Người Việt có bánh chưng, thịt gà còn mâm cơm truyền thống ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có gì?

Mâm cơm ngày Tết không chỉ để ăn uống mà là dịp sum họp, là nơi tôn vinh nét đẹp ẩm thực truyền thống của mỗi quê hương. Hãy thử ghé thăm những căn nhà châu Á, thưởng thức hương vị bữa ăn năm mới của họ. Tết năm nay sẽ “đậm” hơn rất nhiều đấy!

 

Người ta nói: “Tết ngày càng nhạt”. Nhưng…

Tết vẫn “đậm” đấy chứ! Ngày xưa, Tết gói trong những niềm vui cá nhân, nào quần áo mới, nào phong bao lì xì hay những bữa ăn đầy ắp món ngon. Khi mọi thứ đủ đầy thì Tết lại vui một niềm vui khác, ý nghĩa hơn bởi những giá trị tinh thần và sự giao lưu văn hóa.

Như mâm cơm ngày Tết không chỉ để ăn uống mà là dịp sum họp, là nơi tôn vinh nét đẹp ẩm thực truyền thống của mỗi quê hương. Vậy nên người ta ơi, hãy thử làm đậm cái Tết này bằng việc sẻ chia văn hóa, cùng ghé thăm những căn nhà châu Á và thưởng thức hương vị bữa ăn năm mới đặc trưng của họ.

Trung Quốc cầu may mắn, tài lộc với bánh tổ và sủi cảo 

Nếu thăm Tết Việt Nam, mọi người sẽ được mời bánh chưng xanh rền thơm dẻo bởi đó là món ăn “quốc hồn quốc túy” của người Việt vào dịp Tết nguyên đán. Còn khi đến với Trung Quốc, hẳn bạn sẽ được thiết đãi bằng bánh tổ và sủi cảo – hai món ăn đem lại sự an bình, tài lộc khi năm hết Tết sang.

Bánh tổ

Người Việt có bánh chưng, thịt gà còn mâm cơm truyền thống ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có gì? - 0

Sự kết dính và dẻo quyện của bánh Nian Gao tượng trưng cho tình cảm gắn bó bền vững của những người trong gia đình

Bánh tổ hay bánh “Nian Gao” của Trung Quốc cũng được làm từ gạo nếp lựa chọn kỹ, đường thắng tỉ mỉ và nêm chút gừng tươi để bánh thêm tròn vị. Bởi vậy chỉ cần bóc lớp lá sen bên ngoài là cảm nhận được hương thơm cay nồng của bánh. Sự kết dính và dẻo quyện của bánh Nian Gao tượng trưng cho tình cảm gắn bó bền vững của những người trong gia đình. Bánh cũng có ngụ ý “năm sau cao hơn năm trước”, có bánh tổ trong bữa ăn năm mới là cầu sự thịnh vượng, luôn phát triển, đi lên.

Khi được mời thưởng thức món bánh này, bạn có thể sẽ được nghe nhiều truyền thuyết về tên gọi của chiếc bánh. Một câu chuyện cổ khá nổi tiếng mà người Trung Quốc truyền nhau là về một con quái vật Nian ăn thịt người mỗi mùa đông đến. Trong thôn, có chàng trai tên Gao, anh ta thông minh nghĩ ra cách làm bánh gạo nếp đặt cạnh cửa nhà để dụ quái vật. Nó đã mắc mưu, vì đói mà nó ăn đến nghẹn, phải bỏ lên núi để săn thú khác. Nhờ vậy mà trong thôn không còn nơm nớp lo sợ quái vật, cứ đông đến lại làm bánh gạo nếp và đặt tên bánh là “Nian Gao”.

Nếu đã ăn bánh tổ rồi, thì đừng ngại nếm thử sủi cảo bởi sủi cảo là món chẳng thể thiếu trong mâm cơm Tết Trung Hoa.

Sủi cảo

Người Việt có bánh chưng, thịt gà còn mâm cơm truyền thống ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có gì? - 1

Sủi cảo như một lá bùa mang lại giàu sang, phú quý đến cho gia chủ trong năm mới.

Bánh sủi cảo là sự hòa tấu của hai loại gạo là gạo tẻ và gạo nếp. Cầm chiếc bánh trên tay là có thể dễ dàng nhận thấy hình dáng như đồng tiền cổ của người Trung. Hai đầu hình bán nguyệt nối liền với nhau như nén bạc. Bởi vậy, sủi cảo như một lá bùa mang lại giàu sang, phú quý đến cho gia chủ trong năm mới.

