Thông tin về việc thành phố Hà Nội muốn khôi phục hoạt động của hệ thống loa phường mấy hôm nay khiến dư luận bùng lên những lời bỉ bôi, nhạo báng. Điều đó dễ hiểu, khi có lẽ nhiều người có những trải nghiệm không dễ chịu đối với loa phường.
Nhưng tôi cho rằng, phần lớn những lời bỉ bôi ấy không đến từ trải nghiệm, mà từ sự lây lan cảm xúc.
Hồi con tôi còn nhỏ, có buổi tối tôi về muộn, tới sân khu tập thể thì một bác cựu chiến binh hàng xóm chặn xe, bảo:
"Anh để ý dặn mấy đứa nhỏ nhà anh, buổi tối tập xe đạp thì tránh cái chỗ cuối nhà D12, có cái hố ga bị lật nắp, nguy hiểm đấy!", tôi cám ơn ông cụ, tiện mồm hỏi: "Sao bác biết việc đấy?" – "Thì chiều tôi nghe loa phường thông báo những điểm đường có nguy cơ tai nạn, trên địa bàn, gặp anh đây thì nhắc thôi!", bác hàng xóm trả lời.
Tôi rất ít khi để ý tới loa phường. Dù đôi lúc cũng đọc được những lời phàn nàn, bỉ bôi đâu đó về sự phiền toái của nó. Tôi sống trong khu tập thể, loa phường thì thường chỉ lắp đặt ở những điểm công cộng như nhà văn hóa, chợ, vườn hoa, khu vui chơi trẻ em… nên chẳng mấy khi nghe. Vậy nên, nghe lời nhắc của bác hàng xóm, tôi nhận ra loa phường, nếu được tổ chức nội dung tốt thì cũng rất hữu ích.
Hồi trận lụt 2008, ở quận Đống Đa có một cháu học sinh bị rớt xuống hố ga mất nắp mà không được cảnh báo nên thiệt mạng. Những khuyến cáo từ loa phường, trong những thời điểm cục bộ, rất có thể sẽ giúp tránh được nhiều cái chết oan.
Nhiều người có thể đã rất khó chịu vì tiếng loa đánh thức dậy quá sớm. Nhiều người có thể bị làm phiền vì âm thanh quá to, và quá gần. Nhiều người dị ứng vì nội dung phát thanh nhàm chán, và thể hiện vụng về. Chừng đó đủ để chúng ta ghét loa phường. Song, tôi không hiểu vì sao thay vì kiến nghị để khắc phục những điều đáng ghét ấy, người ta chỉ muốn loại bỏ hoàn toàn thứ công cụ thông tin hữu ích này.
Về những điều phiền toái như vị trí đặt loa không hợp lý, thời gian phát sóng không phù hợp, cường độ âm thanh thiếu kiểm soát… việc khắc phục không phải quá khó khăn. Chỉ đơn giản là chuẩn hóa các quy định về truyền thanh công cộng với tiêu chí đảm bảo không cưỡng bức người dân phải chịu tác động tiêu cực trong không gian riêng tư.
Dựa vào những quy chuẩn đó, người dân có thể giám sát, và bảo vệ sự riêng tư của mình.
Loa phường chĩa sát cửa sổ nhà dân trong những khu tập thể cũ ở Hà Nội. Ảnh: M.H.
Về mặt thời lượng phát sóng, với những bản tin ngắn dưới 10 phút mỗi ngày, được phát cố định vào cuối buổi chiều, hoặc 9h sáng, sự phiền toái do loa phường gây ra với một số người (nếu có) cũng không phải điều gì quá ức chế.
Về mặt nội dung, loa phường là hình thức thông tin cộng đồng, nên nội dung cần quy định rõ chỉ bao gồm thông tin cộng đồng, phục vụ riêng cho những vấn đề chung của cộng đồng cấp phường, gồm:
Cảnh báo rủi ro, khuyến cáo các vấn đề về vệ sinh, an toàn, các khía cạnh sinh hoạt cộng đồng, các thông báo thiết yếu như lịch cắt điện, nước, lịch sửa chữa hạ tầng, các chương trình, hoạt động xã hội…. Cơ cấu nội dung, hình thức thể hiện đều phải theo chuẩn mực phát thanh để không gây phản cảm.
Giải quyết được những vấn đề đó không quá khó khăn, song chỉ chừng đó cũng đủ để loa phường không còn là một sự phiền toái đối với người dân. Vấn đề còn lại chỉ là sự tồn tại của loa phường có còn cần thiết với người dân hay không?
Nhiều người cho rằng với rất nhiều phương thức giao tiếp hiện đại thì cái loa phường đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình. Tuy nhiên, mặc dù có rất nhiều loại hình báo chí thì chỉ có loa phường mới có khả năng cá biệt hóa thông tin ở quy mô phường, xã.
Nhiều người cũng cho rằng những thông tin dân sinh thì hoàn toàn có thể dùng hình thức thông báo trên Facebook, Zalo. Điều đó không sai. Tuy nhiên, thực tế thì trên Facebook, Zalo mỗi ngày có cả rừng thông tin cần lao cướp giết hiếp, chính trị gia lỡ mồm, ngôi sao giải trí thiếu quần áo… những vấn đề dân sinh cấp phường sẽ không có nhiều người chú ý tìm đọc. Truyền thông áp đặt kiểu loa phường giải quyết được việc này khi người nghe không có nhiều lựa chọn về tin tức.
Cũng có nhiều người cho rằng lợi ích mà loa phường mang lại không tương xứng với chi phí để duy trì nó. Tuy nhiên, trên thực tế thì để duy trì hệ thống phát thanh công cộng không quá tốn kém. Khi mà các cơ quan, doanh nghiệp công ích trên địa bàn buộc phải có trách nhiệm thông báo những vấn đề của mình đến với người dân, họ cần phải chi trả kinh phí truyền thông cho hệ thống loa phường.
Nhân sự thực hiện thì hoàn toàn có thể tận dụng những người có khả năng ở địa bàn như những người hưu trí, thanh niên mới tốt nghiệp đại học, hoặc trung học nhưng chưa tìm kiếm được việc làm phù hợp.
Chất lượng thông tin của loa phường có thể được đánh giá định kỳ, dựa vào đó để thay thế người thực hiện.
Không phiền toái, không tốn kém, lại có những nội dung hữu ích với người dân?
Nếu thực hiện được điều đó không quá khó khăn, vậy thì tại sao loa phường phải "chết"?
Nếu chúng ta bức tử loa phường chỉ vì định kiến, tôi nghĩ rằng sẽ đến lúc chúng ta lại phải nuối tiếc như đã từng phải nuối tiếc hình thức dọn vệ sinh khu phố cuối tuần, nuối tiếc các không gian công cộng đã từng có trong các khu dân cư của thời bao cấp.
Tất nhiên, định kiến xã hội đối với loa phường đã rất lớn, nên việc khôi phục hoạt động của hệ thống này, đối với chính quyền thành phố sẽ là một áp lực không nhỏ.
Nó đòi hỏi những người đứng đầu thành phố cần có sự kiên định, và hơn tất cả, là cần một đề án khả thi có sự tường minh nhằm cải tổ hoạt động truyền thanh công cộng theo hướng thân thiện và hữu ích đối với cộng đồng.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT