Thích huỷ các kế hoạch ra ngoài để ở nhà một mình có thể không phải là dấu hiệu đáng lo mà cho thấy bạn có trí thông minh vượt trội.
Nếu bạn hay chọn cuộn mình trên sofa với ly đồ uống thơm dịu, theo dõi bộ phim hay hoặc đọc cuốn sách yêu thích, đó có thể là dấu hiệu của một người hướng nội. Nhưng việc thích ở một mình ngoài việc tiết lộ khá nhiều về tính cách cũng nói lên khá nhiều về trí tuệ của một người. Một nghiên cứu mới cho thấy, những ai hướng nội có thể có chỉ số IQ cao hơn.
Nói chung, thường những ai hay giao lưu với bạn bè thì họ càng thấy hạnh phúc, nhưng người thông minh thường thích thời gian riêng cho bản thân, theo các nhà nghiên cứu tại Đại học quản lý Singapore và trường kinh tế London.
Thích ở nhà đọc sách một mình hơn ra ngoài vui chơi với bạn bè có thể là biểu hiện của người có IQ cao. Ảnh: Johnsflaherty.
Để đưa ra kết quả này, nhóm các nhà tâm lý đã thực hiện hai nghiên cứu, sử dụng các dữ liệu từ một đánh giá quốc gia lớn với hơn 15.000 người, ở độ tuổi 18-28. Nghiên cứu đầu tiên xem xét mối liên quan giữa điểm số của những người tham gia ở một bài kiểm tra trí thông minh, mật độ dân số ở khu vực họ sống và mức độ hài lòng với cuộc sống. Nghiên cứu thứ hai đánh giá điểm IQ của những người tham gia so với mức độ hài lòng với cuộc sống và tần suất giao du với bạn bè.
Nhìn chung, những ai sống ở nơi vắng vẻ cảm thấy hạnh phúc hơn trong khi những ai có chỉ số IQ cao sống ở cùng khu vực nói rằng họ ít hài lòng với cuộc sống hơn. Nghiên cứu cũng thấy rằng, hầu hết mọi người hạnh phúc hơn khi họ thường xuyên giao tiếp với xã hội.
Ngược lại, những người thông minh nói rằng họ ít thoả mãn với cuộc sống hơn khi dành nhiều thời gian giao lưu với bạn bè. Những thói quen lạ này chứng minh họ cũng thông minh hơn hầu hết mọi người.
Theo RD, trong khi hai kết luận này dường như trái ngược nhau, các nhà nghiên cứu tin rằng có thể giải thích bằng lý thuyết savanna về hạnh phúc”: Thời tổ tiên quần tụ săn bắt, việc ở bên cộng đồng là cần thiết để sống sót, và bây giờ, như một hệ quả, hầu hết chúng ta cảm thấy bất hạnh khi bị cô lập. Nhưng bởi vì những người có trí thông minh cao không đi theo lối thông thường đó, một số nhà khoa học tin rằng những bộ não thông minh có khả năng thích nghi tốt hơn với những thứ vốn là môi trường không quen thuộc, như ở một mình hay sống ở các cộng đồng đông đúc.
Các nhà tâm lý thấy rằng người thông minh dành ít thời gian giao lưu xã hội vì họ mải mê với các mục tiêu dài hạn và không muốn mất thời gian vào các hoạt động mình không hứng thú và chẳng đem lại kết quả như ý.
Theo vnexpress.