Theo chuyên gia phân tích thị trường, 80% các startup năng lượng mới đã hoặc đang rời khỏi thị trường. Đây là tin xấu cho những người chơi gặp khó khăn như NIO - công ty từng được ca ngợi là “sát thủ Tesla của Trung Quốc” nhưng giờ gánh nợ 2 tỷ USD.
Thị trường xe điện Trung Quốc ngày càng trở nên khốc liệt.
Ngành công nghiệp xe điện bùng nổ ở Trung Quốc - được hậu thuẫn bởi các chính sách trợ cấp trong vòng hơn một thập kỷ - hiện có khoảng trên dưới 100 nhà sản xuất. Con số này giảm so với mức đăng ký hồi năm 2019, song vẫn cho thấy sức hút mãnh liệt mà những chiếc EV xanh tạo ra.
Tuy nhiên, thị trường khốc liệt đang dần trở nên tập trung hơn trong quý I/2023, dựa trên Chỉ số Herfindahl-Hirschman - thước đo đánh giá cạnh tranh và mức độ tập trung của thị trường. Người chiến thắng tiếp tục củng cố quyền lực, chẳng hạn như BYD, Tesla; trong khi kẻ yếu thế hơn thì dần tụt lùi.
Theo Wang Hanyang, chuyên gia phân tích tại 86Research, 80% các startup năng lượng mới đã hoặc đang rời khỏi thị trường. Đây là tin xấu cho những người chơi gặp khó khăn như NIO - công ty từng được ca ngợi là “sát thủ Tesla của Trung Quốc” nhưng giờ gánh nợ 2 tỷ USD.
Tính đến cuối tháng 3, tiền mặt và các khoản thanh khoản ngắn hạn khác của NIO đã giảm 30% xuống chỉ còn 5 tỷ USD so với một năm trước đó. Theo Giám đốc điều hành NIO, công ty sẽ khó lòng hòa vốn cho đến ít nhất cuối năm 2024, tức muộn hơn một năm so với dự báo trước đó. Hãng cũng đã trì hoãn đầu tư vào tài sản cố định và một số nghiên cứu.
“Không phải ai cũng có thể tồn tại trên thị trường”, Joel Ying , nhà phân tích tại Nomura nói, đồng thời cho biết các startup dễ bị tổn thương hơn so với các nhà sản xuất ô tô truyền thống.
Các gã khổng lồ tiếp tục bành trướng, trong khi các thương hiệu nhỏ lẻ phải vật lộn để tồn tại. Thị phần 4 công ty hàng đầu đã tăng lên 60% trong quý I/2023 so với mốc 44% cùng kỳ 3 năm về trước.
Bất chấp việc Trung Quốc kéo dài thời gian giảm thuế cho người dân mua xe điện đến năm 2027, nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ sẽ từ bỏ mục tiêu hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô đang gặp khó khăn. Xin Guobin, đại diện Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, cho biết các chính sách hỗ trợ như vậy sẽ giúp các thương hiệu vươn tầm cạnh tranh quốc tế.
Thị trường xe điện Trung Quốc ngày càng trở nên khốc liệt.
BYD, được hậu thuẫn bởi Berkshire Hathaway, đã thống trị thị trường xe điện suốt 2 năm qua. Hơn 30% lượng xe NEV (năng lượng mới) bán ra tại đại lục đều xuất xưởng từ công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này, tăng từ mức dưới 15% vào cuối năm 2020 khi thị trường xe sạch lần đầu tiên bán được đều đặn hơn 100.000 chiếc mỗi tháng.
Trong khi đó, một số ‘viên ngọc quý’ thời kỳ đầu lại âm thầm biến mất. Đầu năm nay, WM Motor mắc nợ đã đình chỉ hầu hết các hoạt động sản xuất và sa thải nhân viên vì hết tiền mặt. Letin Auto, thương hiệu nổi tiếng với chiếc hatchback chạy điện trị giá 4.000 USD, cũng nộp đơn xin phá sản vào tháng 5 sau khi không tìm kiếm được lợi nhuận.
