Đứa trẻ của bạn mỗi ngày đều đặt ra vô vàn câu hỏi “Tại sao”. Điều này khiến không ít ông bố bà mẹ bối rối hoặc bực mình. Vậy trước những đứa trẻ “10 vạn câu hỏi tại sao” này, cha mẹ nên làm gì?
Nhiều bậc cha mẹ nói rằng khi trẻ lên 2 tuổi, trong ‘cái đầu nhỏ’ sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các câu hỏi:
“Trên TV người kia sao lại da đen như vậy?”
“Tại sao ngôi sao trên bầu trời tỏa sáng?”
“Tại sao chim lại bay?”
“Tại sao con không có cánh?”
……
Hầu hết thời gian, đứa trẻ sẽ đem những điều chúng thắc mắc để hỏi cha mẹ.
Trong thực tế, những câu hỏi hay ho như vậy của con trẻ không chỉ là biểu hiện của sự tò mò khám phá của chúng, mà còn là một dấu hiệu cho thấy trí não của con đang ngày càng trưởng thành. Vậy nên, khi trẻ hỏi bạn những câu hỏi này, điều đó có nghĩa là trẻ đang suy nghĩ về mọi thứ xung quanh. Cha mẹ không nên vô ý làm gián đoạn suy nghĩ của trẻ, ngược lại hãy khuyến khích trẻ suy nghĩ, thậm chí là đặt câu hỉ cùng với trẻ.
Trước những đứa trẻ “10 vạn câu hỏi tại sao” này, cha mẹ nên làm gì?
1. Khuyến khích trẻ
Khi trẻ đặt câu hỏi, cha mẹ có thể giúp trẻ trả lời câu hỏi một cách kịp thời và kiên nhẫn. Có thể khuyến khích trẻ bằng cách nói một số câu như: “Chà! Đây là một câu hỏi hay, bé yêu của mẹ có rất nhiều ý tưởng!”, “Nếu con có câu hỏi, cứ hỏi, như vậy mới thông minh”. Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi bé: “Con rùa có khóc vì buồn không?”, “Cây uống nước ở đâu?”.
Tất nhiên, cha mẹ đặt câu hỏi không phải để thử độ hiểu biết của con cái, vì vậy những câu hỏi họ đặt ra phải hấp dẫn khiến đứa trẻ thực sự hứng thú. Thông qua đó cho trẻ cơ hội củng cố và tích hợp kiến thức mà chúng có được.
2. Hướng dẫn trẻ
Đôi khi, đứa trẻ liên tục hỏi đi hỏi lại cùng một câu hỏi, chứng tỏ rằng câu trả lời của cha mẹ không thỏa mãn mong muốn của chúng. Khi trẻ hỏi lại câu hỏi, bạn có thể hỏi ngược lại trẻ: “Con nghĩ gì?”, “Con thấy có đúng không?”, như vậy sẽ truyền cảm hứng cho trẻ bày tỏ ý tưởng của mình.
Cũng có tình huống đứa trẻ tự có câu trả lời khi đặt câu hỏi. Tại thời điểm này, câu hỏi phản biện của cha mẹ có thể thúc đẩy trẻ tích cực suy nghĩ và giúp trẻ tích hợp ý tưởng của mình.
Khi một đứa trẻ mãi vẫn không thể hiểu được một vấn đề, cha mẹ có thể hướng đến một nội dung dễ hiểu hơn cho trẻ. Điều này không chỉ giúp trẻ giải quyết vấn đề mà còn nuôi dưỡng tư duy khác biệt của mình.
Điều đáng chú ý là trong quá trình giải quyết các câu hỏi của con trẻ, cũng cần xem xét trình độ nhận thức của trẻ và có cách trẻ lời mà trẻ có thể hiểu. Các câu hỏi khác nhau, cha mẹ nên có phương cách khác nhau khi trả lời.
Trả lời một cách đơn giản các câu hỏi thông thường
Một số câu hỏi về tự nhiên và ý thức chung có thể trả lời con trẻ một cách trực tiếp.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng câu trả lời của cha mẹ nên là một lời giải thích đơn giản và rõ ràng về các sự việc. Chẳng hạn, đứa trẻ hỏi tại sao những chiếc lá phát ra âm thanh, bạn có thể nói với bé: “Khi gió thổi, những chiếc lá cọ vào nhau và chúng sẽ phát ra âm thanh”, thay vì nói: “Hôm nay chiếc lá rất vui, nó đang hát”.
