NanoMagSat sẽ được sử dụng để nghiên cứu từ trường Trái đất, trong khi Tango sẽ tập trung vào việc đo lượng khí thải nhà kính do hoạt động con người gây ra.
Mới đây, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đã công bố kế hoạch chế tạo ra hai vệ tinh mới, chúng có tên lần lượt là NanoMagSat và Tango.
NanoMagSat sẽ được sử dụng để nghiên cứu từ trường Trái đất, trong khi Tango sẽ tập trung vào việc đo lượng khí thải nhà kính do các hoạt động của con người gây ra. (Ảnh: ESA)
NanoMagSat đo từ trường
Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, vệ tinh NanoMagSat sẽ được sử dụng để đo từ trường, và xác định các mối nguy hiểm về thời tiết trong không gian. Ngoài ra, vệ tinh cũng sẽ thu thập dữ liệu về môi trường tầng điện ly. Thực chất, tầng điện ly là tầng trên của bầu khí quyển Trái đất, nơi tập trung nhiều ion và electron tự do, do sự hấp thụ bức xạ cực tím của Mặt trời.
Từ trường và điện từ của Trái đất đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các lực tác động đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Những hiện tượng này có tác động sâu rộng đến các khía cạnh khác nhau của môi trường, và cả công nghệ mà chúng ta đang vận hành và sử dụng.
“Nhìn chung, NanoMagSat sẽ cho phép hiểu rõ hơn nhiều về động lực học của từ trường, và vai trò của Mặt trời trong hệ thống từ quyển – tầng điện ly – khí quyển kết hợp”, thông cáo báo chí của ESA nêu rõ.
Vệ tinh NanoMagSat sẽ mang các thiết bị, công cụ thăm dò, thu thập với các loại trọng tải khác nhau, bao gồm một từ kế nhỏ, đầu dò Langmuir và hai máy thu Hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu (GNSS). Các công cụ khoa học này nhằm mục đích chung là thu thập dữ liệu toàn diện về từ trường, đặc tính điện từ và định vị vệ tinh, từ đó góp phần cung cấp hiểu biết sâu sắc hơn về từ quyển Trái đất và các hiện tượng liên quan.
Tango đo phát thải khí nhà kính
Theo đó, Tango sẽ giám sát 3 loại khí nhà kính do các khu công nghiệp lớn thải ra: metan, carbon dioxide và nitơ dioxide. Vệ tinh này cũng sẽ hỗ trợ chương trình sứ mệnh Giám sát Carbon Dioxide Copernicus sắp tới, sứ mệnh Sentinel-5 và sứ mệnh Sentinel-5P hiện tại.
Thông cáo báo chí của ESA cho biết: “Tango sẽ giám sát 150–300 cơ sở công nghiệp và nhà máy điện lớn ở tần suất 4 ngày 1 lần”. Vệ tinh sẽ được thiết kế để cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao về các luồng khí thải và ô nhiễm lân cận. Hơn nữa, nó sẽ cung cấp dữ liệu chính xác để xác định lượng khí thải chỉ trong một lần quan sát.
“Chúng tôi rất vui mừng khi bổ sung thêm hai vệ tinh mới vào danh mục sứ mệnh quan sát Trái đất của mình”, Simonetta Cheli, Giám đốc Chương trình Quan sát Trái đất của ESA cho biết trong một tuyên bố.
Ngoài ra, theo Simonetta Cheli, hai sứ mệnh khoa học này sẽ bổ sung hoàn hảo cho các sứ mệnh Thám hiểm Trái đất hiện tại và tương lai. Đồng thời, nó cũng sẽ mang lại những lợi ích thú vị cho ngành khoa học Trái đất hiện đại. Chi phí dự kiến của sứ mệnh vệ tinh này là 35 triệu euro, và dự kiến việc phát triển sẽ hoàn thành trong ba năm tới.
HUỲNH DŨNG
Nguồn: Interestingengineering