Theo quan điểm của y học hiện đại thì cà tím chỉ là một loại rau, là một loại nguyên liệu nấu ăn mà không phải là thuốc, nhưng với lý của Trung y thì cà tím lại được xem như là một loại dược liệu, một món ăn có thể trị bệnh.
Vào thời cổ đại, lý này được gọi là “Dược thực đồng nguyên” – thuốc và thực phẩm cùng nguồn gốc, Nhật Bản gọi là “Y thực đồng nguyên” (trị bệnh và thức ăn có cùng nguồn gốc), hai quan điểm này về cơ bản không khác nhau nhiều.
Tại sao theo y học cổ truyền thì nguyên liệu chế biến món ăn lại có thể trở thành dược liệu? Trên thực tế, trong cách nhìn nhận của Trung y, bất cứ thứ gì cũng có thể được coi là dược liệu. Nguyên nhân là bởi dược lý của cà tím ở các không gian khác nhau sẽ khởi tác dụng khác nhau.
Theo nghiên cứu của người hiện đại thì cà tím chỉ được nghiên cứu về mặt giá trị dinh dưỡng và được mô tả như thế này: Mỗi 100 gram cà tím chứa 25 calo, 5,3 gram carbohydrate, 2,7 gram chất xơ; 221 mg kali khoáng, 16 mg canxi, 29 mg phốt pho, magie 15 mg, v.v.; ngoài ra còn có Vitamin B và Vitamin C, Vitamin P…
Những dưỡng chất này hoàn toàn có trong thành phần của quả cà tím. Tuy nhiên không ai dám khẳng định rằng toàn bộ giá trị dinh dưỡng của loại quả này chỉ có những dưỡng chất đó.
Vì sao cà tím lại lợi hại đến vậy, có thể tự mình sinh ra những thành phần dưỡng chất này? Chẳng phải đó là đặc tính của mỗi sinh mệnh sao? Bạn thử nghĩ xem, nếu đem gộp tất cả những dưỡng chất dinh dưỡng kể trên lại thì liệu chúng có thể trở thành cà tím không? Sau khi ăn, chúng liệu có thật sự phát huy tác dụng hiệu quả như cà tím?
Như vậy thì cà tím và các thành phần này có gì khác biệt?
Trong Trung y, người ta quan tâm nhiều đến tác dụng dược lý của cà tím. Ví như trong ‘Bản thảo cương mục’ có viết: “Cà tím có thể sinh máu tán ứ, giảm đau, tiêu sưng, mở rộng đường ruột”. Trong ‘Điền nam thảo mộc’ cũng ghi chép: “Cà tím có tác dụng tán máu, giải độc, giảm đau vú, tiêu sưng, làm rộng ruột…” Nhưng vì sao cà tím lại có công hiệu này?
Trọng điểm nằm ở dược lý ‘Tính vị quy kinh’. Dược lý này bắt nguồn từ việc Trung y trị bệnh bắt đầu từ nguồn gốc ‘kinh lạc’ trên thân thể người mà điều chỉnh năng lượng khí cơ.
Tính trong ‘Tính vị quy kinh’ là chỉ tính hàn của cà tím, thuộc về năng lượng tính âm trong âm dương. ‘Âm dương’ là hai nguồn năng lượng cơ bản vận hành không ngừng trong tiến trình biến hóa của vũ trụ, sinh mệnh và vạn vật.
Còn ‘Vị’ là chỉ 5 vị mặn, đắng, chua, cay, ngọt do Ngũ hành sinh ra. Phân chia ngũ vị có thể phân chia 5 thuộc tính của ngũ hành.
Bởi vì “âm dương” có thể biến hóa thành năm loại năng lượng trong thế giới tự nhiên là thuỷ, hoả, mộc, kim, thổ, và do chúng vận hành không ngừng nên gọi là ngũ hành. Mỗi sinh mệnh đều mang trong mình cơ chế Ngũ hành – thể hiện trên cơ thể con người, chính là hệ thống ngũ tạng làm trụ cột toàn bộ ‘kinh lạc’.
Bởi vì mắt người không nhìn thấy được bộ kinh lạc trên thân thể nên nó giống như một cơ quan vô hình. Do đó, dược tính của cà tím trong y học cổ truyền đề cập đến “vật chất năng lượng” từ không gian khác chứ không phải là “chất dinh dưỡng của vật chất” mà y học hiện đại đề cập tới. Bởi vậy, giá trị dược liệu của cà tím không phải nằm ở bản thân chất dinh dưỡng của loại trái cây này. Do đó cà tím và thành phần dinh dưỡng có trong cà tím đều không có cùng khái niệm.
