Vũ khí Hoa Kỳ luôn là một đề tài hấp dẫn bất tận. Với ưu thế vượt trội tuyệt đối về công nghệ, nước Mỹ luôn bỏ xa phần còn lại của thế giới với những thiết kế quân sự vượt thời đại.
Người ta vẫn rỉ tai nhau rằng, rồi có một ngày Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành cường quốc quân sự dẫn đầu thế giới. Nhưng trước khi ngày ấy xảy ra, cho đến lúc này, những vũ khí của Mỹ vẫn đang ở trên đỉnh toàn cầu. Quân đội Mỹ sở hữu những “quái vật” thực sự, hoàn toàn có khả năng thống trị nền quân sự tương lai.
B-21 Raider - Kẻ dội bom thế hệ mới
Với B-21, sau 30 năm, nước Mỹ mới có thêm một thiết kế oanh tạc cơ xứng tầm. Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall từng nói trước Quốc hội rằng: Mỹ cần phải chế tạo ra loại "vũ khí khiến Trung Quốc sợ hãi". Ít ai ngờ rằng, thứ vũ khí mà ông Kendall ám chỉ lại chính là siêu oanh tạc cơ B-21 Raider.
Đầu tháng 12 năm ngoái, Tập đoàn Northrop Grumman đã cho ra mắt oanh tạc cơ tàng hình B-21 trong buổi lễ tại Nhà máy số 42 ở Palmdale, bang California. Phi cơ xuất hiện trong sự kiện mang tên mã T1, đang trải qua giai đoạn thử nghiệm trên mặt đất và sẽ thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào năm 2023. Ít nhất 5 máy bay khác cũng đang trong quá trình sản xuất.
Đây là mẫu oanh tạc cơ đầu tiên được Mỹ ra mắt kể từ thập niên 1980, thời điểm dòng B-2 Spirit được đưa vào biên chế. Nhà sản xuất Northrop Grumman tuyên bố đây là "oanh tạc cơ tàng hình thế hệ 6 đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới". Không quân Mỹ dự kiến đặt mua khoảng 100 máy bay B-21, nhằm thay thế oanh tạc cơ chiến lược B-1B Lancer và B-2 Spirit trong hàng chục năm tới. Mỗi chiếc B-21 có giá xuất xưởng gần 700 triệu USD, chưa kể chi phí nghiên cứu và sản xuất, trong khi toàn bộ dự án có trị giá khoảng 203 tỷ USD.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin phát biểu tại buổi lễ ra mắt B-21 Raider tại Nhà máy Không quân 42 của Northrop Grumman ở Palmdale, California, ngày 2 tháng 12 năm 2022. (Ảnh: FREDERIC J. BROWN/AFP via Getty Images)
Quân đội Mỹ cho biết: B-21 sẽ là xương sống của lực lượng oanh tạc cơ chiến lược Mỹ trong tương lai. Nó có tầm bay, khả năng tàng hình và kho vũ khí đủ sức xâm nhập các môi trường tác chiến phức tạp nhất, cho phép đe dọa mọi mục tiêu trên toàn cầu.
B-21 Raider (Kẻ tập kích) sở hữu thiết kế cánh bay giống dòng B-2 Spirit ra đời năm 1989. Dù tính năng chưa được tiết lộ nhiều, B-21 nhiều khả năng được tích hợp công nghệ tàng hình tối tân, khả năng hoạt động tầm xa, mang theo nhiều vũ khí và có thể sẽ có năng lực tự động hóa. Ngoài mang nhiều bom đạn, nó được cho là oanh tạc cơ thông minh về cảm biến, mạng kết nối và năng lực hợp nhất dữ liệu cùng khả năng phát động chiến tranh điện tử và trinh sát.
CEO Northrop Grumman Kathy Warden nói rằng tầm bay và năng lực tàng hình của B-21 "vượt xa yêu cầu do không quân Mỹ đưa ra", trong khi thiết kế hệ thống mở sẽ giúp nhà sản xuất dễ dàng nâng cấp phi cơ trong tương lai. Phương thức sản xuất dòng B-21 cũng khiến quá trình bảo dưỡng thân vỏ và thiết bị bên trong dễ dàng hơn nhiều so với máy bay B-2.
Theo những thông tin ít ỏi được công bố cho đến thời điểm hiện tại, chiếc máy bay ném bom chiến lược tương lai của không quân Mỹ cũng được thiết kế cho khả năng tàng hình tương tự như trên B2 Spirit nhưng được nâng cấp đáng kể nhờ vật liệu Composite mới và cấu trúc tổ ong giúp hấp thụ sóng radar. Trong các cuộc thử nghiệm “bắt sống máy bay”, người ta cũng thu được tiết diện radar trên B-21 Raider chỉ vào khoảng 0,0001 mét vuông.
