Có thể bạn không biết, stress cũng có "stress this, stress that". Không phải cứ áp lực là xấu, mà đôi khi cuộc sống không áp lực mới là giết người.
Cuộc sống vô lo, vô nghĩ, không "stress" (áp lực, căng thẳng) có lẽ là ước mơ của rất nhiều người. Có điều ước mơ vẫn luôn chỉ là mơ ước, vì mọi khía cạnh trong cuộc sống đều có thể đem lại áp lực, dù là đi học, đi làm hay chỉ ở nhà và chẳng làm gì.
Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh rằng không phải cứ vô lo vô nghĩ là sẽ ổn. Việc phải đối mặt với áp lực, căng thẳng trong cuộc sống sẽ giúp bạn trưởng thành hơn, thậm chí đem lại nhiều điểm tích cực hơn bạn nghĩ.
Lý do là vì, stress cũng có "stress this stress that", có loại tốt, có loại sẽ khiến bạn gặp đau khổ.
Stress có loại tốt loại xấu
Một nghiên cứu của ĐH Harvard cho rằng cuộc sống của chúng ta là một tổ hợp của những áp lực và stress, nhưng có 3 mức độ áp lực thường thấy và tùy vào đó là loại nào, chúng ta sẽ có những hiệu ứng tích cực và tiêu cực.
- Hiệu ứng tích cực: Đây là lợi ích lớn nhất mà stress mang lại, và cũng là điều chúng ta hay gặp nhất trong quá trình phát triển và định hình tính cách của từng người. Nhịp tim tăng lên, hormone cũng tiết ra nhiều hơn một chút, giúp chúng ta tập trung hơn.
- Hiệu ứng chịu đựng: Khi hiệu ứng này xảy ra, bạn sẽ cảm thấy khó khăn hơn để vượt qua. Có thể do chia tay, do gặp tai nạn, nhưng đại khái sẽ khiến bạn phải chịu đựng nó.
- Hiệu ứng độc hại: Khi stress gây ra các phản ứng hết sức tiêu cực, có thể gây hại cho sức khỏe tinh thần của bạn.
Và về cơ bản, chúng ta có 3 loại stress mà bạn sẽ được biết đến dưới đây.
1. Stress cấp tính
Dạng stress này là phổ biến nhất, thường xảy ra khi chúng ta phải đối mặt với một thử thách hoặc sự kiện nào đó trong cuộc sống. Đó có thể là buổi phỏng vấn xin việc, ngày đi làm đầu tiên, hay thậm chí là khi phải dạy con trai mình cách đi xe đạp thôi cũng dễ gây căng thẳng.
Với dạng stress cấp tính, bạn có thể dễ mắc sai lầm, dễ nổi nóng, nhưng đổi lại nó giúp kích thích não bộ và cải thiện tình hình sức khỏe của bản thân. Nghiên cứu từ ĐH California, Berkeley cho biết chính dạng stress này sẽ giúp khả năng tư duy của bạn tốt lên.
Và ngược lại, việc có quá ít áp lực sẽ khiến cuộc sống trở nên nhàm chán, thậm chí dẫn đến trầm cảm.
2. Stress cấp tính theo giai đoạn
Khi quá trình stress cấp tính diễn ra thường xuyên, nó sẽ chuyển thành "stress theo giai đoạn" (episodic acute stress).
Nếu lo lắng mọi lúc và ở mọi việc nhỏ nhặt nhất, cảm xúc tiêu cực sẽ sớm xâm chiếm lấy bạn. Dạng stress này sẽ gây đau đầu, mệt mỏi, và khiến hệ miễn dịch yếu đi. Đó là lý do tại sao bạn cần sớm cải thiện lối sống của mình sao cho lành mạnh hơn, đồng thời tích cực rèn luyện để mọi thứ trở nên dễ dàng.
Một số người có rối loạn lo âu có xu hướng phải chịu đựng dạng stress này nhiều hơn.
3. Căng thẳng mãn tính
Khi căng thẳng cấp tính diễn ra quá thường xuyên và không được giải quyết triệt để trong thời gian dài, nó sẽ dần trở thành mãn tính. Nguyên nhân gây stress mãn tính có thể do hôn nhân không hạnh phúc, công việc kinh khủng nhưng vẫn phải chịu đựng, hoặc do khó khăn tài chính trong thời gian dài.
Và stress mãn tính là một dạng stress cực kỳ độc hại. Nó khiến thể chất và tinh thần của bạn dần kiệt quệ, có khả năng dẫn đến ung thư, bệnh tim, béo phì... Theo nghiên cứu từ ĐH Harvard, stress mãn tính còn gây xáo trộn nồng độ hormone trong cơ thể, khiến trí nhớ ngày càng tồi tệ hơn.
Đôi khi, nguyên nhân gây stress mãn tính lại là do tuổi thơ quá khắc nghiệt: đói nghèo, bị bạo hành... Những trường hợp này cần sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý, hoặc cân nhắc áp dụng một số phương pháp giải phóng tinh thần như thiền định.
J.D
Tham khảo: BS, VT.co