Cũng bởi vậy, các thầy thuốc Trung y vừa nhìn vào tính hàn và vị ngọt của cà tím thì liền biết nó có tác dụng như thế nào trong điều kinh mạch và sự vận hành của các mạch lạc trong thân thể con người. Tất nhiên là họ cũng biết cà tím là món ăn chữa bệnh và có công hiệu dưỡng sinh.
Cà tím có vị ngọt, thuộc thổ trong ngũ hành, vì vậy khi nó đi vào lá lách, dạ dày và đại tràng, sẽ tự nhiên tác động điều chỉnh chức năng của các bộ phận này.
Phụ nữ cần cẩn thận với tính hàn của cà tím
Tuy nhiên, cà tím có tính hàn. Những người bị bệnh lá lách và dạ dày, năng lượng dương không đủ, thể chất âm nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ và thận trọng khi ăn cà tím.
Ăn cà tím vào mùa hè có thể giúp thanh nhiệt, giải nhiệt, đặc biệt thích hợp với những người bị táo bón, trĩ chảy máu, nóng trong cũng như những người dễ bị nổi rôm, lở loét.
Chân Lập Học, một bác sĩ Trung y thuộc Hiệp hội Đông y Nhật Bản cho biết, Trung y truyền thống không chỉ nói cho chúng ta biết giá trị chữa bệnh của thực phẩm, cũng nói cho chúng ta biết làm sao để tránh những thứ có hại cho cơ thể. Ví dụ như: “Thể chất của nữ thuộc về âm tính, bản thân có thiên hướng hàn tính, cho nên bình thường không thích hợp với ăn thực vật có tính hàn”.
Bà nhắc nhở: “Những người lá lách yếu, dễ bị tiêu chảy, phân lỏng không nên ăn quá nhiều, người mới thực hiện phẫu thuật xong cũng không nên ăn cà tím, nếu không thì thuốc gây tê không thể phân giải, sẽ làm chậm thời gian thức tỉnh và ảnh hưởng đến tốc độ hồi phục của bệnh nhân.”
Lý Thời Trân, thầy thuốc nổi tiếng thời nhà Minh đã viết trong ‘Thảo mộc cương nhật’ như sau: “Tính hàn của cà tím rất tốt, nhưng ăn quá nhiều sẽ dẫn đến đau bụng là làm giảm công dụng”. ‘Điền nam thảo mộc’ có viết: “Cà tím có vị ngọt, tính hàn, ăn nhiều sẽ gây nổi mụn nhọt, loét dạ dày, kiết lỵ; phụ nữ ăn nhiều còn khiến cho tử cung tổn thương”.
Cà tím phối với gừng làm ấm cơ thể, xua tan cảm lạnh
Người có thể chất hàn thì nên ăn cà tím nấu với chút gừng. Gừng cũng giống như cà tím, đều nhập tỳ vị. Gừng có tính ấm, có tác dụng làm ấm tỳ vị và xua tan cảm lạnh, vừa đúng dùng để cân bằng tính hàn của cà tím.
Đây là lý do tại sao người Nhật thích dùng gừng khi ăn cà tím; người Trung Quốc thích thêm gừng, tỏi, hạt tiêu và các loại gia vị khác khi ăn cà tím vì hầu hết các loại gia vị đều có “tính ấm”, ngoài việc tăng cảm giác thèm ăn, mục đích cơ bản của các loại gia vị này là để loại bỏ tính hàn và trung hòa năng lượng trong cơ thể và đạt được sự cân bằng âm dương.
Ở Nhật khi chế biến cà tím thì thường nêm nếm thêm chút gừng cũng giống như ở Việt Nam, khi nấu cà thường cho thêm hai thứ gia vị là lá lốt và tía tô vậy. Ở mỗi vùng miền khác nhau, người ta thường chế biến thức ăn từ cà tím theo cách khác nhau, một phương khí hậu sẽ nuôi dưỡng một phương người, thuận theo lý của tự nhiên mà hình thành nên nét đặc sắc riêng trong ẩm thực ở mỗi vùng miền.
Nhưng chung quy lại thì nguyên tắc chế biến là như nhau. Khi ăn phải hiểu được sự hòa hợp của âm dương thì mới có thể ăn uống lành mạnh, cầu lợi tránh hại.
Theo Epoch Times
San San biên dịch