Điều này đảm bảo lựa chọn của bạn phù hợp với bầu không khí chung và kỳ vọng của trải nghiệm ăn uống.
Đặt dao nĩa phù hợp khi ăn xong
Xem đĩa của bạn là đồng hồ: Đặt tay cầm của nĩa và dao ở vị trí 4 giờ, răng hoặc lưỡi dao tạo thành góc chéo ở vị trí 10 giờ.
Ở Châu Âu, thông thường người ta sẽ lật nĩa xuống. Ở Mỹ, nĩa phải hướng lên trên. Dù thông lệ này không còn phổ biến, nhưng đây vẫn là cách hiểu chung để báo hiệu với nhân viên phục vụ rằng bạn ăn xong bữa.
Hãy chú ý đến tốc độ của những người ăn cùng và đợi cho đến khi hầu hết mọi người ăn xong rồi mới sắp xếp dao kéo theo cách này, như một dấu hiệu của sự tôn trọng.
Cẩn thận khi đóng gói mang về
Các nhà hàng thường đóng gói thức ăn chưa ăn hết để bạn mang về nhà. Điều này bình thường, nhưng quan trọng là không tạo ấn tượng rằng bạn đang tận dụng thức ăn thừa miễn phí. Ví dụ, cố tình gọi quá nhiều món trong bữa trưa công ty để tối không phải mua đồ ăn.
Mang đồ thừa về hay không còn phụ thuộc vào mối quan hệ của bạn với chủ nhà. Theo nguyên tắc chung, bạn nên lưu ý đến các tín hiệu và sở thích của chủ nhà để đảm bảo không vô tình vượt quá bất kỳ ranh giới nào.
Bày tỏ lòng biết ơn
Dù một người bạn mời bạn ăn tối, sếp mời bạn ăn trưa, hay đối tác chuẩn bị một bữa ăn cho bạn, đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của việc bày tỏ lòng biết ơn.
Trong mối quan hệ thân thiết, một lời cảm ơn bằng lời khi bữa ăn kết thúc là đủ. Tuy nhiên, nếu ai đó đã chào đón bạn đến nhà, hãy gửi thiệp cảm ơn viết tay hoặc mang hoa đến.
Nếu vợ/chồng hoặc cha mẹ bạn chuẩn bị bữa tối cho bạn vào các ngày trong tuần, hãy tỏ lòng biết ơn bằng cách giúp rửa bát và dọn dẹp.
Nhật Minh (Theo foodrepublic)
Nguồn: VNEXPRESS.NET