Mang trong mình trọng lượng chỉ 60 tấn, nhẹ hơn gần chục tấn so với B-2 Spirit nhưng B-21 Raider có thể mang tới 15 tấn vũ khí. Các loại vũ khí được cho là có thể lắp đặt trên chiếc oanh tạc cơ này cũng hết sức đa dạng, bao gồm tên lửa hành trình tàng hình AGM-158A JASSM hoặc phiên bản AGM-158B JASSM-ER có tầm bắn tới 930km, gấp hơn 2,5 lần phiên bản gốc. Trong các nhiệm vụ ném bom thông thường, máy bay có thể sử dụng các loại bom xuyên phá hoặc loại bom lượn AGM-154C JSOW.
Nhưng vì là loại vũ khí được tạo ra để đối đầu với những đối thủ sở hữu kho vũ khí huỷ diệt hàng loạt khổng lồ, vai trò chính của B-21 Raider vẫn là tấn công phủ đầu đối phương bằng bom nhiệt hạch trong trường hợp nổ ra chiến tranh tổng lực. Tuy nhiên, chiếc oanh tạc cơ mới nhất của người Mỹ lại được cho là chỉ có phạm vi bay chưa đến 11000km cùng tốc độ 1000km/h, không quá ấn tượng so với các thế hệ tiền nhiệm.
Nhưng điều đó có thể vẫn chấp nhận được khi B-21 Raider được trang bị hệ thống cảm biến, kết nối vào mạng chỉ huy trung tâm, giúp tăng cường khả năng tác chiến trong các tình huống phức tạp trên chiến trường, miễn là các thiết bị hoạt động thực sự hiệu quả đúng như tuyên bố của các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ.
Tàu ngầm Columbia
Đối với người Mỹ tàu ngầm Ohio đã tỏ ra cũ kỹ, lạc hậu. Và cái tên Columbia đang được người Mỹ trông đợi có thể giúp Hải quân nước này đáp ứng yêu cầu làm trụ cột cho Hải quân Mỹ giành được lợi thế trước các thế lực mới nổi. Hải quân Mỹ sẽ được tiếp nhận 12 chiếc tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Columbia trong hợp đồng có tổng trị giá tới 109,8 tỷ USD.
Mỗi chiếc tàu loại này sẽ có chiều dài 171m cùng lượng choán nước đạt 21.140 tấn. Bên cạnh đó, tàu cũng được trang bị lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới, giúp nó hoạt động yên tĩnh đến mức đủ để vô hiệu hoá hầu hết các biện pháp dò tìm bằng thuỷ âm hiện tại trong khi vẫn duy trì được tốc độ khi lặn tới 37km/h. Nhờ đó, nó có thể bí mật mang 16 tên lửa đạn đạo Trident II D5 đến áp sát bất kỳ vùng biển nào trên thế giới. Sau đó, chiếc tàu ngầm sẽ giáng đòn tấn công vào mục tiêu cách 11000 km với sai số chỉ trong khoảng 90m.
Khi tiếp cận mục tiêu, tên lửa sẽ tạo ra sức huỷ diệt trên phạm vi cực lớn bằng 8 đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 475 kt mỗi đầu, tức là gấp gần 40 lần so với 1 quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945. Chừng đó là quá đủ sức gây nên những thiệt hại không thể phục hồi cho bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, kể cả những quốc gia khổng lồ như Nga, Trung Quốc. Đã thế, người Mỹ cũng đang có kế hoạch nâng cấp, giúp loại tên lửa này có thể vô hiệu hoá các biện pháp phòng thủ tiên tiến nhất hiện nay.
Về phía chiếc tàu ngầm, ngoài khả năng mang vũ khí huỷ diệt, nó còn được trang bị Hệ thống chiến thuật liên kết tác chiến tàu ngầm (SWFTS), một cụm hệ thống tích hợp sonar, hình ảnh quang học, điều khiển vũ khí tiên tiến. Dù chưa được đưa vào biên chế nhưng mỗi chiếc tàu ngầm lớp Columbia cũng đã được người Mỹ dự kiến thời gian nghỉ hưu sau 42 năm hoạt động. Trong suốt thời gian này, chúng sẽ thực hiện 124 lần tuần ra ngăn chặn tại bất kỳ vùng biển nào trên thế giới.
