Nhiều bậc cha mẹ cho con em của mình tiếp xúc với smartphone và máy tính bảng từ sớm, xem đây như thiết bị để trẻ giải trí. Tuy nhiên, điều này có thể gây nên tác hại rất lớn về tâm lý của trẻ.
Ảnh hưởng xấu đến tâm lý
Hình ảnh những đứa trẻ dán chặt mắt vào màn hình smartphone hay máy tính bảng đã trở nên rất quen thuộc trong thời đại công nghệ ngày nay. Nhiều phụ huynh cho con, em của mình sử dụng smartphone hoặc máy tính bảng từ rất sớm, thậm chí xem những thiết bị này như món đồ chơi để trẻ chịu ngồi yên và không quậy phá.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy việc cho trẻ em tiếp xúc và sử dụng các thiết bị điện tử như smartphone, máy tính bảng từ sớm, đặc biệt ở độ tuổi bắt đầu biết đi đến khi hết mẫu giáo, sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ.
Hình ảnh những đứa trẻ dán mắt vào màn hình smartphone hay máy tính bảng đã trở nên rất quen thuộc trong thời đại ngày nay (Ảnh minh họa: Getty).
Một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học và tâm lý học Canada, dẫn đầu bởi Caroline Fitzpatrick, Giáo sư giáo dục học tại Đại học Sherbrooke, Canada, cho thấy việc sử dụng smartphone, máy tính bảng ở trẻ nhỏ có thể gây ra rối loạn khả năng kiểm soát cơn giận dữ và sự thất vọng, dẫn đến tăng các cơn bùng nổ cảm xúc ở trẻ nhỏ.
Giáo sư Fitzpatrick cho biết trẻ em trong những năm đầu đời vẫn đang trong quá trình phát triển kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, nhưng nếu cho trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ như máy tính bảng hay smartphone sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình này.
Trẻ sơ sinh thường có xu hướng khóc và la hét để bày tỏ cảm xúc. Nhưng khi năm tháng trôi qua, những đứa trẻ sẽ học cách kiểm soát biểu hiện của sự tức giận và thất vọng. Tuy nhiên, những đứa trẻ vẫn cần sự chú ý của cha mẹ để làm được điều đó.
Theo các nhà nghiên cứu, trẻ mới biết đi học cách điều chỉnh cảm xúc theo hai cách. Thứ nhất, cha mẹ có thể trực tiếp hướng dẫn để trẻ biết cách kiểm soát các cơn bùng nổ cảm xúc khi chúng xảy ra. Thứ hai, trẻ quan sát kỹ cha mẹ để có thể học cách người lớn điều chỉnh cảm xúc của chính họ.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều trẻ ở độ tuổi mới biết đi tương tác với màn hình thiết bị điện tử thay vì với bố mẹ của chúng, nhóm nghiên cứu của giáo sư Fitzpatrick cho biết.
"Theo một cuộc khảo sát ở Mỹ, hầu hết trẻ 4 tuổi đều sở hữu thiết bị di động riêng và nhờ "sự hỗ trợ của đại dịch", lượng thời gian trung bình của một đứa trẻ dành để nhìn chằm chằm vào các thiết bị này đã tăng từ mức trung bình 5 phút mỗi ngày vào năm 2020 lên 55 phút mỗi ngày vào năm 2022", nghiên cứu viết.
Trẻ nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo dành quá nhiều thời gian cho smartphone, máy tính bảng có thể không học được cách kiềm chế cảm xúc của mình (Ảnh minh họa: Adobe).
Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng cho thấy trẻ em mới biết đi sẽ dễ bùng nổ cảm xúc hơn nếu dành càng nhiều thời gian để nhìn vào màn hình các thiết bị điện tử.
Cụ thể, trẻ em từ 3,5 tuổi nếu tăng thêm một tiếng đồng hồ sử dụng smartphone hay máy tính bảng mỗi ngày sẽ làm gia tăng đáng kể mức độ tức giận hoặc thất vọng của đứa trẻ đó chỉ sau một năm.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng mức độ xáo trộn cảm xúc của trẻ sẽ tiếp tục tăng cao nếu chúng vẫn tiếp tục tăng thời gian tiếp xúc với màn hình smartphone và máy tính bảng cho đến năm 5,5 tuổi.
Cha mẹ cần làm gì?
"Kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng các thiết bị điện tử như smartphone và máy tính bảng lúc nhỏ tuổi có thể góp phần tạo ra một chu kỳ có hại cho việc điều chỉnh cảm xúc của trẻ nhỏ", nhóm nghiên cứu viết.
Đáng chú ý, theo các nhà nghiên cứu, nhiều phụ huynh thường xoa dịu những cơn giận dữ của trẻ bằng cách cho phép chúng tiếp tục sử dụng smartphone và máy tính bảng, điều này vô tình tạo nên một vòng lặp luẩn quẩn càng khiến cho trẻ "nghiện" các thiết bị điện tử và khó kiểm soát được cảm xúc của bản thân.
"Các bậc cha mẹ thường sử dụng smartphone, máy tính bảng như một công cụ làm dịu cơn giận dữ và giúp kiểm soát sự bùng nổ cảm xúc của trẻ, nhưng điều này tạo nên một vòng luẩn quẩn với cảm xúc của trẻ nhỏ", các nhà nghiên cứu cho biết.
Các bậc cha mẹ không nên để trẻ sử dụng smartphone, máy tính bảng một mình mà nên ở bên để giám sát và giới hạn thời gian sử dụng (Ảnh: iStock).
Vậy cha mẹ có thể làm gì để giảm bớt các cơn bùng nổ cảm xúc của trẻ nhỏ?
Các nhà nghiên cứu cho biết sự tương tác trực tiếp giữa cha mẹ và con cái luôn là giải pháp tối ưu nhất để giúp trẻ ở độ tuổi mới biết đi phát triển cảm xúc. Nếu cha mẹ bỏ qua sự tương tác mà giao phó hoàn toàn cho các thiết bị điện tử sẽ gây hại lâu dài cho trẻ.
"Khả năng kiềm chế các cơn bùng nổ cảm xúc và giận dữ của trẻ đóng một vai trò quan trọng trong việc học tập sớm và sức khỏe tâm thần trong tương lai của trẻ nhỏ", giáo sư Caroline Fitzpatrick chia sẻ.
Các nhà tâm lý học cho biết thêm trong trường hợp phụ huynh muốn để trẻ tiếp xúc với smartphone và máy tính bảng, hãy giới hạn thời gian cụ thể cho chúng sử dụng, chẳng hạn 20 phút sử dụng smartphone hoặc 15 phút sử dụng máy tính bảng mỗi ngày. Ngoài ra, không nên để trẻ tự sử dụng các thiết bị này mà luôn có người lớn ngồi bên để giám sát và cùng trẻ khám phá những nội dung hữu ích.
Theo MedicalExpress/NYP