Đối với các câu hỏi khó trả lời hơn
Có hai tình huống trong vấn đề này. Một là cha mẹ biết về nó, nhưng họ không biết cách trả lời sao cho con có thể hiểu rõ ràng, thứ hai là cha mẹ không biết câu trả lời.
Khi này cha mẹ nên tra cứu thông tin và sau đó trả lời cho trẻ, đừng trả lời một cách bừa bãi. Cha mẹ cũng có thể sử dụng cơ hội này để dạy con cách tìm câu trả lời. Hướng dẫn trẻ tự đọc một cuốn sách và tìm câu trả lời, cho trẻ biết rằng đọc sách là một điều hữu ích, cũng khiến trẻ hứng thú hơn với việc đọc sách.
Cũng có một số câu hỏi cần được quan sát để có câu trả lời. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ quan sát và suy nghĩ. Ví dụ: “Con kiến muốn chuyển gạo đến đâu?”. Bạn có thể cùng con quan sát và tìm thông tin. Câu trả lời chắc chắn sẽ khiến đứa trẻ ghi nhớ.
Câu hỏi khó và lúng túng hơn
Có một số câu hỏi khiến cha mẹ tôi cảm thấy xấu hổ và không biết cách trả lời như thế nào, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến giới tính. Các chuyên gia chỉ ra rằng cha mẹ có thể trả lời câu hỏi này tùy theo từng tình huống đặt ra.
Nếu đứa trẻ chỉ hỏi tình cờ và không thực sự muốn cha mẹ trả lời, thì có thể trì hoãn câu trả lời.
Nếu trẻ thực sự muốn biết, cha mẹ có thể cho trẻ biết câu trả lời dưới dạng hình ảnh, câu chuyện, sách tranh, phim, v.v. Điều đáng chú ý là đối với những vấn đề như vậy, cha mẹ không được cố tình né tránh nó, hãy tạo ra những câu chuyện để đối đáp với trẻ.
Câu hỏi không phù hợp với trẻ
Tất nhiên, không phải tất cả các câu hỏi của trẻ cần phải được trả lời. Đôi khi, trẻ em có thể đặt một “cái bẫy” dưới dạng câu hỏi. Ví dụ, khi một đứa trẻ không muốn đi ngủ, nó có thể hỏi:
“Mẹ ơi, tại sao con người lại muốn ngủ?”.
Lúc này, cha mẹ không cần phải trả lời quá nhiều, chỉ cần nói với con:
“vì thời gian chơi đã hết. Nhanh đi ngủ thôi!”.
Khi cha mẹ đối diện với các câu hỏi của con cái, đừng trẻ lời con bằng một vài từ chiếu lệ như một lý do cho việc không có thời gian hoặc bận rộn. Sự chiếu lệ của cha mẹ sẽ dần dần khiến trẻ mất đi sự nhiệt tình đặt câu hỏi, và sẽ dần mất đi sự hứng thú tò mò khám phá.
Thích suy nghĩ, thích đặt câu hỏi, sẽ khiến trẻ có trí tuệ cao hơn. Khi trẻ có những câu hỏi đặt ra mỗi ngày, điều này có nghĩa là trí tưởng tượng và sự quan sát của trẻ đang dần được cải thiện và chúng có khả năng suy nghĩ độc lập.
Vì vậy cha mẹ không nên buồn chán, có lẽ một câu “Mẹ bận quá, không có thời gian để trả lời câu hỏi của con” sẽ giết chết trí tưởng tượng của trẻ. Thế nhưng một câu nói “Bố không biết câu trả lời này, con hãy tìm một cuốn sách để tìm hiểu xem sao!”, sẽ khiến trẻ trở nên hứng thú và suy nghĩ.
Các bậc cha mẹ thông minh sẽ kiên nhẫn, biết cách truyền cảm hứng, kích thích sự sáng tạo và hứng thú khám phá thế giới này của con trẻ.
Theo tw.aboluowang.com Vân Hà biên dịch
Nguồn: dkn.vn