Tên lửa hành trình siêu vượt âm
Những tên lửa hành trình siêu vượt âm đầu tiên của Mỹ như AGM-183 mang trên mình một sứ mệnh lớn lao, đó là khiến Mỹ không bị tụt lại trong cuộc đua vũ khí siêu vượt âm với Nga và Trung Quốc. Tháng 12/2022, trong một cuộc thử nghiệm diễn ra ngoài khơi bang California, oanh tạc cơ B-52H đã phóng thành công 1 tên lửa siêu vượt âm thuộc phiên bản AGM-183A vào mục tiêu giả định. Đây cũng là lần đầu nguyên mẫu đầy đủ tính năng của loại tên lửa này được khai hỏa.
Sau khi tách khỏi máy bay, quả tên lửa siêu vượt âm do tập đoàn Lockheed Martin chế tạo đã đạt tốc độ gấp hơn 5 lần âm thanh và phát nổ ngay khu vực đặt mục tiêu. Tuy nhiên, theo những thông tin được công bố, tên lửa ban đầu được thiết kế để có thể đạt tới tốc độ từ Mach 6.5 - 8, vượt xa bất cứ hệ thống nào khác do Trung Quốc phát triển nhưng vẫn thua kém một chút so với tốc độ tối đa mach 10 của loại tên lửa Kh-47M2 Kinzhal đến từ Nga.
Một nguyên mẫu tên lửa AGM-183A trang bị trên một chiếc B-52 của Không quân Hoa Kỳ trong một cuộc thử nghiệm vào tháng 6 năm 2019. (Ảnh: Wikimedia)
Tên lửa có phạm vi hoạt động lên đến 1600km, tức là gần bằng khoảng cách từ Đài Bắc đến thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Mỹ đón nhận thành công bước đầu trong bối cảnh nước này đã bắt đầu có dấu hiệu bị chững lại trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh với 2 đối thủ là Nga và Trung Quốc.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams-X
Trong nỗ lực tạo ra một dòng xe tăng chủ lực cạnh tranh sòng phẳng với T-14 Armata của Nga, quân đội Mỹ đã công bố kế hoạch sản xuất xe tăng chiến đấu Abrams-X. Về đại thể, xe tăng AbramsX có bộ cơ khí nạp đạn tự động, tháp pháo không người lái, hệ thống năng lượng điện lai ghép động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn 50% và giảm trọng lượng để tăng cường khả năng cơ động di chuyển. Đó là một bản thiết kế lại toàn diện nhằm biến chiếc xe tăng từ những năm 1970 thành một phương tiện thực sự của thế kỷ 21. Nếu được thông qua, xe tăng AbramsX có thể phục vụ cho đến những năm 2050 hoặc thậm chí lâu hơn nữa.
Nó sẽ có cấu tạo gồm ba phần chính gồm thân xe với ba cửa sập ở phía trước, tháp pháo và bộ trợ lực ở phía sau. Xe cũng có trọng lượng nhẹ hơn 10 tấn so với các phiên bản khác của Abrams. Xe tăng vẫn có thể hoạt động trơn tru trong khi không cần quá nhiều thành viên trong kíp lái. Việc bố trí pháo tự động cũng cho phép xạ thủ có thể khai hoả mà không cần có mặt trong tháp pháo. Nhờ đó, toàn bộ kíp lái trong xe vẫn có cơ hội giữ được tính mạng ngay cả khi bị tấn công dồn dập bằng hỏa lực áp đảo.
Theo nhà sản xuất, các hoạt động của Abrams X cũng rất ít khi gây ra tiếng ồn và vận hành êm hơn hẳn so với M1A2 Abrams, vừa giúp thời hạn sử dụng cho xe, vừa khiến đối phương khó lòng phát hiện. Ngoài pháo chính, mẫu xe tăng này còn có vũ khí phụ là một khẩu pháo điều khiển từ xa cỡ nòng 30mm, giúp tăng hiệu quả bao quát các mục tiêu xung quanh xe.
Hệ thống điện tử chịu trách nhiệm vận hành cho Abrams X được gọi là KATALYST, nó sẽ phụ trách tất cả các tác nhiệm như tự động nạp đạn hay hỗ trợ ngắm bắn. Hệ thống này được thiết kế để xe tăng có thể dễ dàng nâng cấp cả phần cứng và phần mềm, nhằm thích nghi với mọi chiến thuật và công nghệ trong tương lai. Ngoài ra, cỗ xe tăng tương lai của Mỹ cũng sẽ được ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) và khả năng kết hợp giữa 2 chế độ có người lái và không người lái, tương tự như những dự định của người Nga về mẫu T-14 Armata.
