Hãng xe điện lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc đã giành được hợp đồng lớn từ tay Tesla tại Indonesia, và đang có kế hoạch mở rộng sang thị trường Việt Nam.
BYD đang giành được chỗ đứng ở nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á (Ảnh: StritTimes) |
Hãng taxi lớn nhất Indonesia, PT Blue Bird, đã chọn BYD làm nhà cung cấp chính cho 80% tổng số lượng xe điện của họ, trong khi đang xem xét các đơn đặt hàng từ Tesla. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh các mẫu xe điện giá rẻ đang được ưa chuộng tại quốc gia này.
"Phần lớn trong số 500 xe điện (EV) được bàn giao cho hãng PT Blue Bird trong năm nay sẽ được cung cấp bởi BYD, đặc biệt là các mẫu E6 và T3, do các mẫu này phù hợp hơn với thị trường Indonesia", Tổng giám đốc Sigit Priawan Djokosoetono phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.
“Nếu giá xe quá đắt, thì việc chúng tôi tính phí cao đối với khách hàng sẽ không hợp lý, bởi vậy chúng tôi cần xem xét điều này”, ông nói. “Chúng tôi đã sử dụng nhiều mẫu xe nhập khẩu từ BYD, bởi chúng tôi nhận thấy giá cả của họ phù hợp để phát triển hoạt động kinh doanh tại Indonesia”.
Thâm nhập thị trường Đông Nam Á
BYD, hãng sản xuất EV lớn nhất thế giới, được hậu thuẫn bởi công ty Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett, đã đạt được bước tiến lớn trong việc xây dựng nhà máy lắp ráp thứ hai của họ tại Đông Nam Á, sau khi ký một thoả thuận sơ bộ với chính phủ Indonesia.
"Hãng xe có trụ sở tại Thâm Quyến có kế hoạch xây dựng một hệ sinh thái để tìm kiếm những cơ hội phát triển ở đây", theo tuyên bố của Chính phủ Indonesia tuần trước. Tuy nhiên, họ không cung cấp thêm chi tiết, trong khi BYD cũng chưa tiết lộ về thoả thuận này.
“Đông Nam Á sẽ là một thị trường quan trọng bậc nhất của các công ty EV Trung Quốc, nhờ vào dân số đông đúc và nhu cầu ngày càng tăng về phương tiện giao thông thân thiện với môi trường”, Gao Sshen, nhà phân tích độc lập ở Thượng Hải, nói với tờ SCMP. “Các xe điện do Trung Quốc sản xuất đang nhận được sự chào đón nồng nhiệt ở các quốc gia trong khu vực, và các công ty như BYD được chào đón để đặt dây chuyền sản xuất ở đó”.
Thoả thuận này cho thấy Indonesia – quốc gia có dân số 280 triệu người – đang chạy đua với các đối thủ tiềm năng khác trong khu vực, những nước cũng đang có tham vọng xây dựng ngành công nghiệp EV trong nước.
“Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến của BYD nhằm khám phá thêm những cơ hội này”, Luhut B. Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề về Hàng hải và Đầu tư của Indonesia, nói trong một tuyên bố. “Với các nguồn lực tự nhiên dồi dào, vị trí địa lý chiến lược và sự hỗ trợ của chính phủ, tôi tin rằng Indonesia có đủ những yếu tố quan trọng để phát triển ngành xe điện trong nước”.
BYD đã bắt đầu xây dựng nhà máy đầu tiên của họ trong khu vực, ở Thái Lan, trong tháng 3. Trung bình mỗi năm hãng này bán ra khoảng 4 triệu chiếc xe điện ở Đông Nam Á, và nhà máy sản xuất của BYD sẽ đạt công suất hàng năm 150.000 chiếc khi được hoàn thiện trong năm tới.
Một cửa hàng của BYD tại Yokohama, Nhật Bản (Ảnh: AP)
Nhắm tới thị trường Việt Nam
Hãng xe đến từ Trung Quốc trước đó cũng cho hay họ đang xem xét tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam.
Như VietTimes đã đưa tin, vào đầu tháng này, Chủ tịch BYD Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc) đã tới thăm Việt Nam và có buổi gặp gỡ Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà để trao đổi về dự án sản xuất, lắp ráp EV của tập đoàn.
Phát biểu tại buổi gặp, ông Wang cho biết, trong thời gian tới, tập đoàn này sẽ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện để cung cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á. Người đứng đầu Tập đoàn BYD mong muốn nhanh chóng đưa dự án sản xuất, lắp ráp EV của hãng tại Việt Nam đi vào hoạt động. Đồng thời, BYD sẽ hình thành chuỗi doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ cho dự án EV này.
Hãng tin Reuters trong tháng 1/2023 cũng đưa tin rằng BYD có kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tổng mức đầu tư dự kiến cho nhà máy này có thể lên tới 250 triệu USD.
Nhiều khả năng nhà máy mới của BYD tại Việt Nam sẽ được đặt tại khu công nghiệp Phú Hà, tỉnh Phú Thọ - nơi nhà máy lắp ráp máy tính bảng iPad của doanh nghiệp này đang hoạt động. Nhà máy này được cho là sẽ cung ứng linh kiện cho nhà máy xe điện của BYD đặt tại Thái Lan và phục vụ kế hoạch bán xe điện tại thị trường Việt Nam.
Mẫu SUV Frigate 07 của BYD được trưng bày tại triển lãm xe quốc tế Bangkok lần thứ 44, tháng 3 năm nay (Ảnh: Xinhua)
Đánh bại Tesla
BYD đã đánh bại Tesla để trở thành hãng sản xuất EV lớn nhất thế giới, với 1,86 triệu chiếc phân phối trong năm 2022, cao gần gấp 3 lần so với doanh số bán năm 2021. Tesla chỉ phân phối khoảng 1,31 triệu chiếc EV trong năm ngoái. Mặc dù tổng doanh số của hãng xe đến từ Mỹ đã tăng khoảng 40% trong năm 2021, nhưng lại không đạt được mục tiêu bán ra 1,4 triệu chiếc trong năm 2022.
Hầu hết doanh số của BYD trong năm 2022 đến từ thị trường Trung Quốc đại lục. Doanh số bán các loại xe hoàn toàn điện và xe lai tại Trung Quốc chiếm tới 60% tổng số ô tô điện được bán trên toàn cầu, tương đương với 6,5 triệu chiếc trong năm 2022.
Dự kiến, doanh số bán EV ở Trung Quốc – thị trường xe điện lớn nhất thế giới – sẽ tăng 35% trong năm nay, đạt 8,8 triệu đơn vị, theo UBS. Quốc gia này cũng có thể vượt Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu xe hơi lớn nhất thế giới trong năm nay. Theo China Business Journal, các hãng xe ở Trung Quốc đã xuất khẩu tổng cộng 1,07 triệu đơn vị xe – bao gồm cả xe chạy bằng xăng và EV – trong quý đầu năm nay, trong khi Nhật Bản mới chỉ xuất khẩu 1,047 triệu đơn vị trong cùng khoảng thời gian.
CEO của Tesla, tỉ phú Elon Musk, từng có lần chế giễu BYD trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng hãng xe Trung Quốc không cho ra “sản phẩm tốt”. “Tôi không nghĩ rằng nó đặc biệt hấp dẫn, công nghệ của họ không mạnh lắm”, Musk nói.
Mới đây Tesla đã buộc phải giảm giá để kích cầu ở châu Á, ngay cả khi đợt giảm giá trước đó đã gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của họ. Blue Bird hiện vẫn đang xem xét các đơn hàng với Tesla dựa trên lợi tức đầu tư.