Trên cầu, người ta gắn những tấm lưới để ngăn chặn các vụ tự tử. Đầu cầu, một đài tưởng niệm nhỏ dưới hàng cau, gồm một bức tượng đặt trên trụ và một tấm bảng.
Một câu trích của Victor Hugo lên án việc lưu đày, dưới đó là dòng chữ: “Tưởng nhớ hai vị hoàng đế An Nam (Việt Nam) lưu đày ở đảo Réunion ngày 20.11.1916, vì đã nổi dậy chống chính quyền thực dân Pháp”.
Jean-Luc Nguyễn Phước, hậu duệ hoàng đế Thành Thái, tại nhà của mình ở Réunion Louis Raymond |
Jean-Luc Nguyễn Phước là chắt của vua Thành Thái và cháu gọi vua Duy Tân bằng ông cậu.
Năm nay 70 tuổi, ông giống như người trông coi tư liệu về gia tộc. Ông cho chúng tôi vào thư viện xem một bức chiếu chỉ và một thanh gươm của vua Duy Tân. Ngồi trên chiếc sofa trong ngôi nhà kiểu créole truyền thống, ông kể cho chúng tôi về cuộc lưu đày kép này.
“Vì lý do gia đình, Thành Thái và Duy Tân không hợp nhau, nhưng việc hai cha con sống tách riêng là do người Pháp quyết định. Duy Tân ở với mẹ, còn Thành Thái ở với những người còn lại.
Thỉnh thoảng họ đến thăm hỏi nhau, nhưng chỉ để giữ lễ”.
Khi mới đến, Duy Tân lúc đó 18 tuổi không quen với khí hậu nên mắc bệnh.
Phải mất nhiều tháng, nhà vua mới hồi phục, nhưng cuối cùng thì sự sống cũng chiến thắng: ông không muốn đánh mất tuổi xuân trong nỗi nhớ về vương quốc đã mất nên tìm cách tận hưởng những thú vui nhỏ bé của cuộc sống lưu đày.
Ông học nhạc và trở thành một người chơi vĩ cầm thành thạo, ông viết một tập truyện ngắn, nuôi ngựa đua và chính ông cũng tham gia đua ngựa mỗi chủ nhật ở trường đua khu phố Redoute, ngày nay là một sân bóng đá.
Ông lấy thêm một bà vợ người Réunion, Fernande Antier, hai người có nhiều con chung. Không phải nhờ chính quyền thực dân mà cuộc sống của ông dễ dàng.
Ngược lại, ông sống chật vật với khoản lương bổng 15.000 francs mỗi năm và kiếm sống bằng cách mở một trạm điện báo ở trung tâm thị trấn Saint-Denis, nhưng ông không công khai mâu thuẫn với người Pháp, và rốt cuộc bằng cách nào đó, trở nên giống họ.
Duy có đôi lúc, ông rơi vào trạng thái sầu muộn: phong cảnh núi non bao quanh thị trấn Cilaos gợi nhớ đến xứ sở nơi ông đã ra đi.
Với vua Thành Thái, đến Réunion khi đã 38 tuổi, câu chuyện khác hẳn.
Ở chốn lưu đày, ông căm ghét nước Pháp đến mức từ chối nói tiếng Pháp mặc dù ông viết ngôn ngữ này một cách hoàn hảo, ông còn buộc con cháu chỉ được nói tiếng Việt khi có mặt ông ở đó. Jean-Luc Nguyễn Phước kể:
“Nhà cầm quyền hồi đó chẳng giúp gì để cuộc sống của ông dễ chịu hơn, chỉ cần xem lại các văn bản trao đổi giữa các toàn quyền Đông Dương và chính quyền Réunion là biết. Về khoản hưu bổng mà ông được nhận, phải nói rõ là tiền được trích từ ngân quỹ của An Nam!”.
Khoản tiền này là 30.000 francs một năm, chênh lệch được lý giải là do số nhân khẩu phải nuôi dưỡng. Hoàng đế bị phế truất là người tiêu pha mạnh tay, ông mua nhiều xe hơi nhưng cho cưa bỏ hết các biểu trưng hãng xe, chỉ vì không muốn nhìn thấy chúng là xe của Pháp.
Ông cũng tỏ ra hào phóng: không hiếm khi ông cho các thủy thủ Việt Nam ghé qua đảo vay tiền, mà hầu như chẳng bao giờ họ hoàn trả. Khoản lương bổng chẳng mấy chốc cạn kiệt và cựu hoàng rơi vào cảnh khốn khó.
Tuy nhiên, ông không bao giờ thể hiện điều đó, luôn kiêu hãnh như một con rồng già nua. (còn tiếp)
Dấu ấn người Việt ở đảo Réunion Đi phu giữa Ấn Độ DươngNhững dấu vết vô hình nhưng bền vững
Nguồn: Báo Thanh Niên điện tử