Gần gũi, thân thuộc nhất là thời khắc trước giao thừa, ông bà, bố mẹ cùng các con quây quần gói bánh, ăn sủi cảo nóng sực, sẻ chia một năm đã qua trong không khí yên bình của ngày Tết. May mắn hơn, một người trong nhà có thể tìm thấy đồng tiền xu trong chiếc bánh sủi cảo của mình. Niềm vui ngày Tết đơn giản thế thôi, chỉ cần gia đình sum họp bên nhau là đủ.

Mâm cơm Tết ở Hàn Quốc ấm cúng với canh bánh gạo Tteokguk và sườn omGalbi Jjim

Nền văn hóa ẩm thực Hàn Quốc đã có từ rất lâu đời, món ăn cũng được kết hợp rất tinh tế và nghệ thuật. Bởi vậy mâm cơm ngày Tết luôn rực rỡ màu sắc và đan cài đủ mọi hương vị. Chẳng trách mà không ít người phải lòng với ẩm thực nơi đây. Vậy thì hãy thử khám phá xem?

Canh bánh gạo Tteokguk

“Bạn đã ăn bao nhiêu bát Tteokguk rồi?”

Đó có thể là câu mà bạn được hỏi khi ăn Tết tại Hàn Quốc, vì có nhiều ví von rằng, mỗi bát canh bánh gạo tượng trưng cho một tuổi. Chỉ là một món ăn đơn giản nhưng lại chứa đựng mong ước về sức khỏe và sự trường thọ trong quan niệm của người Hàn.

Người Việt có bánh chưng, thịt gà còn mâm cơm truyền thống ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có gì? - 2

Sau một năm bận rộn với nhiều công việc và những áp lực, được ăn một bát canh bánh gạo Tteokguk với hương vị êm ả sẽ như sự khởi đầu thuận buồm xuôi gió

Canh Tteokguk làm từ nước xương thịt bò với bánh gạo thái lát, tùy khẩu vị từng nơi mà có thể cho thêm hành lá, ớt xanh, trứng hoặc thịt bò băm. Canh bánh gạo có hương vị thơm mát, thanh dịu của gạo. Chỉ cần nhìn bát canh với một màu trắng tinh thuần khiết là có thể thấy nhẹ nhõm. Bạn thử tưởng tượng mà xem, sau một năm bận rộn với nhiều công việc và những áp lực, được ăn một bát canh với hương vị êm ả sẽ như sự khởi đầu thuận buồm xuôi gió. Đó là cảm giác an tâm và tràn đầy hi vọng!

Đã mở đầu năm mới thuận lợi với canh bánh gạo thì bạn hãy thử nếm tiếp hương vị Tết Hàn đậm đà qua món sườn om Galbi Jjim. Món ăn này sẽ thể hiện rất rõ tinh túy của ẩm thực Hàn.

Sườn omGalbi Jjim

Sở dĩ nói sườn om là món ăn đặc trưng bởi hương vị phong phú và sự kết hợp màu sắc trong món ăn mang một tinh thần rất Hàn Quốc!

Mỗi món ăn Hàn đều chứa đựng 5 màu tiêu biểu cho các đặc tính trong năm: màu xanh lá là biểu tượng của mùa đông, mang hương vị chua; màu trắng tượng trưng cho mùa thu và thể hiện vị cay; màu đỏ là biểu tượng của mùa hè và thể hiện vị đắng; màu đen thể hiện mùa đông với vị mặn; còn màu vàng chứa đựng sự ngọt ngào.

Người Việt có bánh chưng, thịt gà còn mâm cơm truyền thống ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có gì? - 3

Sườn om với hương vị phong phú và sự kết hợp màu sắc đa dạng mang một tinh thần ẩm thực rất Hàn Quốc!

Món sườn om làm từ thịt heo hoặc thịt bò hầm mang đủ các hương vị chua, cay, mặn, ngọt bởi được ướp với nước tương, dầu vừng, tiêu và đường. Nổi bật trên màu nâu óng của thịt đẫm nước sốt là màu xanh của hành lá, màu vàng của khoai tây và màu hồng của cà rốt. Chẳng những ngon miệng mà còn ngon mắt!