Xpeng, startup EV nổi tiếng được niêm yết tại Mỹ, cũng ghi nhận doanh số bán hàng giảm đều kể từ tháng 9 năm ngoái dù đã tung ra nhiều chương trình giảm giá và cải tiến mẫu mã. Số lượng xe giao nhanh giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước.
Zhidou, nhà sản xuất được hậu thuẫn bởi tập đoàn Geely, đã bán được tổng cộng 100.000 xe từ năm 2015 đến năm 2017. Tuy nhiên, thương hiệu này ngay lập tức mất đà khi chính phủ hồi năm 2018 quyết định ngừng trợ cấp cho những chiếc xe điện có phạm vi di chuyển dưới 150 km giữa các lần sạc.
Tương tự, Beijing Electric Vehicle, chi nhánh EV của BAIC Motor thuộc sở hữu nhà nước, cũng bắt đầu thua lỗ sau khi bị cắt trợ cấp. Hãng này từng dẫn đầu doanh số ô tô chạy hoàn toàn bằng điện trong hơn 5 năm bằng cách nhắm mục tiêu chủ yếu vào các nhà khai thác đội xe.
Byton, được thành lập bởi các cựu quản lý BMW, đã phải dừng sản xuất ngay trước khi giao đơn hàng đầu tiên. Zhiche Youxing Technology Shanghai ban đầu dự kiến niêm yết trên Star Board của Trung Quốc song cũng ngấp nghé phá sản vào năm 2022.
Thị trường Trung Quốc đang ngày càng trở nên thách thức, không chỉ với các thương hiệu trong nước mà cả các hãng nước ngoài.
Theo các chuyên gia, thị trường xe điện không hề dễ dàng với những nhà sản xuất cố gắng thu hút khách hàng thay vì đáp ứng các quy định pháp lý. Ví dụ điển hình nhất là
WM Motor Technology Group, thương hiệu có trụ sở tại Thượng Hải được hỗ trợ bởi gã khổng lồ công nghệ Baidu.
Chỉ hơn 1 tháng sau khi công ty này tuyên bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở Hồng Kông (Trung Quốc), các báo cáo cho thấy WM đã cắt giảm lương và tiến hành sa thải nhân viên. Doanh số sụt giảm nghiêm trọng.
Freya Cui, một trong những chủ sở hữu sớm chiếc xe thể thao đa dụng EX5 của WM Motor, đã phải từ bỏ chiếc xe 4 năm tuổi vào tháng 4 do lỗi bộ pin. Phía hãng thông báo không có sản phẩm thay thế, trong khi việc mua bộ pin mới từ bên thứ ba quá đắt đỏ.
Sau nhiều lần kiến nghị thất bại, Cui quyết định mua một chiếc ô tô chạy xăng giá rẻ. “Tôi đã đặt hàng ngay cả trước khi nhìn thấy chiếc xe đó. Chế độ bảo hành trọn đời cho bộ pin là một điểm cộng tuyệt vời. Ai ngờ được rằng một ngày nào đó công ty sẽ đứng trên bờ vực sụp đổ chứ?”
Rất khó để nói liệu đà tăng trưởng của thị trường có tiếp diễn ngay trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn chưa thực sự dành nhiều sự quan tâm đến ô tô điện. Doanh số bán lẻ xe năng lượng mới đã tăng lên 580.000 chiếc tại Trung Quốc vào tháng trước, song chỉ chiếm 30% tổng số xe giao nhanh, theo Hiệp hội xe khách.
Các chuyên gia nhận định thị trường Trung Quốc đang ngày càng trở nên thách thức, không chỉ với các thương hiệu trong nước mà cả các hãng nước ngoài. Các nhà sản xuất ô tô lâu đời như Ford cũng thất bại, trong khi Volkswagen chưa có dòng xe nào lọt top 10 chiếc EV bán chạy nhất.
Siebert kỳ vọng các tính năng thú vị như lái tự động, màn hình tích hợp và thậm chí cả hệ thống karaoke sẽ nhường chỗ cho sự an toàn, hiệu suất và độ bền của xe. Nếu điều này xảy ra, các nhà sản xuất ô tô lâu đời như Volkswagen sẽ có lợi thế.
Theo: Bloomberg, WSJ