ChatGPT, với hình tượng hóa trong các nhân vật khác nhau, xuất hiện trên màn hình lớn của nhà một nhà thờ Tin lành Saint Paul chật kín người ở Bavaria nước Đức hôm Thứ Sáu 9/6, dẫn dắt hơn 300 tín đồ trải qua 40 phút cầu nguyện, âm nhạc, thuyết pháp và ban phước lành. Theo AP đưa tin. Đây là do Jonas Simmerlein, một nhà thần học và triết học từ Đại học Vienna, triển khai một thử nghiệm về dịch vụ của nhà thờ.
AP tường thuật, có những đoạn như ChatGPT yêu cầu các tín hữu trong nhà thờ đứng dậy khỏi hàng ghế để cùng nhau ngợi khen Chúa, hoặc trong hình tượng một người đàn ông da đen có râu trên màn hình lớn thuyết giảng, v.v.
“Các bạn thân mến, thật vinh dự cho tôi khi được đứng đây và thuyết trình cho các bạn với tư cách là trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại đại hội Tin lành năm nay ở Đức,” hình tượng nói trên màn hình với khuôn mặt vô cảm và giọng đều đều, tất cả do máy tính AI tạo dựng ra.
Phần buổi lễ do AI chủ trì kéo dài 40 phút —bao gồm bài giảng, lời cầu nguyện, và âm nhạc— được tạo ra bởi ChatGPT cùng với Jonas Simmerlein, một nhà thần học và triết gia từ Đại học Vienna.
“Tôi đã nghĩ ra dịch vụ này, kỳ thực nói đúng hơn ấy là tôi đồng hành cùng nó,” học giả 29 tuổi ấy nói với AP, “bởi vì có thể nói rằng khoảng 98% [nội dung] là đến từ máy móc.”
Nhà thần học và triết học từ Đại học Vienna, ông Jonas Simmerlein. (Ảnh chụp màn hình video AP)
Buổi lễ nhà thờ với AI chủ trì là một trong hàng trăm sự kiện của một chương trình hội nghị lớn.
AP miêu tả rằng buổi lễ AI mang tính thực nghiệm đã thu hút được rất nhiều quan tâm, và đưa ra các tấm hình cho thấy những tín đồ Tin Lành từ thị trấn Nuremberg và Fuerth xếp hàng dài cả 1 tiếng đồng hồ trước khi buổi lễ bắt đầu ở nhà thờ với phong cách tân Gothic thế kỷ 19.
Còn bản thân hội nghị —Deutscher Evangelischer Kirchentag trong tiếng Đức— là một sự kiện diễn ra hai năm một lần vào mùa hè tại một địa điểm khác ở Đức và thu hút hàng chục ngàn tín đồ đến cầu nguyện, ca hát và thảo luận về đức tin của họ. Trong các chủ đề được thảo luận, thì diễn biến hiện tại ở thế giới, trong đó có sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI, cũng được đề cập đến.
“Tôi đã nói với AI rằng ‘Chúng tôi đang ở đại hội nhà thờ, bạn là một nhà thuyết giáo… một buổi lễ nhà thờ sẽ như thế nào?’”, anh Simmerlein kể về cách anh yêu cầu ChatGPT soạn nội dung. Anh cũng yêu cầu thêm các bài Thánh vịnh, cũng như những lời cầu nguyện và một ban phước lành vào đoạn cuối chương trình.
“Vậy đã kết thúc với một buổi lễ nhà thờ khá ổn định,” anh Simmerlein tỏ ra gần như ngạc nhiên trước thành công của thực nghiệm của mình.
Theo AP miêu tả, Heiderose Schmidt, 54 tuổi, làm việc trong lĩnh vực CNTT, cho biết bà rất hào hứng và tò mò khi dịch vụ này bắt đầu nhưng càng về sau, bà càng cảm thấy khó chịu.
“Không có trái tim và không có linh hồn,” bà nói. “Các avatar không thể hiện cảm xúc gì cả, không có ngôn ngữ cơ thể và nói quá nhanh và đều đều khiến tôi rất khó tập trung vào những gì họ nói.”
Anna Puzio, 28 tuổi, nhà nghiên cứu về đạo đức công nghệ từ Đại học Twente ở Hà Lan, cũng tham dự buổi lễ. Cô ấy nói rằng cô ấy nhìn thấy rất nhiều cơ hội trong việc sử dụng AI trong tôn giáo, nhưng cô cũng lưu ý rằng cũng có những nguy hại tiềm ẩn trong đó.
“Thách thức mà tôi thấy là AI [càng tỏ ra] giống con người và rất dễ bị nó đánh lừa,” cô nói. “Ngoài ra, chúng ta không chỉ có một quan điểm Kitô giáo.”
Trong cộng đồng tín hữu Kitô giáo, cũng có các dòng khác nhau với cách thức lý giải về đức tin khác nhau, và dường như AI vẫn hoàn toàn chưa thể nào đại biểu một cách công bằng cho hiện trạng xã hội này.
Thực tế ChatGPT hiện nay đang bị phê phán rất mạnh vì quá thiên vị cho cánh tả, một dòng tư tưởng ủng hộ cho những cải cách xa rời khỏi truyền thống. Trong khi đó, các niềm tin tôn giáo thường lài đòi hỏi sự bảo tồn truyền thống.
Đã từng có báo cáo hồi tháng 3 về một người cha của gia đình ở Bỉ đã tự sát sau khi chuyện trò và nhận lời ‘khích lệ’ từ trí tuệ nhân tạo.
Nhật Tân