Sườn om và canh bánh gạo – một món thanh mát, một món đậm đà; một món tơi mềm, một món dẻo quyện. Kết hợp hai món ấy thì thực hài hòa trong bữa cơm ngày Tết.

Osechi – bữa ăn đúng phong vị Tết của Nhật Bản

Nếu các nước có những món ăn đặc trưng trong ngày Tết thì với Nhật Bản là chưa đủ. Người dân xứ Phù Tang có cả một bữa ăn để bắt đầu một năm mới. Bởi vậy khi sang thăm Tết ở đây, bạn sẽ có cảm giác được thưởng thức và khám phá một bữa tiệc nhỏ với những món ăn mang đậm nét văn hóa truyền thống Nhật.

Bữa ăn này có ý nghĩa rất lớn với gia đình và những người nội trợ. Cứ đến những ngày cận Tết, người Nhật lại tất bật chuẩn bị các món ăn Osechi để cùng thưởng thức với gia đình. Những hoạt động này quen thuộc như ở Việt Nam vậy, cả nhà cùng gói bánh chưng và quây quần bên bếp lửa hồng trông bánh.

Người Việt có bánh chưng, thịt gà còn mâm cơm truyền thống ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có gì? - 4

Osechi – linh hồn ẩm thực ngày Tết của Nhật Bản

Nếu như trong mâm cơm Tết của Việt Nam phải có thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh thì ở Nhật Bản mâm Osechi phải có những món như canh hầm, rau củ hầm, món muối chua, món nướng, rượu. Ngoài ra tùy từng vùng sẽ có thêm đậu đen, khô cá mòi và trứng cá trích hay rễ cây ngưu bàng.

Những món ăn trong Osechi được chế biến và bày biện ấn tượng trong khay, hộp hoặc đĩa. Đĩa để bày món ăn không phải là loại đĩa sứ thông thường mà theo truyền thống được làm từ gỗ khảm trai, có tên gọi là Jubako. Sự tinh tế và tỉ mỉ của người Nhật thể hiện ngay từ những thứ đồ đựng món ăn, từ cách trang trí, bày biện.

Người Việt có bánh chưng, thịt gà còn mâm cơm truyền thống ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có gì? - 5

Đậu đen hấp đường và nước tương mang mong ước sức khỏe dồi dào

Mỗi món ăn này đều tượng trưng cho một điều ước trong năm mới của người Nhật. Bạn muốn cầu mong sức khỏe dồi dào thì đừng quên ăn món đậu đen hấp đường và nước tương. Món khoai lang nghiền ăn cùng hạt dẻ ngọt đem lại một năm sung túc và thành công tượng trưng cho lộc. Tôm nướng đem lại tuổi thọ bởi hình dáng của món ăn như một người cao tuổi.

Tất cả các món trong mâm Osechi đều đã được nấu chín và để sẵn sàng cho năm mới. Một phần vì người ta muốn tránh việc sử dụng lửa vào ngày đầu năm, một phần cũng có ý muốn cho người phụ nữ được nghỉ ngơi trong ngày này. Phong tục là vậy nhưng càng ngày thì Osechi càng được cải tiến để phù hợp với thời đại. Bây giờ thực đơn phong phú hơn nhiều. Để đáp ứng nhu cầu của các “Thượng đế”, tất cả các loại món ăn của các nước Tây, Tàu… đều có thể được sử dụng để làm mâm Osechi. Vì nghĩ cho cùng thì đây là mâm cơm sum vầy đầu năm nên con cháu, các thành viên trong gia đình thích ăn món gì thì những món đó đều sẽ được chuẩn bị chu đáo. Không khí gia đình cũng vì thế mà thêm đầm ấm, vui vẻ và thật hạnh phúc.

Dù ở Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc hay các nước châu Á khác, không khí Tết cũng đã tràn về trong những món đồ chuẩn bị cho mâm cơm ngày Tết. Dù ở đất nước nào, mong muốn được sum họp, quây quần bên bữa cơm năm mới cũng mỗi lúc một đầy lên, mỗi lúc một nôn nao. Chỉ cần mở lòng một chút thôi, ngày Tết đã đậm hơn rất nhiều rồi!

Tổng hợp từ nhiều nguồn

Lan Anh Spiderum,

Nguồn: Kênh 14

Bài liên quan