Bí ẩn vụ thống chế Anh lừa 'cáo sa mạc' nổi tiếng của phát xít Đức

Mở đầu chiến dịch Alamein trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, phía Anh đã tiến hành thành công một chiến dịch phản tình báo, đánh lừa được Thống chế Rommel, Tư lệnh quân Đức tại Bắc Phi.

132 1 Bi An Vu Thong Che Anh Lua Cao Sa Mac Noi Tieng Cua Phat Xit Duc

Thống chế Đức Erwin Rommel - Ảnh: Wikipedia

Xóa sổ nhóm gián điệp Condor

Tháng 5/1942, quân Đức phái nhóm gián điệp Condor do John Epler chỉ huy đến khu vực Cairo (Ai Cập) để thu thập các thông tin tình báo quân sự. Nhóm này đặt văn phòng trên một con tàu neo trên sông Nile. Tại đây, Epler tìm được một cộng tác viên đắc lực – nữ vũ công người Ai Cập tên là Phami.

Những tin tức mà Phami có được là từ người tình của cô - Thiếu tá Smith đang công tác tại Bộ Tư lệnh quân Anh.

132 2 Bi An Vu Thong Che Anh Lua Cao Sa Mac Noi Tieng Cua Phat Xit Duc

Quân đội Anh tham gia trận El Alamein. Ảnh: Wikipedia

Một cộng tác viên khác của Epler là nữ tiếp viên Eved, nhưng anh ta không ngờ được rằng cô gái xinh đẹp này lại là điệp viên của một tổ chức tình báo Do Thái đang làm việc cho Tình báo Anh.

Một lần, Eved lên tàu và lợi dụng cơ hội khi Epler đang ngủ say sau một cuộc nhậu, nữ điệp viên hai mang này đã lục lọi trong đống tài liệu và phát hiện những cụm từ gồm sáu chữ cái ghi trong một cuốn sách, dường như đó là những khoá mã.

Liên hệ tới giọng nói của Epler, Eved cho rằng anh ta là một người Đức. Nghĩ vậy, cô vội sao chép toàn bộ các nhóm mật mã và rời khỏi con tàu.

Chiều ngày 10/8/1942, quân Anh bắt giữ nhóm gián điệp Đức. Thoạt đầu, Epler cùng đồng bọn một mực im lặng, nhưng sau khi Thống chế Montogomery - Tư lệnh quân Anh hứa miễn cho họ tội chết, các điệp viên Đức đã khai báo hết mọi bí mật.

Nhóm gián điệp Condor bị xoá sổ. Tuy nhiên Thống chế Đức Rommel, người được mệnh danh là “Cáo sa mạc” lại không hay biết gì về chuyện này.

Đánh lừa “Cáo sa mạc”

Đầu tháng 8/1942, Rommel bắt đầu chuẩn bị tấn công quân Anh. Ông ta tính toán, lực lượng phòng thủ của quân Anh ở phía Nam Alamein mỏng yếu, nếu tấn công vào đó sẽ dễ dàng chọc thủng tuyến phòng ngự này, từ đó sẽ có cơ hội tấn công tiếp lên phía Bắc cho đến vùng ven biển rồi đánh sang phía Đông đến vùng tam giác sông Nile. 

Thế nhưng, “Cáo sa mạc” tinh khôn đã phạm phải hai sai lầm:

  • Thứ nhất, để có được sự hỗ trợ của không quân, ông ta đã dùng vô tuyến điện để liên lạc với Trung tâm chỉ huy không quân Đức.
  • Thứ hai, để yêu cầu sự chi viện về nhiên liệu từ Italia, ông ta đã gửi điện báo cho Rome và Berlin. Nhờ nắm được mật mã khai thác từ nhóm Condor, người Anh đã giải mã được những bức điện đó.

 

Trong khi đó, khi tìm giải pháp đối phó với cuộc tấn công của quân Đức, Thống chế Montogomery phát hiện một vùng sa mạc trống trải không được chú thích rõ trên tấm bản đồ của quân Đức, cho thấy quân Đức không nắm chắc địa hình khu vực này. Ông liền đặt ra yêu cầu phải nhử bằng được quân Đức đi vào vùng sa mạc ấy.

Thực hiện chỉ thị của Montogomery, Thiếu tá tình báo Clark liền lấy danh nghĩa nhóm gián điệp Condor gửi cho Rommel một bức điện, thông báo rằng lực lượng phòng thủ của quân Anh ở phía Nam Alamein rất mỏng, nên tấn công vào đó. Rommel không hề nghi ngờ gì về nội dung bức điện, thậm chí còn biểu dương, khen ngợi các điệp viên Đức.

Để nhử con mồi chui sâu hơn vào cạm bẫy, Montogomery lệnh cho làm một tấm bản đồ giả, trên đó chú thích rõ vùng sa mạc là vùng đất cứng. Sau đó, ông sử dụng viên thiếu tá Smith (đã bị bắt giữ vì tội phản bội) lái một chiếc xe trinh sát tiến về phía doanh trại quân Đức. Chiếc xe được bí mật gài thuốc nổ, và đã phát nổ khi bị quân Đức phát hiện, truy đuổi.

Quân Đức đến hiện trường kiểm tra và thu tấm bản đồ trong cặp của Smith. Tấm bản đồ lập tức được chuyển lên cho Rommel, ông ta mừng như vớ được một báu vật, liền lấy bút vạch đường hành quân qua vùng đất cứng được chú thích trên bản đồ.

Đêm 30/8/1942, Rommel ra lệnh tấn công với ý định chọc thủng tuyến phòng ngự của quân Anh trong thời gian ngắn nhất. Vừa hành quân được một quãng đường, quân Đức đã phải hứng những đợt không kích dữ dội của không quân Anh, hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau trên bãi mìn, bị thương vong rất nhiều. Mờ sáng 31/8, họ lại bị công kích bởi lực lượng thiết giáp Anh - có tới 3 sư đoàn chứ không phải là 1 sư đoàn như tin điệp báo.

Rommel đành phải lệnh cho lực lượng của mình tiếp tục tiến về phía trước bất chấp bom đạn của quân Anh. Thế rồi, vùng “đất cứng” trên tấm bản đồ dần dần biến thành một vùng cát, các chiến xa của quân Đức lần lượt bị mắc kẹt và chôn chân trong sa mạc, phơi mình cho không quân Anh ném bom dữ dội suốt ngày đêm. Trong khi đó, 3 chiếc tàu tiếp liệu từ Italy đi qua Địa Trung Hải cũng bị quân Anh đánh chìm.

Sáng sớm ngày 4/9, Rommel ra lệnh rút quân, kết thúc một cuộc hành quân kinh hoàng với 4.800 binh lính bị thương vong, 50 xe tăng, 78 khẩu pháo bị phá hủy. Còn Montogomery thì quay trở về sở chỉ huy để chuẩn bị cho chiến dịch Alamein (23/10 – 11/11/1942). Đây được coi là sự khởi đầu đánh dấu sự sụp đổ của quân Đức tại Bắc Phi dưới quyền Thống chế Rommel.

Nguyên Phong

Nguồn: Báo điện tử VietnamNet

 

Bài liên quan