Đồng thời, xe cũng được trang bị đầy đủ cảm biến quang học và hồng ngoại, kính ngắm toàn cảnh cho xạ thủ và chỉ huy, có vai trò đắc lực giúp kíp lái nhận diện chính xác diễn biến thực tế chiến trường, ngăn không cho xe lâm vào các tình huống dở khóc dở cười như “quân ta bắn quân mình” hoặc bị mai phục bởi hàng chục tay lính chống tăng đang đợi sẵn. AbramsX là một bước nhảy vọt so với những chiếc Abrams hiện có. Và trên thực tế nó chính là một chiếc xe tăng mới chứ không chỉ là một bản nâng cấp thời vụ.
Tên lửa PrSM
Từ năm 2016, Lầu Năm Góc đã công bố chương trình phát triển PrSM. Tham gia gói thầu này là một các nhà thầu quân sự danh tiếng của Mỹ Lockheed Martin và Raytheon. Khi không còn bị giới hạn bởi Hiệp ước Các lực lượng tên lửa tầm trung (INF), quân đội Mỹ kỳ vọng tên lửa PrSM có tầm bắn tới 800km và có nhiều tính năng chiến đấu mới giúp mở rộng khả năng tác chiến pháo binh.
Về cơ bản, PrSM là sự kết hợp giữa đạn tên lửa mới và khung gầm xe chuyên chở cũ. Tên lửa PrSM vẫn sử dụng khung gầm pháo phản lực M270, M142 và có kích thước tổng thể nhỏ hơn để tăng số lượng tên lửa đặt trên giá phóng (4 tên lửa mỗi bệ).
Lần bắn thử nghiệm nguyên mẫu của PrSM vào ngày 10 tháng 12 năm 2019 tại Trường tên lửa White Sands. (Ảnh: Wikimedia)
Các thử nghiệm của PrSM đầu tiên được tiến hành trong năm 2019 với các vụ phóng nguyên mẫu do Lockheed Martin trong tháng 10 cùng năm. Nguyên mẫu tên lửa PrSM trong các vụ phóng thử nghiệm đã đạt tầm xa 240km và được xác nhận có thể đạt tầm trên 500km trong các vụ phóng thử trong tương lai gần. Trong khi Lockheed Martin đạt được những thành công đáng kể, thì nguyên mẫu Raytheon lại không đạt được kết quả như mong muốn với hàng loạt vấn đề kỹ thuật phát sinh. Chính vì vấn đề này, cuối tháng 3-2020, Lầu Năm Góc đã quyết định loại Raytheon khỏi chương trình phát triển PrSM.
Từ nay cho đến năm 2025, quân đội Mỹ dự kiến sẽ tiếp nhận một hệ thống tên lửa tấn công chính xác tiên tiến hơn và mạnh mẽ hơn so với hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) có tầm bắn 300km. Mỹ đã thực hiện 3 cuộc thử nghiệm thành công tên lửa PrSM vào năm 2020. Trong các lần thử nghiệm, tên lửa được phóng bằng bệ phóng của Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS sẵn có do Lockheed sản xuất. Video do Lockheed Martin công bố cho thấy không có nhiều thay đổi trong quá trình huấn luyện đơn vị vận hành, hay lắp đặt và phóng tên lửa mới vào bệ phóng HIMARS. Ngoài ra, PrSM cũng tương thích với bệ phóng tên lửa phóng loạt (MLRS) và phương tiện bánh xích mang các bệ phóng của HIMARS hoặc ATACMS.
Điểm mạnh của tên lửa PrSM là hệ thống dò tìm mục tiêu kép kết hợp giữa quán tính, sóng radar và ảnh nhiệt để tấn công chính xác mục tiêu kể cả khi chúng đang cơ động ở vận tốc cao. Với tiến độ hiện tại, các đơn vị tên lửa PrSM đầu tiên sẽ tới tay quân đội Mỹ vào năm 2023. PrSM dùng nhiên liệu rắn, cơ cấu cánh lái có thể gấp gọn được và kích thước tổng thể tương đương ATACMS để phù hợp với phương tiện chuyên chở cũ. Điểm khác biệt của PrSM chính là các tầng đẩy bổ sung có thể được thêm vào thân để tăng tầm bắn mà không làm thay đổi kích thước tên lửa.
Tên lửa chiến thuật có tầm bắn tối đa 300 km, trong khi tên lửa tấn công chính xác PrSM có tầm bắn 500 km và dự kiến sẽ đạt tới 1.000 km một khi được nâng cấp. Một số nhà phân tích cho rằng, đây có thể là vũ khí đối trọng với tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M của Nga. PrSM có khả năng mang theo đầu đạn đơn nặng 227kg hoặc đầu đạn chùm tùy theo nhiệm vụ chiến đấu.
Viên Minh (Tổng hợp)